Ở nước ta, vấn đề bình đẳng giới đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, coi đây là động lực và mục tiêu quan trọng để phát triển quốc gia. Để thực hiện được mục tiêu này, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và thực hiện bình đẳng giới thuộc về tất cả các thể chế trong xã hội, trong đó gia đình đóng vai trò quan trọng bởi đây là môi trường tuyên truyền, giáo dục tốt nhất về bình đẳng giới.
Xác định được điều này, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục và thực hiện bình đẳng giới từ trong mỗi gia đình nhằm hình thành và phát triển nhân cách cho các thành viên. Từ đó, mỗi người sẽ có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách công bằng, giúp cho sự phát triển của mỗi gia đình được ổn định và bền vững.
Từ năm 2022 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực về bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cộng tác viên làm công tác bình đẳng giới. Mỗi năm, các Sở, ban, ngành của tỉnh cũng tổ chức gần 500 buổi tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, nghiệp vụ bình đằng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ cho trên 2.800 lượt người là cán bộ hội các cấp, hội viên phụ nữ nòng cốt, thành viên các tổ truyền thông cộng đồng, bí thư thôn, bản... về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; qua đó giáo dục đạo đức lối sống, phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực giới, xâm hại, mua bán người, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc.
Tập trung phối hợp, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động; xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực, tăng cường xã hội hóa hỗ trợ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân bị xâm hại, mua bán, bóc lột; tăng cường các hình thức kiểm tra về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Vợ chồng anh Hoàng Văn Tuyến và chị Nguyễn Thị Nương ở xã Cẩm Hải, TP. Cẩm Phả đều làm công nhân. Theo lời chị Nương, hồi mới cưới nhau, hai vợ chồng thường xuyên tranh cãi về việc phân công lao động trong nhà. Đã rất nhiều lần, chị không khỏi cảm thấy tủi thân khi thấy chồng nhất định không chịu thò tay vào những việc nội trợ, giặt giũ, rửa bát… vì anh cho rằng, làm như thế là “không đáng mặt đàn ông” :
"Toàn bộ những công việc nhà kể cả những công việc nhỏ nhặt đến những công việc lớn lao hơn thì mình cũng vẫn phải làm và cảm thấy nó đúng thật là gánh nặng, ít khi nhận được một lời chia sẻ từ chồng lắm. Từ sáng cho đến tối tất bật hết chuyện nhà cửa con cái thì làm sao mà có thể chịu được do vậy gây mẫu thuẫn giữa hai vợ chồng..." - Anh Hoàng Văn Tuyến chia sẻ.
Sau thời gian sinh con và đi làm trở lại, công việc cơ quan, việc nhà, việc chăm sóc con cái… đã chiếm hết quỹ thời gian của chị. Thấy vợ quá vất vả, anh Tuyến từ từ thay đổi suy nghĩ và bắt đầu chia sẻ, giúp đỡ vợ tất cả mọi việc trong gia đình. Mỗi buổi sáng thức dậy, trong khi chị chuẩn bị đồ ăn sáng thì anh Tuyến hối hả giúp các con vệ sinh cá nhân, phụ vợ cho con ăn rồi chở đi học. Chiều đi làm về anh lo tắm rửa cho con, dọn dẹp nhà cửa, tưới cây...trong khi chị phụ trách chuyện bếp núc : "Cả hai vợ chồng cũng có sự trao đổi và thống nhất, khi mà có con thì không lẽ mình lại không làm. Mình không ngại, tất cả việc nhà việc nào mình cũng có thể làm được. Về sớm hơn thì mình sẽ là người nấu cơm luôn, nấu nướng xong thì vợ mình về ăn uống xong thì vợ rửa bát còn chồng thì đi tắm cho con...".
Từ thực tế câu chuyện của gia đình mình, chị Nương chia sẻ, vấn đề gì cũng cần có thời gian và bình đẳng giới cũng vậy. Trong gia đình, nếu hai vợ chồng vượt qua được rào cản về định kiến giới, về quan điểm “nam trưởng, nữ phó” thì cuộc sống sẽ yên ổn và hạnh phúc. Khi đó, người phụ nữ sẽ có thời gian chăm sóc bản thân và phấn đấu, khẳng định năng lực trong công việc xã hội : " Mình cảm thấy thời đại hiện nay người phụ nữ cần sự san sẻ gánh vác từ người đàn ông, hãy lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người phụ nữ để mà để ý hơn tới công việc nhà, có một sự giúp đỡ trong công việc hàng ngày để họ bớt đi cái gánh nặng...".
Thời gian qua, các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới của tỉnh Quảng Ninh đã được thực hiện tích cực và tạo ra những chuyển biến rõ nét. Phụ nữ ngày càng có nhiều cơ hội để phát huy năng lực của mình trong sự phát triển chung của cộng đồng. Qua đó, từng bước thu hẹp khoảng cách giới, nâng cao vị thế, vai trò của chị em trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Thông qua các hoạt động, chị em phụ nữ tỉnh Quảng Ninh đã có cơ hội phát huy mọi tiềm năng, trí tuệ, chủ động vươn lên trong học tập, lao động, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đảm bảo quyền bình đẳng giữa nam và nữ về cơ hội tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực.
Mời nghe chi tiết tại đây :