“Lãng phí nếu được thống kê đầy đủ có thể sẽ tương đương với tham nhũng chứ không phải là nhỏ. Thời gian qua chúng ta mới đang dành sự quan tâm tới những vụ án tham nhũng lớn nhưng vấn đề lãng phí thì chưa được xử lý triệt để” - Đó là ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp tại phiên thảo luận tổ sáng 25/5 trong khuôn khổ kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm trong phiên thảo luận này.

Đại biểu Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) cho rằng, lãng phí đang diễn ra ở rất nhiều nơi, trong nhiều lĩnh vực. “Một trong những ví dụ đó là ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, sau khi thực hiện công tác sáp nhập các đơn vị hành chính theo Nghị quyết 1819, bên cạnh kết quả đạt được là tổ chức bộ máy biên chế tinh gọn, hiệu quả. Nhưng sau sáp nhập một số cơ sở vật chất, nơi làm việc lại phải bỏ trống gây lãng phí, chưa kể đến là có nhiều nơi cơ sở vật chất chưa đáp ứng được. Hướng Hóa cũng chỉ là một ví dụ, rất nhiều địa phương khác cũng ở tình trạng tương tự, gây lãng phí lớn. Cử tri của địa phương chúng tôi rất tâm tư, mong chính phủ quan tâm chỉ đạo”- Đại biểu Hồ Thị Minh bày tỏ.

Tại phiên thảo luận tổ nhiều ý kiến nhìn nhận, tham nhũng là phần nổi, lãng phí mới là phần chìm của tảng băng. Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, thực ra lãng phí ảnh hưởng rất lớn và nó diễn ra trên tất cả lĩnh vực từ lãng phí trong đầu tư công, lãng phí trong chi tiêu, lãng phí trong chi thường xuyên, lãng phí trong mua sắm và lãng phí trong xây dựng…v.v. làm tiêu hao ngân sách nhà nước. “Tham nhũng lãng phí là một tệ nạn của một quốc gia. Tôi cho rằng việc lãng phí nó tương đương như là tham nhũng chứ không phải ít. Nếu mà Chính phủ có tổng kết vấn đề lãng phí trên tất cả các lĩnh vực thì tôi nghĩ không phải là nhỏ”

Từ thực trạng đó, theo ông Phạm Văn Hòa, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, giải pháp căn cơ cốt lõi là phải xử lý nghiêm minh, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức để xảy ra tình trạng lãng phí. “Tôi cho rằng ngoài việc xử phạt hành chính cần phải có chế tài mạnh hơn, mang sức răn đe, phòng ngừa hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp gây lãng phí thất thoát tài sản công. Không chỉ xử lý hành chính mà cần buộc thôi việc, kỷ luật, cách chức, hạ bậc lương đối với tất cả những người không thực hành tiết kiệm, gây lãng phí của công cụ tài sản Nhà nước. Có như vậy chúng ta mới ngăn chặn được lãng phí, tảng băng chìm sinh đôi với tham nhũng” - ông Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.