Ở nước ta, không ít gia đình trẻ tại các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội hình thành tâm lý chỉ dừng lại ở việc sinh 1 con và không có ý định sinh thêm con thứ 2. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (mức sinh < 2,0 con), chiếm 39% quy mô dân số. Các tỉnh này tập trung chủ yếu ở Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, TP Hồ Chí Minh, ở nhóm có mức sinh thấp nhất cả nước (mức sinh: 1,39 con/phụ nữ).

Theo chuyên gia dân số, GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Dân số và Các vấn đề xã hội Đại học Kinh tế quốc dân, tình trạng ngại sinh con của các gia đình trẻ không phải chỉ xảy ra ở các đô thị lớn và cũng không phải đến bây giờ mới đáng báo động. Cách đây 11 năm, kết quả của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 đã phát hiện toàn bộ vùng nông thôn của Nam Bộ, bao gồm Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long và thậm chí là một số tỉnh miền núi phía Bắc như Bắc Kạn, Lạng Sơn mức sinh đã giảm sâu, bình quân mỗi bà mẹ chỉ có 1,8 con, (thấp hơn mức sinh thay thế rất nhiều). Những con số này đã minh chứng rất rõ về xu hướng mức sinh giảm sâu đã và đang diễn ra khá phổ biến.

GS.TS Nguyễn Đình Cử cảnh báo: Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Đặc biệt khi dân số bước vào giai đoạn già hóa, số người trẻ, nguồn lao động thay thế không đủ đáp ứng sẽ tác động xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng miền cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển của cả nước.