Tại khai mạc kỳ họp lần thứ 7 Quốc hội khóa XV, báo cáo đánh giá kết quả bổ sung phát triển kinh tế xã hội năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024 của chính phủ cho thấy: Tình hình lao động, việc làm phục hồi tích cực; tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ người lao động tìm việc làm; thu nhập của người lao động tăng lên. Tăng trưởng kinh tế mặc dù đạt kết quả khá nhưng còn đối mặt với nhiều thách thức. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp,người dân gặp nhiều khó khăn. Sản xuất công nghiệp phục hồi còn chậm.
Bên hành lang Quốc hội; các đại biểu nhìn nhận rằng có nhiều nguyên nhân khiến cho năng suất lao động ở nước ta vẫn còn thấp như: Chưa có lực lượng lao động đáp ứng được yêu cầu, chưa chú trọng áp dụng công nghệ vào sản xuất; đồng lương của người lao động còn thấp so với mặt bằng. Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng: Sự can thiệp vào công nghệ là rất quan trọng, thậm chí làm tốt, suất lao động sẽ tăng lên rất nhanh. Cái thứ hai là chế độ tiền lương phải có sự cải thiện. Mặc dù chúng ta sắp tăng lương 1 tháng 7 nhưng vẫn thấp so với mặt bằng chung. Vì thế, cho nên giải pháp trong báo cáo Chính phủ là phải đào tạo từ 50 nghìn đến 100 nghìn người lao động bán dẫn. Tuy nhiên, những ngành khác cũng nên tập trung đào tạo nghề. Nếu không thì năng suất kỳ tới vẫn thấp chưa thể đột phá.
Để nâng cao năng suất lao động thì ý thức trực tiếp của người lao động là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, ở khu vực công thì cán bộ đùn đẩy né tránh ngại công việc và sợ trách nhiệm. Ở ngoài khu vực công thì ý thức của một bộ phận người lao động vẫn còn kém, chưa thực sự là bắt kịp với thời đại công nghệ số. Bởi vậy, ngoài việc nâng cao ý thức của người lao động thì đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng phải đầu tư vào các điều kiện như cải tiến máy móc cải tiến công nghệ, đặc biệt là điều kiện tối thiểu để cho người lao động có năng suất lao động. Chúng ta làm như thế nào để phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp cũng như nâng cao hệ thống trường lớp dạy nghề. Đấy là một loạt những giải pháp để nâng cao năng suất lao động. Có những giải pháp thì chúng ta có thể nhìn thấy hiệu quả ngay trước mắt, nhưng cũng có những giải pháp cần phải có độ trễ thời gian thì mới có thể thấy được hiệu quả. Ví dụ như chúng ta cải tiến về giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp thì không phải có thể thực hiện được ngay một lúc đã nhìn thấy kết quả, phải phối hợp rất nhiều các giải pháp cả trước mắt và lâu dài, từ cụ thể cho đến các giải pháp tổng thể.
3 năm liền nước ta không đạt được mục tiêu đề ra về chỉ tiêu năng suất, có nhiều nguyên nhân khách quan tác động như dịch Covid-19 kéo dài cùng với những tác động bất lợi từ tình hình xung đột chính trị của thế giới làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Điều này đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến động lực tăng trưởng của nước ta. Hiện nay, tuy có phục hồi nhưng bình quân chung tăng trưởng chỉ khoảng là 5 %. Bởi vậy trước mắt phải tiếp tục ổn định vĩ mô, thích nghi ngay với những tình hình biến động của thế giới để cải thiện nhanh tốc độ tăng trưởng của tổng sản phẩm quốc nội cũng như công tác về đào tạo đào tạo nghề cho người lao động.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh đề xuất: Phải đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền nhiều hơn cho các địa phương để chủ động trong các hoạt động cũng hệ thống luật pháp để tạo ra một môi trường cạnh tranh cho cá nhân cũng như tạo điều kiện giúp cho doanh nghiệp Việt Nam thích ứng để thể tăng tốc phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh trong thời gian tới. Điểm sau cùng là phải có một cơ chế để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân tài đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước để khuyến khích thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào hoạt động của quản lý nhà nước cũng như hoạt động về sản xuất kinh doanh.
Năng suất lao động có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của mỗi đất nước. Để năng suất lao động được cải thiện trong thời gian tới cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ. Thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và tăng cường liên kết mạng lưới đổi mới sáng tạo. Xây dựng cơ chế trọng dụng nhà khoa học và thí điểm chính sách ưu đãi đặc thù.