Nhằm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp giám định gen (ADN) cho khoảng 20.000 mẫu, ngày 23/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành ấn nút kích hoạt, ra mắt “Ngân hàng gen liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ”.

Tại Hội nghị ra mắt Ngân hàng gen liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, việc ra mắt “Ngân hàng gen” đem lại hy vọng đoàn tụ cho nhiều gia đình, góp một phần xoa dịu những mất mát, hy sinh của các thân nhân, gia đình liệt sĩ.

“Việc thực hiện lấy mẫu ADN chưa xác định được thông tin và toàn bộ thân nhân gồm khoảng 600 nghìn người là cơ sở để từng bước giám định, lưu giữ trong ngân hàng gen, là bước chuẩn bị tốt nhất để hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Chúng tôi cho rằng đây là việc làm ý nghĩa, rất linh thiêng. Chúng ta phải chạy đua với thời gian, càng làm sớm càng tốt. Xong chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ nặng nề, gian nan, chúng ta phải làm bằng trái tim của chính mình, trả lại tên cho các anh hùng liệt sĩ” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Ngân hàng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Công an đề xuất xây dựng trong bối cảnh cả nước còn 300.000 liệt sĩ an táng tại hơn 3.000 nghĩa trang chưa xác định được thông tin; gần 200.000 liệt sĩ chưa được quy tập. Ngân hàng Gen đã mở ra hy vọng xác định danh tính người thân cho các gia đình, thân nhân liệt sĩ như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thu, thương binh ở thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam: “Có người nằm xuống, có người trở về, có người chưa tìm thấy, hiện tại đồng đội của tôi chưa tìm thấy. Đảng và Nhà nước quan tâm làm những chính sách như thế này quá tốt, quá tuyệt vời”.

Tại lễ ra mắt, 10 gia đình liệt sĩ được trao giấy chứng nhận về kết quả giám định gen ADN. Trong đó, có 4 gia đình đã hoàn thành việc xác định hài cốt, đưa liệt sĩ về quê hương.

“Bố mẹ tôi mất hết rồi, bố mẹ mất thì bảo tôi phải đi kiếm anh, quá trình tôi đi kiếm anh, hôm nay được nhận anh tôi rồi. Năm nay là 49 năm, tôi rất xúc động vui mừng nhận được kết quả đúng anh tôi rồi” - Bà Phạm Thị Vinh, em gái liệt sĩ Phạm Văn Thước (quê ở tỉnh Thanh Hóa) là một trong 4 gia đình đã tìm được hài cốt liệt sĩ nhờ giám định ADN bày tỏ.

Ông Lê Văn Quý, Thương binh 1/4 ở Thuận Thành, Bắc Ninh có người anh trai nhập ngũ năm 1965, hy sinh tháng 10/1972 tại chiến trường Đông Nam Bộ. Gia đình ông nhiều năm trăn trở khi chưa thể tìm thấy phần mộ người thân đưa về quê nhà.

“Năm tháng trôi qua, hài cốt liệt sĩ không còn, cha mẹ liệt sĩ, anh em ruột tuổi đã cao, ngày một mất đi, phải xác định ngay gen của thân nhân liệt sĩ để khi nào tìm được hài cốt liệt sĩ thì giám định gen. Từ 2 nguồn gen này đối chiếu thì chính xác, kịp thời” – ông Quý cho biết.

Trao đổi với phóng viên chương trình, bà Nguyễn Kim Oanh, Phó trưởng phòng Hồ sơ - Thông tin liệt sĩ, Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 14/01/2013 phê duyệt Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin và Quyết định số 1237/QĐ-TTG ngày 27/7/2013 về việc phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 515/QĐ-TTg ngày 10/5/2018 về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Hiện nay, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 119/2023/TT-BQP ngày 22/12/2023 ban hành Quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Ngoài ra còn có các Kế hoạch triển khai, Công văn của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước đối với hoạt động này.

Hiện nay theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật thì việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được thực hiện theo hai phương pháp là phương pháp thực chứng và phương pháp giám định ADN.

Việc áp dụng phương pháp nào thì có nguyên tắc đã được quy định như: thứ tự ưu tiên là áp dụng phương pháp thực chứng trước; khi không áp dụng được phương pháp thực chứng mới áp dụng phương pháp giám định ADN, có những ngôi mộ bắt buộc phải áp dụng phương pháp này và có những ngôi mộ chỉ áp dụng được phương pháp kia. Tùy từng trường hợp cụ thể mà cơ quan chức năng nghiên cứu hồ sơ, giấy tờ và tư vấn cho thân nhân liệt sĩ nên làm theo phương pháp nào để đạt được hiệu quả cao nhất.

