Quyết định đó được coi là "chìa khóa" để mở cánh cửa Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ- được đưa ra trên cơ sở bám sát diễn biến chiến trường, phân tích tình hình thực tiễn một cách khoa học và sự thấu triệt sâu sắc tư tưởng "đánh chắc thắng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
"Mấy vạn bộ đội ta là bố trí sẵn sàng. Tôi ra lệnh cho pháo binh, bộ binh, toàn quân rút ra khỏi trận địa lên vị trí tập kết, chuyển sang phương châm mới, chuẩn bị mất thời gian để "đánh chắc, tiến chắc". Đó là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của tôi" - Đó là một phần trích đoạn trong kho băng tư liệu của Báo Quân đội Nhân dân hiện còn lưu giữ khi phỏng vấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình.
Theo Đại tá Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" được coi là một quyết định lịch sử trong một chiến dịch lịch sử.
Là trợ lý tác chiến của cơ quan đầu não thuộc Bộ Tổng tham mưu mặt trận Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Công Dinh là một trong số ít người giúp việc, tổng hợp tin tức hàng ngày từ các đơn vị ngoài mặt trận để báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại sở chỉ huy đóng tại Mường Phăng, Điện Biên Phủ. Ông Dinh kể: Từ An toàn khu Định Hóa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có mặt ở sở chỉ huy Thẩm Púa (cách Điện Biên Phủ 15 km) và bắt tay vào triển khai kế hoạch tác chiến như đã xác định và thống nhất với các chuyên gia Trung Quốc từ ban đầu là "đánh nhanh, giải quyết nhanh". Tuy nhiên, từ vài ngày trước khi nổ súng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lo lắng và suy nghĩ rất nhiều về lời dặn của Bác Hồ, đó là "Chắc thắng mới đánh". Đêm trước ngày nổ súng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thức trắng và sáng sớm 26/1, ông triệu tập cuộc họp Đảng ủy mặt trận. Kết luận cuộc họp lịch sử và cân não ấy bằng Chỉ thị: Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là "đánh chắc thắng", cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc".
"Nếu không thay đổi phương châm tác chiến thì địch tập trung thành Tập đoàn Cứ điểm thành Con Nhím rất mạnh. Bấy giờ tương quan lực lượng rất khó đánh, cho nên phải có thời gian chuẩn bị thêm. Chính phương châm này ta đánh thắng Điện Biên phủ một cách chắc chắn như thế. Sau này mới thấy đây là phương châm rất tài tình của Đại tướng. Nếu như không có phương châm này thì không tài nào giải quyết được Điện Biên Phủ" - ông Nguyễn Công Dinh nhấn mạnh.
Trước đó, gần đến ngày mở màn chiến dịch, nhiều pháo của ta vẫn chưa vào tới vị trí đã định. Tại những vị trí đặt pháo lại vô cùng trống trải, rất dễ bị địch phát hiện và phản pháo, ta sẽ chịu nhiều tổn thất. Quyết định thay đổi phương châm tác chiến dẫn đến việc kéo pháo ra là một thử thách không nhỏ với các cán bộ, chiến sĩ pháo binh. Đại tá Trần Liên, nguyên Cán bộ Tham mưu Trung đoàn Cao xạ 367 năm 1954 kể lại: Kéo pháo vào đã vô cùng gian khổ nhưng kéo pháo ra lại càng gian khổ hơn. Lá ngụy trang bị héo, địch đã nắm được tình hình nên bắn phá dữ dội, sức người lại suy giảm đáng kể sau 1 quãng đường dài kéo pháo vào. Thế nhưng, với những nỗ lực và quyết tâm của bộ đội pháo binh, mờ sáng ngày 5/2/1954, khẩu pháo cuối cùng đã được kéo về vị trí tập kết, nhiệm vụ kéo pháo ra đã hoàn thành thắng lợi. Bộ đội pháo binh đã sẵn sàng chuẩn bị tác chiến theo phương châm "đánh chắc, tiến chắc" cho cuộc tấn công vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Ngày 13/3/1954, sau nhiều ngày tháng chuẩn bị, thời cơ chín muồi, ta nổ súng vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bằng loạt đạn pháo vào cứ điểm đầu ngõ phía Bắc, đồi Him Lam. 56 ngày đêm sau đó, từng vỏ bọc của Tập đoàn quân sự lần lượt được mở ra, những cứ điểm mạnh nhất, uy lực nhất cũng không thoát khỏi sức tấn công như vũ bão của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ta đã giành được thắng lợi trọn vẹn, to lớn nhất từ trước tới nay, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp.
Ông Dương Niết, đại đội 263, tiểu đoàn 18, Trung đoàn Thủ Đô khẳng định: "Quyết định của Đại tướng sáng suốt một cách tuyệt đối. Trước khi chiến dịch bắt đầu chúng tôi nhận được truyền đơn của Navare, rải khắp xung quanh vùng Điện Biên phủ là thách thức Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho quân vào đánh. Khi thách thức như vậy ta vẫn im tiếng súng. Đến khi ta bắt đầu đánh thì rất hoang mang. Đánh trận đầu tiên vào Him Lam chúng phát hiện ta có pháo binh mà trước đó không phát hiện được. Quyết định của Đại tướng khi cho kéo pháo ra để làm trận địa sau đó kéo pháo vào trong, rõ ràng là nghi binh tuyệt vời mà Pháp không thể chối cãi được. Sau này tướng Pháp đánh giá quyết định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là quyết định sáng suốt".
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu là minh chứng cho thấy quyết tâm thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" là một quyết định sáng suốt và đầy trách nhiệm của Bộ Tư lệnh chiến dịch, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 70 năm qua, rất nhiều tài liệu đều nhận định việc thay đổi cách đánh này vào phút chót mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, là yếu tố quyết định dẫn tới thắng lợi của chiến dịch, chấm dứt giấc mộng thực dân của Pháp tại Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung. Đây cũng là tiền đề cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ sau này.
Lại Hoa/VOV1