Ô nhiễm do rác thải nhựa hay còn gọi là “ô nhiễm trắng” đang là một trong những vấn đề môi trường toàn cầu. Lượng rác thải nhựa đang ngày càng gia tăng nếu chúng ta không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời thì những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng.

Theo báo cáo năm 2018 của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), mỗi năm thế giới sản xuất 400 triệu tấn nhựa, ước tính khoảng 79% lượng rác thải nhựa trên thế giới thải ra bãi rác/bãi chôn lấp hoặc thải ra môi trường. Đáng lo ngại hơn, chỉ 12% số rác thải nhựa trên được đốt tại các lò rác và chỉ 9% được tái chế. Trong khi đó, với mức tiêu thụ nhựa như hiện nay và hiện trạng quản lý rác thải nhựa không được cải thiện, thì đến năm 2050 trên thế giới sẽ có khoảng 12 tỷ tấn rác thải nhựa bị thải ra môi trường, gây ra “ô nhiễm trắng” đối với môi trường toàn cầu.

PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng khẳng định: "Rác thải nhựa chỉ phân hủy được trong điều kiện rất đặc biệt, điều kiện bình thường không phân hủy được, tồn tại mãi, gây hệ lụy rất lớn, ảnh hưởng xấu tới môi trường và sức khỏe con người".

Theo PGS.TS Bùi Thị An, để giải quyết tình trạng ô nhiễm nhựa, điều quan trọng là mọi người cần phải nhận thức đầy đủ về những tác hại của nhựa đối với môi trường. Việc thay đổi nhận thức và thói quen của từng cá nhân sẽ tạo ra một làn sóng tích cực lan tỏa ra cộng đồng. Mỗi cá nhân cần tự ý thức trách nhiệm của mình trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, lan tỏa ý thức đến người thân và cộng đồng xung quanh.

"Để giảm thiểu rác thải nhựa cần sự chung tay của Chính phủ, các cấp các ngành và toàn thể người dân. Tôi nghĩ bản thân mỗi người cần phải thay đổi nhận thức, thay đổi thói quen và lan tỏa ra mọi người xung quanh" - bà An nhấn mạnh.

Mặc dù các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp, sáng kiến về quản lý chất thải nhựa, tuy nhiên, trên thực tế người dân vẫn chưa ý thức được hết tác hại của rác thải nhựa nên vẫn “hồn nhiên” sử dụng và phát thải, trong đó rác thải nhựa sử dụng một lần có chiều hướng tăng lên. Rác thải sinh hoạt, túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần tràn lan, phủ kín cả bờ biển là tình trạng đang diễn ra tại nhiều bãi biển trên cả nước. Nhiều người dân sinh sống gần khu vực ven biển vô tư rả rác đổ thẳng xuống biển mà không bị ai nhắc nhở.

Bà Nguyễn Thị Trang Nguyên, Cán bộ truyền thông cấp cao, Chương trình Giảm nhựa WWF Việt Nam cho rằng, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề ô nhiễm nhựa không chỉ nhắm vào đối tượng thanh thiếu niên, mà còn nhấn mạnh vào từng hành động nhỏ của mỗi cá nhân.

"Chúng tôi có rất nhiều hoạt động truyền thông tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi người dân, đóng góp công cuộc chống ô nhiễm nhựa đại dương hiện nay. Chúng tôi nghĩ rằng mỗi hành động nhỏ của chúng ta sẽ góp phần thay đổi lớn cho đại dương. Chỉ cần bớt đi một túi ni lông hoặc từ chối không sử dụng ống hút nhựa khi ra quán cafe. Những hành động nhỏ đều góp phần thay đổi lớn để bảo vệ nguồn sống của đại dương" - bà Trang Nguyên cho hay.

Một trong những thay đổi cơ bản mà mỗi cá nhân có thể thực hiện để góp phần giảm thiểu ô nhiễm nhựa là thay đổi thói quen tiêu dùng. Việc từ chối sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, như ống hút và túi nilon, không chỉ giúp giảm thiểu lượng rác thải nhựa mà còn là cách để hình thành ý thức bền vững trong cộng đồng. Khi mỗi người dân nhận thức được rằng hành động nhỏ của mình có ý nghĩa, phong trào bảo vệ môi trường sẽ dần dần lan rộng và bền vững.

Chị Nguyễn Thị Ngân, một người dân ở ven biển Hải Thịnh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định chia sẻ "Chúng ta nên sử dụng những sản phẩm có thể tái chế được, thay vì dùng túi ni lông thì có thể thay bằng túi vải, màng bọc thực phẩm làm từ chất liệu tự hủy sinh học".

“Ô nhiễm trắng đại dương” là một thảm họa môi trường nghiêm trọng, đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng. Với những thay đổi nhỏ trong thói quen tiêu dùng của mỗi người cùng những nỗ lực của các tổ chức bảo vệ môi trường và các chính sách từ chính phủ, đều có thể góp phần tạo nên sự thay đổi tích cực. Việc bảo vệ đại dương không chỉ bảo vệ một phần của hành tinh, mà còn là bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của chính chúng ta và các thế hệ mai sau./.