Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chị Nguyễn Thị Xuân ở Điện Biên rời khu công nghiệp trở về quê để làm nghề nông. Chị làm thủ tục để lĩnh Bảo hiểm xã hội một lần với số tiền hơn 50 triệu đồng cho gần 12 năm làm việc. Số tiền này được chị mua một cặp trâu và một đàn gia cầm để chăn nuôi.

"Vì điều kiện hoàn cảnh khó khăn quá nên tôi đã xin rút Bảo hiểm xã hội về một lần để chi trả cuộc sống trong gia đình. Nhà nông khó có thể làm gì ra một tháng mấy trăm nghìn đồng để đóng bảo hiểm được", chị Xuân chia sẻ.

Bao nhiêu năm thoát ly nông nghiệp giờ chị Xuân trở lại làm nông dân mà không có khoản đảm bảo nào cho tương lai phía trước. Biết là khi tuổi về già sẽ khó khăn, thiệt thòi nhưng vì cuộc sống trước mắt mà chị Xuân đành tặc lưỡi.

Với nhiều trường hợp như chị Nguyễn Thị Xuân việc làm thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần là điều cực chẳng đã. Nhưng cũng có không ít người như anh Trần Đức Lân ở tỉnh Vĩnh Phúc lại có mục đích khác.

Sau gần 20 năm làm công nhân da giày, anh Lân đưa cả nhà về quê và tìm những công việc tự do. Lĩnh tiền Bảo hiểm xã hội một lần, anh Lân lại dùng khoản “hưu non” này để lấy tiền xây nhà.

Trong khi đó, chị Phạm Thị Huyền (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có thời gian gần 5 năm tham gia đóng Bảo hiểm xã hội và tích lũy 70 triệu đồng nhưng chị Hương vẫn rút để có thêm chút vốn mở cửa hàng. Số tiền không nhiều nhưng người rút chỉ coi đây là một khoản thu hoạch nhỏ sau một vài năm làm việc.

"Hiện tại thì tôi vẫn chưa có nhu cầu đi công ty nên là giờ đang cần một số vốn để kinh doanh nên mới muốn rút bảo hiểm về", chị Phạm Thị Huyền cho biết.

Thậm chí nhiều người khi đến cơ quan bảo hiểm xã hội để làm thủ tục hưởng Bảo hiểm xã hội một lần với một lý do cũng rất đơn giản: Cuộc sống đến đâu thì hay đến đó.

Theo số liệu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố, tính đến tháng 4 năm 2021, cả nước có hơn 226.500 người hưởng Bảo hiểm xã hội một lần (tăng hơn 46.400 người so với cùng kỳ năm 2020).

Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, số lượng người xin rút bảo hiểm xã hội một lần đã tăng tới gần 25%. Ông Đặng Như Lợi, chuyên gia về lao động-tiền lương, bảo hiểm xã hội cho rằng, nếu tình trạng này kéo dài, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an sinh xã hội trong những năm tiếp theo.

"Thực tế nhiều người chưa lo đến thời gian 20-30 năm sau sẽ như thế nào cho nên không thấy tầm quan trọng của bảo hiểm hưu trí để đảm bảo cho tuổi già không sống vất vưởng, không được chăm lo sức khỏe", ông Lợi đánh giá.

Theo thống kê, người hưởng bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu thuộc nhóm lao động trẻ tuổi và tập trung ở khu vực ngoài nhà nước. Độ tuổi có số người nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhiều nhất là từ 26 đến 29 tuổi và bình quân tuổi nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng dần từ 32,5 tuổi năm 2016 lên 33,3 tuổi năm 2019.

"Người lao động thường không bao giờ nghĩ quá xa cả. Cho nên về mặt pháp luật của nhà nước phải tính trước cuộc sống của người dân như thế nào? Phải bàn đến việc mở rộng, tất cả những lao động từ mức nào trở lên thì phải tham gia Bảo hiểm hưu trí bắt buộc", ông Đặng Như Lợi phân tích.

Trao đổi trên diễn đàn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ông Nguyễn Hải Anh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, phải nhìn nhận hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề chính sách của nhà nước. Theo đó cần phải có quy định hạn chế hưởng Bảo hiểm xã hội một lần nhằm đảm bảo các chế độ Bảo hiểm xã hội được bao trùm lên toàn bộ thành viên trong xã hội.

"Cần quy định chặt chẽ hơn trong việc hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội một lần. Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo thời gian giảm dần số năm đóng Bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu, giúp người lao động dễ dàng đạt được điều kiện để hưởng lương hưu, hạn chế nhận bảo hiểm xã hội một lần… ngay như một số quốc gia có cho phép hưởng Bảo hiểm xã hội một lần nhưng phải thỏa mãn điều kiện về độ tuổi. Đặc biệt, một số quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Canada, Pháp… không cho hưởng chính sách Bảo hiểm xã hội một lần", ông Nguyễn Hải Anh kiến nghị.

Bảo hiểm xã hội - tự bản thân cũng đã nói lên ý nghĩa bảo hiểm cho chính mình và cho xã hội, xảy ra tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ để lại những hệ lụy lớn cho người lao động và cho xã hội.