Với tâm huyết lưu giữ, lưu truyền những món ăn truyền thống, Nghệ nhân ẩm thực Hà thành Phạm Thị Ánh Tuyết, chủ Nhà hàng Ánh Tuyết tại phố Mã Mây, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội nhiều năm qua đã dạy nghề miễn phí và hỗ trợ chỗ ăn, ở cho nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, tạo công ăn việc làm để các em có nghề ổn định cuộc sống.
Trần Quang Bình, quê ở Huế ra Hà Nội làm việc 3 năm nay. Bình có cơ may được gặp Nghệ nhân Ánh Tuyết cách đây 10 năm tại Đà Nẵng, được bà chỉ dạy rất nhiều kỹ năng nấu ăn.
Trong quá trình lưu giữ và bảo tồn ẩm thực dân tộc, bà Tuyết đã dạy nấu ăn cho hơn 1.900 học viên thuộc các tỉnh, thành trong cả nước. Nhiều em đã có việc làm ổn định tại các nhà hàng, khách sạn lớn hoặc tự mở nhà hàng đảm bảo cuộc sống. Hiện Trần Quang Bình đã trở thành đầu bếp nổi danh tại khách sạn Capella Hà Nội.
Bình cho biết “U Tuyết dạy mọi kỹ năng, từ việc sơ chế món ăn, nấu các món như thế nào, làm con ốc, thái sợi chả bún thang, thái miếng gà như thế nào...”.
Với nhiều học viên, Nghệ nhân Ánh Tuyết đã trở thành người truyền cảm hứng. Từng hành động, cử chỉ của bà trong việc chế biến món ăn cũng là bài học quý giá giúp các học viên như Bình trưởng thành hơn trong cuộc sống. Bình cũng như bao bạn học viên nấu ăn đều gọi bà Ánh Tuyết với cái tên thân thương là “U Tuyết”.
“Không phải gọi là thầy Tuyết, cô Tuyết, mà gọi là U Tuyết, như người thân trong gia đình. Trong 10 năm mình học được nhiều cái từ U, đặc biệt là sự kỹ lưỡng, kỷ luật đam mê nghề nấu ăn” - Bình chia sẻ.
Không chỉ được truyền dạy những kiến thức quý báu về ẩm thực, với Tuấn và bao học viên khác, bà Ánh Tuyết như một người thân trong gia đình.
Nguyễn Văn Tuấn, quê ở Hà Nam cũng may mắn được bà Ánh Tuyết dạy nghề nấu ăn. Tuấn hiểu được rằng, phía sau những món ăn ẩm thực truyền thống Hà Nội xưa đều là những câu chuyện, thông điệp văn hóa và lối ứng xử tinh tế, thanh lịch của người “Tràng An” xưa.
Tuấn kể “U thường xuyên quan tâm, hỏi thăm gia đình, công việc có ổn không, sức khỏe thế nào. U không chỉ là người truyền nghề mà như người cha, người mẹ thứ 2 khi mình xa nhà. Có lần mình ốm không nói với ai, U mang đồ sang cho, lo chuyện ăn uống sức khỏe cho mình”.
U Tuyết luôn quan tâm, chăm sóc đến từng học viên, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn “Những người xa gia đình ra thành phố vì công việc, vì mưu sinh, thiếu thốn đủ thứ. Mình đặt địa vị vào các con để vực dậy, giúp các con có tinh thần, sức khỏe, vượt qua khó khăn”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, đại diện chủ đầu tư khách sạn Capella Hà Nội Hà Nội dành nhiều sự yêu mến, kính trọng trước những cống hiến của nghệ nhân Ánh Tuyết trong việc truyền nghề cho thế hệ sau.
Chị Tâm cho hay “U Tuyết nhiều lớp dạy, trải dài mọi miền đất nước. Hiện tại các bạn nhân viên bếp được U chỉ dạy miễn phí. Các đầu bếp tay nghề tốt tại khách sạn đều đi lên từ con số “0”, không biết gì, U chỉ dạy rất bài bản, tận tình”.
Nơi góc phố cổ Hà Nội, người phụ nữ ngoài 70 tuổi vẫn miệt mài gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc qua từng món ăn cổ truyền, tạo nên tương lai tươi sáng hơn cho các thanh, thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn.
Với nghệ nhân Ánh Tuyết, việc truyền dạy ẩm thực Hà thành đã trở thành sứ mệnh trong cuộc đời làm nghề của bà. “Có những cháu ở tận Vĩnh Phúc, Phú Thọ sau khi học xong có gia đình, mở cửa hàng đông khách. Thỉnh thoảng gửi bà quả mít sạch, con cá, cân lạc...Thấy tình cảm của các con, rất quý” - U Tuyết vui vẻ cho biết.
Ở tuổi ngoài 70, nghệ nhân Ánh Tuyết vẫn miệt mài, say sưa truyền nghề cho tất cả những ai muốn tìm hiểu, học hỏi về cách nấu những món ăn của Hà Nội, tiếp nối sứ mệnh lưu giữ tinh hoa ẩm thực đất Kinh kỳ xưa./.