Bãi rác này từ đâu?

Ông Nguyễn Duy Giang, Chủ tịch UBND xã La Phù khẳng định, nơi mà các cơ quan báo chí phát hiện không phải là bãi rác của xã, mà là khu vực trung chuyển rác sinh hoạt. Thậm chí xã đã đặt một biển báo “cấm đổ rác sản xuất” tại khu vực này, nhưng rác sản xuất vẫn bị đổ trộm tại đây.

“Từ địa điểm này, HTX Thành Công, đơn vị thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn sẽ chuyển đi các bãi rác tập kết. Nhưng do có lẫn bánh kẹo, xúc xích, trà sữa… còn nguyên bao bì, nên công nhân môi trường thu gom rác không tiếp nhận và họ khẳng định đây là rác sản xuất, họ không có trách nhiệm thu gom”, ông Giang phân trần.

La Phù vốn là làng nghề sản xuất bánh kẹo, nơi đây có hàng trăm cơ sở sản xuất, gia công các loại bánh kẹo, thậm chí còn “làm nhái” một số thương hiệu bánh kẹo nổi tiếng. Vì vậy số bánh kẹo, xúc xích, trà sữa lẫn trong rác, chắc chắn được đổ từ trong làng ra. Chính quyền cấp huyện đã chỉ đạo, chính quyền cấp xã giao cho lực lượng công an xác minh, điều tra để tìm ra đối tượng đổ trộm, nhưng đến ngày 10/2 vẫn chưa có kết quả.

Khi được hỏi vì sao lại có hiện tượng đổ trộm sản phẩm này, ông Vương Bá Dũng, Đội trưởng đội QLTT số 24, thường trực BCĐ 389 huyện Hoài Đức khẳng định: “Thực hiện việc kiểm tra hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Cuối tháng 12 năm ngoái, chúng tôi đã kiểm tra gắt gao ở La Phù, xử phạt hàng trăm triệu đồng với những hành vi hàng giả, hàng nhái bánh kẹo. Do chúng tôi làm gắt gao như vậy, các đối tượng không thể lưu thông số hàng này, nên họ chỉ còn cách đem ra bãi rác tiêu hủy”.

Cùng chung quan điểm với ông Dũng, ông Nguyễn Duy Giang, chủ tịch UBND xã La Phù cũng cho biết, ngay sau khi các cơ quan báo chí phát hiện vụ việc, huyện Hoài Đức đã chỉ đạo BCĐ 389, kiểm tra liên tục trong 3 ngày từ 5-7/2 các cơ sở sản xuất bánh kẹo, xử lý và thu giữ hàng trăm gói bánh, kẹo không rõ nguồn gốc, xử phạt gần 20 triệu đồng.

“Chúng tôi khẳng định là kiểm tra nghiêm minh, gắt gao, không để xảy ra hiện tượng bánh kẹo không rõ nguồn gốc lẫn vào thị trường…trên thực tế do xử phạt nghiêm, nên các hộ kinh doanh cũng sợ, không dám làm hàng nhái, hàng giả”, ông Giang nhấn mạnh.

Vậy có thể hiểu qua kiểm tra gắt gao dịp trước Tết, hàng hóa, thực phẩm không rõ xuất xứ, trôi nổi, không tem mác đã không thể lưu thông trên thị trường. Vì đã quá hạn, nên những chủ hàng đó đã đem ra bãi trung chuyển rác sinh hoạt để đổ trộm. Nhưng đến giờ, vẫn chưa xác minh được ai là người đã đổ số thực phẩm này ra chỗ trung chuyển rác sinh hoạt?

Bãi rác đã được thu gom, vận chuyển đi chỗ khác chưa?

Câu trả lời là chưa. Ngày 7/2, khi trả lời PV VOV2, ông Nguyễn Duy Giang khẳng định sẽ chuyển số rác này đi trong tuần (9/2), nhưng đến 10/2 khi PV quay lại hiện trường, bãi rác vẫn nguyên như vậy, chỉ khác là được phủ lên tấm bạt ni lông, còn độ cao bãi rác vẫn vậy, số bánh kẹo, xúc xích… vẫn tràn ra ngoài.

Chị Nguyễn Hoa, sinh sống ngay bên cạnh bãi rác từ trước Tết. Chị kể, khó chịu nhất là những lúc gia đình ăn cơm, ruồi nhặng bay đầy nhà, mùi hôi của rác, mùi nồng của đường lên men chen lẫn trong không khí, ô nhiễm vô cùng.

Còn bà Triệu Thị Tuyết, làm nghề đồng nát, chuyên gom bìa, giấy vụn ở bãi rác cho biết, mọi năm ở đây còn sạch, nhưng năm nay rác lẫn thực phẩm nhiều, khiến ruồi nhặng cũng sinh sôi theo, môi trường rất ô nhiễm.

Tại sao HTX Thành Công từ chối thu gom chỗ rác này?

Khi được hỏi “có đúng là HTX Thành Công (đơn vị thu gom rác tại La Phù) từ chối không thu gom rác phát sinh như báo chí phản ánh?”- ông Phạm Thiện Lộc, Giám đốc HTX Thành Công khẳng định: “Nói chúng tôi từ chối không tiếp nhận là đúng. Chúng tôi ký hợp đồng với huyện Hoài Đức nhận thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt trên địa bàn. Việc này đã triển khai nhiều năm nay và diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên việc rác lần này lẫn bánh kẹo, thực phẩm là những đồ mà làng nghề sản xuất, nên đây phải là rác sản xuất, rác công nghiệp. Hợp đồng chúng tôi không ghi tiếp nhận loại rác này, nếu chúng tôi vẫn nhận, sẽ làm trái luật”.

HTX Thành Công nhận thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt trên địa bàn quận Thanh Xuân, huyện Đan Phượng, Thạch Thất và Hoài Đức giai đoạn 2021-2025, mỗi ngày tiếp nhận 650 tấn rác sinh hoạt. Vậy nên năng lực vận chuyển thu gom rác của đơn vị là có, tuy nhiên do hợp đồng ký kết với huyện Hoài Đức chỉ là “rác sinh hoạt” nên HTX đã không thể làm sai quy định. Việc thu gom rác sản xuất, các nhà xưởng, chủ sản xuất phải ký trực tiếp với các đơn vị thu gom và tự thanh toán.

Trao đổi với PV VOV2 về hướng giải quyết, ông Nguyễn Duy Giang, Chủ tịch UBND xã La Phù mong muốn: “Tới đây các cấp chính quyền tạo điều kiện cho HTX Thành Công được tiếp nhận rác công nghiệp, rác sản xuất để không để lặp lại tình trạng này”. Tuy nhiên, ông Phạm Thiện Lộc, Giám đốc HTX Thành Công lại có suy nghĩ khác: “Từ 1/1/2025 đã có quy định phân loại rác tại nguồn, nên việc thu gom, vận chuyển cũng phải đúng quy định. Vì vậy muốn việc này được giải quyết triệt để, huyện Hoài Đức phải tuyên truyền các làng nghề phân loại kỹ rác sinh hoạt, rác sản xuất, rác công nghiệp và tiến tới ký toàn diện với đơn vị có chức năng đầy đủ. Chứ ký rồi mà không phân loại, đơn vị thu gom sẽ không thể tiếp nhận, và việc tồn đọng rác kiểu như vậy sẽ khó tránh khỏi”.

Như vậy là bãi rác lẫn thực phẩm quá hạn tại La Phù, huyện Hoài Đức hiện nay vẫn tồn tại, chưa được di dời và vẫn gây ô nhiễm, người dân sống xung quanh vẫn phải chịu khổ vì sự ô nhiễm này. Chính quyền xã đang đàm phán với một đơn vị có chức năng xử lý rác công nghiệp (có thể là Urenco Hưng Yên) để tiến hành cân, kiểm đếm và tính toán mức giá để chuyển số rác lẫn thực phẩm này đi. Theo dự kiến, việc này phải mất từ 7-10 ngày nữa mới có kết quả.

Trên địa bàn các huyện ngoại thành như Đan Phượng, Hoài Đức, Thạch Thất (Hà Nội) có hàng chục, hàng trăm làng nghề. Việc phát sinh rác sản xuất, rác công nghiệp từ các làng nghề này là điều khó tránh khỏi. Vậy xử lý rác từ các làng nghề này nên triển khai như thế nào để không chồng chéo, lẫn lộn rác sinh hoạt và rác sản xuất? Việc ký kết với các đơn vị thu gom, vận chuyển và tiến tới là xử lý số rác này cần tính toán ra sao để hiệu quả, tránh lãng phí? Đây là hàng loạt những câu hỏi đặt ra với chính quyền các huyện ở Thủ đô về quá trình vận hành rác thải tại các làng nghề, tránh xảy ra những vụ việc tương tự như tại làng nghề La Phù.