Trinh tiết dưới góc nhìn khoa học

Trinh tiết vốn là vấn đề cực kỳ hệ trọng đối với phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến. Chữ “trinh” xuất hiện trong trinh tiết, trinh bạch hay trinh trắng. Trinh tiết thường được hiểu với nét nghĩa bao hàm sự trong trắng, tinh khôi, đức hạnh của người phụ nữ .

Thực tế cho thấy còn tồn tại rất nhiều những kiến thức sai lầm, không chính xác xoay quanh chuyện màng trinh. Đây là một màng mỏng cách cửa âm đạo tầm 2-3 cm, thường có một lỗ to ở giữa để máu kinh nguyệt chảy qua. Hình dạng màng trinh sẽ thay đổi theo từng độ tuổi. Ở những bé gái, hình dạng phổ biến của màng trinh là hình lưỡi liềm. Đến tuổi dậy thì, dưới tác động của estrogen, màng trinh con gái thay đổi về hình dáng, trở nên dày và có tính đàn hồi cao hơn.

Trinh tiết không phải là thước đo

Trong xã hội xưa, trinh tiết được xem là cái “ngàn vàng”, là yếu tố đánh giá phẩm hạnh của người phụ nữ, quyết định cuộc sống hôn nhân của họ có hạnh phúc hay không. Tiết hạnh trở thành một tiêu chuẩn đạo đức thiêng liêng và đáng được trân trọng với mỗi người con gái.

Theo Sari Locker, chuyên gia Giới tính học ở Đại học Columbia, nền văn hóa của chúng ta vẫn giữ những quan niệm cổ hủ về quy chuẩn của trinh tiết. “Trái ngược với những gì chúng ta nghĩ về tình dục xưa nay, tình dục không nên bị bó buộc vào những khuôn khổ và lề lối mà chúng ta vẫn thấy trên các phương tiện truyền thông, chúng ta nên xem tình dục như một vấn đề cá nhân”-Ông nhấn mạnh.

Với thế hệ trẻ, giữ gìn sự trinh trắng vốn là đạo đức quý giá. Tuy nhiên sự vẹn toàn đó không chỉ dừng lại ở giá trị tinh thần - đạo đức, mà còn ở giá trị thể chất - sức khỏe. Thế hệ trẻ hiện nay nhìn nhận chữ “trinh” vẫn gắn liền với nền văn hóa truyền thống, họ vẫn nâng niu, trân trọng giá trị cốt lõi từ ngàn đời xưa để lại nhưng với những góc nhìn mới mẻ, hiện đại và cởi mở hơn. Không làm mất đi giá trị truyền thống nhưng cũng không gò bó và đẩy người phụ nữ vào những khuôn phép cổ hủ, đó là “tuyên ngôn” của người trẻ khi định nghĩa về trinh tiết.

Định kiến - rào cản lớn nhất trong câu chuyện trinh tiết

Dù đang sống trong xã hội hiện đại và văn minh, nhiều định kiến xoay quanh vấn đề trinh tiết vẫn tồn tại và “đeo bám” những người phụ nữ. Nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ gen Z đã và đang phải chịu đựng những định kiến như vậy.

Vũ Trần Huy Hoàng, sinh viên năm 2, Học viện Ngoại giao chia sẻ câu chuyện bản thân từng chứng kiến: “Các bác tầm tuổi trung niên hàng xóm nhà em nói chuyện với nhau về việc một bạn nữ cấp 3 có quan hệ với một bạn nam rằng: "Bé tí tuổi đầu mà đã mất rồi thì sau này cũng chẳng ra gì". Trước câu chuyện đó, Huy Hoàng khẳng định: “Trong trắng không đồng nghĩa với còn “trinh tiết”. Không nhất thiết "còn trinh" thì phẩm hạnh của người con gái mới vẹn toàn. Vì vậy, nếu như người con gái của mình không còn trong trắng, hãy chung thủy, yêu thương, tin tưởng, sẵn sàng thông cảm, chăm sóc và bảo vệ bạn ấy khỏi mọi "lời ra tiếng vào".

Những định kiến về trinh tiết vẫn xuất hiện trong cuộc sống hằng ngày, có thể bắt gặp nó ở mọi câu chuyện, không kể thời gian, địa điểm hay chủ thể là ai. Nhiều người vẫn vô tư bàn về chuyện trinh tiết, chuyện “đã không còn nguyên” của một cô gái như chuyện cơm bữa, dẫn đến những ảnh hưởng tâm lý, tác động tới với mỗi cá nhân là không thể đong đếm.

Trần Vũ (19 tuổi) sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tâm sự: “Em từng nghe một định kiến: người phụ nữ chưa chồng mà đã mất đi trinh tiết thì thật sự lẳng lơ và không ra gì, và những định kiến ấy phần nhiều là của những bậc cao tuổi, thế hệ trước”. Trần Vũ không thể phản bác định kiến đó vì đứng ở vị trí là con cháu. Tuy nhiên, Vũ tự hiểu rằng định kiến ấy không còn phù hợp với thời đại này và cần tìm cách thay đổi quan điểm của người thân trong gia đình một cách nhẹ nhàng hơn.

Hiểu chuyện trinh tiết để trân trọng giá trị bản thân

Trinh tiết là vấn đề quan trọng trong cuộc đời của người con gái, tuy nhiên không nên lấy trinh tiết làm tiêu chuẩn để đánh giá họ. Toàn xã hội đang hướng tới công bằng, văn minh, tiến bộ, những góc nhìn về việc “còn” hay “mất” nên cởi mở và ít khắt khe hơn.

Là một người đi trước nhưng cô Bùi Thị Oanh (51 tuổi, Quảng Ninh) đã nhìn nhận vấn đề trinh tiết dưới góc nhìn mới mẻ: “Thời nay chuyện trinh tiết không còn nặng nề như ngày xưa. Là một phụ huynh, tôi nghĩ việc hướng dẫn cho con biện pháp an toàn, trao đổi nói chuyện với con giữ gìn cho bản thân mình khỏe mạnh, tâm sự với con như những người bạn, chia sẻ thẳng thắn để con cái hiểu vấn đề này là điều mà bất cứ phụ huynh nào cũng nên biết và thực hiện cùng con”.

Từ những lời khuyên, chia sẻ của bậc làm cha, làm mẹ, trinh tiết dù ở thời đại nào vẫn là điều cần được trân trọng, nâng niu. Trong chuyện quan hệ tình dục, bất cứ ai cũng phải trang bị đầy đủ vốn kiến thức về sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản. Đó là cách bảo vệ bản thân mình và bảo vệ bạn tình khỏi những căn bệnh lây nhiễm qua đường tình dục hay hậu quả không mong muốn từ những cuộc “yêu”.

Xã hội dần cởi mở hơn về câu chuyện trinh tiết, quyền được tôn trọng của mỗi cá nhân ngày càng được đề cao, phẩm hạnh của người con gái càng không nên bị đánh giá bằng chữ “trinh”. Thay vào đó, cách sống, cách giữ gìn bản thân, yêu thương bản thân mới nói lên phẩm hạnh của con người.