Hiện nay trên cả nước có 1.182 Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) hoạt động trên 57 tỉnh, thành phố với số vốn điều lệ đang dao động ở mức 5.526 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên khác với các loại hình Ngân hàng, QTDND có những đặc thù rất riêng biệt như: mục tiêu hoạt động (chủ yếu là tương trợ giữa các thành viên), quy mô hoạt động nhỏ, địa bàn hoạt động trong phạm vi hẹp (một xã, phường hay liên xã, liên phường tiếp giáp với trụ sở chính của quỹ), đối tượng hoạt động chỉ cung cấp các sản phẩm dịch vụ chủ yếu cho thành viên trong địa bàn hoạt động. Tính đến thời điểm này hệ thống QTDND trên 1,7 triệu thành viên, cho thấy đối với những QTDND quy mô nhỏ thì số lượng thành viên cũng phải 1.000 thành viên và QTDND quy mô lớn lên đến 10.000 thành viên.

Những năm gần đây, mô hình QTDND đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, điều này được thể hiện qua việc hành lang pháp lý đang ngày càng được hoàn thiện nhằm tăng cường giải pháp bảo đảm an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND. Hệ thống QTDND đang ngày càng là điểm đến tin cậy của người dân trên địa bàn khi có nhu cầu về các sản phẩm liên quan đến tài chính ngân hàng.

Sự ra đời của Hiệp hội quỹ tín dụng nhân dân Việt Nam nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của đất nước và địa phương. Các QTDND liên kết lại với nhau vì có cùng một lợi ích chung và nhằm tạo ra sức mạnh tập thể trong hoạt động của toàn hệ thống, trên cơ sở các cam kết mang tính pháp lí cao giữa các hội viên và được tuân thủ một cách chặt chẽ. Thông qua Hiệp hội các QTDND cùng nhau thoả thuận về những vấn đề có liên quan cần có sự phối hợp, hỗ trợ nhau mà vẫn giữ tính độc lập và tư cách pháp nhân của tổ chức mình. Các vấn đề được thảo luận, bàn bạc một cách dân chủ và bình đẳng giữa các hội viên của Hiệp hội.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội QTDND cho biết: hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân hiện nay gồm:

1. Nhận tiền gửi bằng đồng Việt Nam trong các trường hợp sau đây:

a) Nhận tiền gửi của thành viên;

b) Nhận tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân không phải là thành viên theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

2. Cho vay bằng đồng Việt Nam trong các trường hợp sau đây:

a) Cho vay đối với khách hàng là thành viên;

b) Cho vay đối với khách hàng không phải là thành viên theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

3. Cung ứng dịch vụ chuyển tiền, thực hiện các nghiệp vụ thu hộ, chi hộ cho các thành viên.

4. Các hoạt động khác, bao gồm:

a) Tiếp nhận vốn ủy thác cho vay của Chính phủ, tổ chức, cá nhân;

b) Vay vốn của các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính khác;

c) Tham gia góp vốn thành lập ngân hàng hợp tác xã;

d) Mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước;

đ) Mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Gửi tiền tại Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam để điều hòa vốn; mở tài khoản thanh toán để sử dụng dịch vụ thanh toán tại Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam.

e) Nhận ủy thác và làm đại lý một số lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, quản lý tài sản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;

g) Làm đại lý kinh doanh bảo hiểm;

h) Cung ứng dịch vụ tư vấn về ngân hàng, tài chính cho các thành viên.

Mời các bạn nghe bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân Việt Nam tư vấn về việc vay nguồn vốn từ quỹ tín dụng nhân dân cũng như là việc tham gia vào Hiệp hội quỹ tín dụng nhân dân dưới đây: