Sáng nay (23/11), Quốc hội thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi. Câu chuyện rút BHXH một lần tiếp tục làm “nóng” nghị trường với những góc nhìn đa chiều.

Mỗi phương án một ưu điểm

Theo quy định tại dự thảo, Luật BHXH sửa đổi đưa ra 2 phương án nhằm “hóa giải” vấn đề rút BHXH 1 lần đang có xu hướng gia tăng.

Phương án 1: Giải quyết rút BHXH 1 lần với nhóm lao động tham gia trước khi luật BHXH sửa đổi có hiệu lực (dự kiến từ ngày 1.7.2025), sau 12 tháng nghỉ việc, không tham gia BHXH tự nguyện, có thời gian đóng chưa đủ 20 năm và có nhu cầu thì được rút BHXH 1 lần.

Đối với nhóm người tham gia hệ thống từ sau ngày 1.7.2025 sẽ không được rút BHXH 1 lần, trừ trường hợp theo quy định.

Phương án 2: Người lao động sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc (nghỉ việc), không tham gia BHXH tự nguyện, có thời gian đóng chưa đủ 20 năm và có yêu cầu nhận BHXH 1 lần thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH về sau.

Các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của cơ quan soạn thảo khi cho rằng vấn đề khiến dư luận lo lắng đã được đưa vào luật để bàn thảo, tìm giải pháp. Tuy nhiên, trong 2 phương án đưa ra, các đại biểu vẫn chưa thấy phương án nào tối ưu hơn cả. “Quốc hội khóa 13 đã ban hành Nghị quyết 93 năm 2015 cho phép người lao động lựa chọn việc bảo lưu bảo hiểm một lần. Nếu áp dụng phương án 1 thì người lao động không đồng tình. Còn ở phương án 2 cho phép người lao động được giải quyết một phần nhưng không quá 50% tổng số thời gian đóng”, đại biểu Tô Văn Tám, đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Kon Tum băn khoăn.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, một trong những lý do chính khiến người lao động rút BHXH 1 lần thời gian qua là vì khó khăn. Việc rút bảo hiểm là lựa chọn cuối cùng để đảm cuộc sống trước mắt.

Vì thế, nếu quy định như phương án 1 thì sẽ không thực hiện được nguyên tắc công bằng, bình đẳng của bảo hiểm xã hội như quan điểm xây dựng luật đã nêu. “Nếu lựa chọ phương án 1 dễ dẫn tới nguy cơ sẽ không động viên được lao động trẻ, lao động mới tham gia bảo hiểm xã hội khi tích lũy từ tiền lương và thu nhập của người lao động còn rất thấp”, bà Cầm nhấn mạnh.

Còn nếu chọn phương án 2, dù vẫn có thể rút BHXH 1 lần nhưng mức rút chỉ là 50% trên tổng tích lũy, theo đại biểu Cầm cũng không hợp lý. “Số tiền người sử dụng lao động đóng BHXH cho người lao động cũng là tiền của người lao động. Khi họ đang phải đương đầu với khó khăn mà chỉ cho rút 50% thì chưa phải là phương án tốt hỗ trợ cho họ”, bà Cầm phân tích.

Không chỉ riêng bà Cầm, ông Tám, một số đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận tại nghị trường cũng có những góc nhìn, lựa chọn khác nhau về hai phương án nêu trên bởi mỗi phương án đều có những ưu, nhược điểm riêng.

Gia tăng lợi ích để thu hút thay vì cấm rút

Giữ hay bỏ quy định về rút BHXH 1 lần là nội dung nhạy cảm, ảnh hưởng tức thì đến cuộc sống của đông đảo người lao động và tác động lâu dài đến lưới an sinh xã hội. Chính vì vậy, các đại biểu cho rằng cần làm rõ hơn nữa nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của tình trạng rút BHXH 1 lần. Trên cơ sở đó xây dựng phương án tối ưu, đảm bảo được các mục tiêu “đáp ứng nguyện vọng của người lao động nhưng vẫn hạn chế được tình trạng rút BHXH 1 lần. Đây là quan điểm của đại biểu Sùng A Lềnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai và đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên. “BHXH 1 lần là quyền lợi chính đáng của người lao động tham gia. Tuy nhiên, người lao động hưởng BHXH 1 lần có xu hướng gia tăng là thực tế đáng lo ngại đối với việc thực hiện mục tiêu an sinh xã hội cho toàn dân. Đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá nguyên nhân để có giải pháp căn cơ”, bà Mai kiến nghị.

Sau khi phân tích ưu, nhược điểm của hai phương án được quy định trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang kiến nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động trực tiếp, xem xét dưới góc độ giới để xây dựng phương án thấu đáo nhất. Theo bà, để đạt được mục tiêu đó, khi xây dựng phương án cần có các hình thức hỗ trợ song song như tín dụng vốn vay ưu đãi cho người lao động; vận động, truyền thông để thay đổi nhận thức, hành vi giúp mọi người nhận diện được lợi ích lâu dài của việc tham gia BHXH.

Cũng hướng đến mục tiêu vừa đảm bảo an sinh nhưng vẫn đáp ứng quyền lợi của người tham gia, đại biểu Phạm Văn Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng khi hoàn thiện Luật BHXH sửa đổi, cơ quan soạn thảo nên đặt mình vào cương vị của người lao động. Theo đó, các nội dung cơ bản của Nghị quyết 93 năm 2015 cần được tiếp tục gìn giữ. Tuy nhiên, để giữ chân người lao động ở lại hệ thống an sinh, chính sách này cần được gia cố thêm bằng các lợi ích thay vì quy định theo hướng hạn chế quyền của người tham gia. “Nên cho phép người lao động rút BHXH 1 lần nhưng cần có phương án trung gian. Đó là khi người lao động có nhu cầu rút, trước mắt sẽ được dùng sổ bảo hiểm, xác định được số tiền rút một lần chuyển sang cơ quan Ngân hàng Chính sách thì sẽ được rút số tiền đó từ ngân hàng. Chi phí đó thì người lao động chịu mức lãi suất chính sách dưới 5%/năm. Khi nào người lao động quay trở lại thì sẽ phải đóng bổ sung số lãi đó và tiếp tục được tham gia bảo hiểm xã hội”, ông Thịnh nêu phương án.

Theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, giải pháp trung gian này cùng với các chính sách khác, sẽ giữ chân được người lao động ở lại hệ thống BHXH mà không cần hạn chế bằng các quy định mang tính ngăn cấm.