Hội thảo "Giải pháp xây dựng khả năng chống chịu cho các đô thị Việt Nam" do Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) phối hợp tổ chức, với sự tham gia của đại diện 10 tỉnh, thành phố chịu nhiều tác động của thiên tai như: Sơn La, Bắc Kạn, Hà Nam, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Hậu Giang…. cùng các chuyên gia trong nước quốc tế. Hội thảo chia thành các phiên thảo luận, tập trung chia sẻ các kinh nghiệm và giải pháp nhằm góp phần tăng cường khả năng chống chịu, phục hồi và thích ứng với biến đổi khí hậu của các đô thị Việt Nam.

Hầu hết các đại biểu tham dự hội thảo đều nhận định, các đô thị ở Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức ngày càng nghiêm trọng hơn từ hiểm họa thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, sự tăng cường khả năng chống chịu phục hồi và thích ứng với biến đổi khí hậu cho các đô thị Việt Nam trở thành một mối quan tâm lớn của các cấp chính quyền Trung ương và địa phương.

Ông Trần Quốc Thái - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho biết: Những năm qua, hệ thống đô thị Việt Nam không ngừng phát triển với tốc độ cao, cả về lượng và chất. Cả nước đã có 862 đô thị với tỷ lệ đô thị hoá đạt khoảng 40%. Khu vực đô thị đã và đang là động lực phát triển kinh tế - văn hoá- xã hội hết sức quan trọng của các vùng miền.

“Với nhiệm vụ là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của đất nước, đòi hỏi cấp thiết các đô thị phải có khả năng ứng phó, chủ động chống chịu trước các tác động bất lợi cũng như khả năng phục hồi”, ông Trần Quốc Thái nhấn mạnh.

Cũng theo ông Thái, nghiên cứu mới được công bố của Ngân hàng Thế giới cho thấy, tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống cơ sở hạ tầng sẽ đảm bảo nền tảng cho sự phát triển kinh tế liên tục và thịnh vượng của Việt Nam. Trì hoãn hành động 10 năm sẽ phải chi thêm 4,3 tỷ USD để khắc phục thiệt hại về kinh tế do ảnh hưởng của thiên tai…

Cùng quan điểm, TS Vũ Cảnh Toàn, Phụ trách kỹ thuật của Viện chuyển đổi môi trường và Xã hội Quốc tế cũng thẳng thắn nhận định: Các đô thị Việt Nam đang gặp phải quá nhiều thách thức liên quan đến rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu với xu thế ngày càng nghiêm trọng hơn.

“Những hiện tượng ngập úng thường xuyên ở Thành phố Hồ Chí Minh, hay nắng nóng gay gắt ở Hà Nội trong mùa hè vừa qua. Đó có thể xem là những minh chứng rõ nét cho những hệ lụy mà con người đang phải gánh chịu. Thậm chí theo một nghiên cứu dự báo, tổng giá trị tài sản mà Thành phố HCM gặp rủi ro vào năm 2050 có thể lên tới khoảng 700 tỷ đô la Mỹ”, TS Vũ Cảnh Toàn dẫn chứng.

Từ thị xã trở thành Thành phố trực thuộc tỉnh Hậu Giang từ đầu năm ngoái, Thành phố Ngã Bảy được kỳ vọng sẽ tạo sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư để đảm bảo khai thác tối ưu các tiềm năng, nhằm thực hiện tốt vai trò đô thị trung tâm tiểu vùng phía đông của tỉnh Hậu Giang và làm động lực phát triển kinh tế cho tiểu vùng này. Tuy nhiên đi cùng với những áp lực đô thị hóa, nơi đây cũng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro nghiêm trọng từ các hiểm họa thiên tai và biến đổi khí hậu.

Theo ông Trần Ngọc Hùng, Giám đốc Ban quản lý dự án Dân dụng và Công nghiệp tỉnh Hậu Giang, trước những nguy cơ đã trông thấy nên việc định hướng phát triển đô thị Ngã Bảy theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh thực sự là một bài toán khó đối với địa phương. “Phát triển đô thị song vẫn đảm bảo hài hòa với tổng thể chung, tạo môi trường sống bền vững vì lợi ích cộng đồng. Đô thị phát triển phải cân bằng giữa các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường, cơ sở hạ tầng, không gian đô thị và năng lực quản lý nhà nước. Đây là một bài toán không đơn giản”, ông Trần Ngọc Hùng khẳng định.

Nhận thức rõ tính nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đã phê duyệt Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại Hội nghị lần thứ 21 các Bên tham gia Công ước khí hậu (COP 21) năm 2015.

Trong lĩnh vực đô thị, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 – 2020. Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được ban hành tháng 7/2020 vừa qua đã tiếp tục nhấn mạnh vai trò trách nhiệm của Bộ, ngành, các địa phương trong nỗ lực chung thực hiện cam kết quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.

Có mặt tại Việt Nam từ năm 1994, Cơ quan phát triển Pháp (AFD) đã tài trợ 84 dự án với tổng mức cam kết hơn 2 tỷ EUR. Trong giai đoạn 2006 - 2019, tổng số vốn giải ngân của AFD lên tới 1,056 tỷ EUR cho 30 dự án, chương trình phát triển góp phần hỗ trợ Việt Nam chống BĐKH và thích ứng với các tác động của BĐKH. Những lĩnh vực ưu tiên tài trợ của AFD là chuyển tiếp năng lượng, tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của các đô thị và địa phương và sự phát triển của thế hệ trẻ.

Ông Fabrice Richy - Giám đốc Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam đánh giá cao Chính phủ và các địa phương Việt Nam trong nỗ lực phát triển đô thị bền vững, đô thị tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Để góp phần hỗ trợ cho những nỗ lực này, Liên minh Châu Âu (EU) và AFD đã tài trợ và chuẩn bị tài trợ cho các dự án tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi trước biến đổi khí hậu của các đô thị tại Việt Nam. Mới đây nhất, tháng 12/2020, AFD và EU đã tài trợ dự án “Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho 4 tỉnh ven biển Bắc Trung bộ”.

AFD coi hỗ trợ chính sách quốc gia về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh là một định hướng chiến lược ưu tiên tại Việt Nam. Từ nhiều năm nay, AFD đã hỗ trợ Việt Nam trong việc xác định chiến lược và triển khai các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Fabrice Richy kỳ vọng, các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam tiếp túc phối hợp chặt chẽ nhăm thúc đẩy phát triển đô thị ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và hướng đến phát triển bền vững.