Triển khai Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150), thực hiện với phương pháp giám định ADN và thực chứng thời gian qua mang lại nhiều kết quả trong việc hỗ trợ thân nhân liệt sĩ xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Cụ thể, theo thông tin bà Nguyễn Kim Oanh, Phó trưởng phòng Hồ sơ - Thông tin liệt sĩ cung cấp, với phương pháp thực chứng, thông qua thông tin về đồng đội, đơn vị, thân nhân liệt sĩ, thông tin về nơi hy sinh, nơi an táng ban đầu, thông tin về nơi quy tập hài cốt liệt sĩ, các cơ quan, đơn vị đã xác định bằng phương pháp thực chứng được danh tính đối với 4.613 danh tính hài cốt liệt sĩ. V

Với phương pháp giám định ADN, Đã lấy mẫu hài cốt và mẫu thân nhân liệt sĩ được 52.723 mẫu (44.094 mẫu hài cốt và 8.629 mẫu thân nhân); đã phân tích ADN được 24.987 mẫu (20.025 mẫu hài cốt và 4.962 mẫu thân nhân). Qua phân tích, so sánh, đối chiếu ADN giữa mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu thân nhân liệt sĩ đã xác định danh tính đối với 1.466 hài cốt liệt sĩ, báo tin cho thân nhân và chỉnh sửa thông tin ghi trên bia mộ liệt sĩ. Kết quả giám định ADN được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ; số mẫu chưa phân tích lưu khô tại các cơ sở giám định chờ giám định.

Trao đổi với phóng viên VOV2, TS. Trần Trung Thành, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giám định ADN (Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, việc ra đời Ngân hàng gen là tín hiệu đáng mừng, mở ra hy vọng một tương lai không xa với các liệt sĩ đã nằm xuống, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc sẽ được quy tập và xác định được danh tính. Với những thông tin quý giá từ Ngân hàng gen có thể đối khớp để đưa ra thông tin di truyền, từ đó tiến hành nhận dạng, đối khớp ADN của thân nhân và ADN của các hài cốt liệt sĩ để đưa các anh về với gia đình của mình.

Có thể thấy việc ra mắt Ngân hàng gen liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ là việc làm rất ý nghĩa trong hành trình tìm kiếm, trả lại tên cho các anh hùng liệt sĩ. Tuy nhiên để Ngân hàng gen phát huy hiệu quả trong công tác tìm kiếm, trả lại tên cho Liệt sĩ, từ thực tế công việc, TS. Trần Trung Thành cho rằng thời gian tới các Bộ, ngành liên quan cần bổ sung trang thiết bị, cơ sở vật chất giám định, ứng công nghệ và phát triển nguồn nhân lực cho các hoạt động giám định, lấy mẫu ADN.

Bên cạnh đó với việc rà soát các thông tin liên quan tới thân nhân, cơ quan chức năng có thể tiến hành thu thập mẫu thân nhân càng sớm càng tốt, các mẫu hài cốt liệt sĩ càng sớm càng tốt để lưu trữ, bảo quản trong điều kiện tốt nhất. Khi đáp ứng đủ công nghệ, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất thì có thể tiến hành ngay các phương pháp giám định. Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật để làm cơ sở xây dựng đơn giá cho dịch vụ giám định ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ.

Để Ngân hàng gen liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ phát huy hiệu quả, tạo bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, bà Nguyễn Kim Oanh, Phó trưởng phòng Hồ sơ - Thông tin liệt sĩ cho biết trong thời gian tới, Cục Người có công sẽ phối hợp với C06 Bộ Công an để tích hợp Trung tâm lưu trữ cơ sở dữ liệu ADN (dlls.nguoicocong.gov.vn) vào Ngân hàng gen (ADN liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ chưa xác định được thông tin) do Bộ Công an quản lý.

Cục Người có công hiện đang quản lý Trung tâm lưu trữ cơ sở dữ liệu ADN (dlls.nguoicocong.gov.vn) gồm dữ liệu ADN của liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ đã được phân tích ADN tại các đơn vị giám định. Trung tâm này được xây dựng năm 2019, đưa vào sử dụng từ 01/01/2020, theo Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Trong thời gian tới, Cục Người có công sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị giám định ADN xây dựng Thông tư ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật, định mức chi phí thực hiện dịch vụ giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Việc ra mắt “Ngân hàng gen liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ” sẽ là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Qua đó, phần nào xoa dịu những đau thương, mất mát của những người ở lại, thể hiện được trách nhiệm của chúng ta đối với những người đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc./.