Mặc dù nước ta đã có nhiều cố gắng, song do xuất phát điểm của nền kinh tế còn thấp nên năng suất lao động chưa cao.

Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế, năng suất lao động của nước ta năm 2022 chỉ bằng 12,2% mức năng suất lao động của Singapore, bằng 24,4% Hàn Quốc, bằng 58,9% của Trung Quốc, bằng 63,9% của Thái Lan và 94,2% của Philipine. Đề cập chỉ số này, Tổ chức Năng suất Châu Á đánh giá năng suất lao động của nước ta tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và so với Thái lan là 10 năm. Dẫn chứng những số liệu trên, các chuyên gia và nhà quản lý đều lo lắng về sự phát triển của đất nước. Mới đây, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ông Phạm Đình Thanh, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum kiến nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá kỹ hơn về nguyên nhân, đồng thời tìm giải pháp phù hợp để cải thiện vấn đề này. “Tăng năng suất lao động là 1 trong 5 chỉ tiêu ước cả năm 2023 không đạt. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp không đạt mục tiêu đề ra. Đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các đơn vị liên quan!”, ông Thanh kiến nghị.

Lý giải về năng suất lao động còn thấp, bà Trịnh Thị Tú Anh, Trưởng Phòng Quản lý Khoa học-Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Đà Lạt cho rằng có nhiều nguyên nhân. Trong đó, cơ bản nhất là so xuất phát điểm của nền kinh tế. “Nguyên nhân cơ bản là do xuất phát điểm nền kinh tế của ta còn thấp. Nhân lực chủ yếu hoạt động trong nông nghiệp và chuyển dịch theo chiều rộng, chưa theo chiều sâu. Doanh nghiệp phần lớn thâm dụng lao động, chưa áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Nghiên cứu cho thấy các thiết bị đã bị lạc lậu, hàm lượng tri thức trong sản xuất còn thấp. Đó là những nguyên nhân dẫn đến tốc độ tăng năng suất lao động chưa như đặt ra”, bà Trịnh Tú Anh phân tích.

Thạc sỹ quản lý kinh tế - ông Tạ Văn Hạ, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng năng suất lao động của ta còn thấp là do nhiều nguyên nhân. “Thời gian qua chúng ta chưa nỗ lực, chưa có giải pháp căn cơ để tăng năng suất lao động. Công nghệ số, chất lượng nguồn nhân lực của ta chưa theo kịp tốc độ và nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Ở đây có thể thấy cơ cấu đào tạo của ta chưa thay đổi. Ví như vừa rồi ta nói lực lượng lao động cung cấp cho phát triển ngành bán dẫn đang thiếu. Khi nhìn vào việc đào tạo, ta thấy hệ thống trường lớp, đội ngũ giáo viên và cả cơ sở vật chất chưa có sự chuẩn bị, chưa có tâm thế để đáp ứng cho vấn đề này”, ông Hạ nêu góc nhìn.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cạnh tranh khốc liệt giữa các nền kinh tế, chỉ có nâng cao năng suất lao động, Việt Nam mới có thể đứng vững và phát triển. Đây là nhận định của bà Trần Thị Hồng Thanh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Chính vì thế, bà Thanh cho rằng Chính phủ cần coi trọng vấn đề này hơn nữa. Theo đó là các giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động. “Để thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, trong thời gian tới, cần tập trung nâng cao năng suất lao động. Đây là vấn đề cốt lõi của Việt Nam hiện nay, là nhiệm vụ cấp bách, không thể chậm trễ, bởi tăng năng suất lao động là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Nếu không tạo được năng suất lao động đột phá trong 3 đến 5 năm tới, Việt Nam khó vượt qua bẫy thu nhập trung bình, mục tiêu đạt thu nhập cao trước khi dân số già đi khó thành hiện thực. Đề nghị Chính phủ quan tâm xây dựng và khẩn trương triển khai hiệu quả các giải pháp nâng cao năng suất lao động để nước ta đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, thịnh vượng và bao trùm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bà Thanh kiến nghị.

Để rút ngắn khoảng cách về năng suất lao động, Việt nam cần đầu tư mạnh hơn nữa cho khoa học và giáo dục. Đây là giải pháp được bà Trịnh Thị Tú Anh, ông Tạ Văn Hạ và nhiều chuyên gia, nhà quản lý đưa ra khi đề cập mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của nước ta. “Khoa học công nghệ là mấu chốt nâng cao năng suất lao động. Vì thế, để phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chúng ta cần có cơ chế đầu tư cho khoa học cơ bản”, bà Tú Anh nêu quan điểm.

“Khảo sát cho thấy có đến 73% thanh niên chưa được đào tạo. Lao động có chứng chỉ ngành nghề mới có 26%. Như vậy, rõ ràng căn cơ để tăng năng suất lao động phải từ đào tạo. Chúng ta không quan tâm đến công tác đào tạo thì năng suất lao động của nước ta sẽ còn chậm thêm nữa, mà cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”, ông Hạ nêu giải pháp.

Năng suất lao động là một trong những yếu tố cốt lõi, có tính quyết định đến sự phát triển về kinh tế, xã hội của đất nước. Để tránh nguy cơ tụt hậu và vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần tập trung cải thiện, từng bước nâng cao năng suất lao động. Bởi như phân tích của các chuyên gia, tăng năng suất lao động chính là con đường ngắn nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Nghe bài viết dưới đây: