Với chuẩn nghèo đa chiều mới tại Việt Nam (được phê duyệt năm 2021) tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo đã tăng từ 5,2% (năm 2020) lên 9,35% (năm 2022), đồng nghĩa có thêm 10 triệu người được hưởng lợi từ các chính sách và chương trình mục tiêu của Chính phủ về bảo trợ xã hội và giảm nghèo trong giai đoạn 2021-2025. Thông tin này được đưa ra tại Lễ công bố Báo cáo nghèo đa chiều 2021 tổ chức sáng nay (28/7) tại Hà Nội. Báo cáo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê, (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Chương trình phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện.

Với việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều quốc gia vào năm 2015, Việt Nam là quốc gia tiên phong trong Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, làm công cụ xác định mục tiêu, theo dõi tình hình nghèo đói và xây dựng chính sách. Tuy nhiên, tình trạng nghèo tồn tại trong các nhóm dân tộc thiểu số và dân cư các vùng ven biển, hải đảo là một thách thức đối với Việt Nam trong việc đạt được các Mục tiêu hát triển bền vững. Đại dịch COVID-19 khiến cho nỗ lực xóa bỏ nghèo đói tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, việc áp dụng phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều đã hỗ trợ rất lớn trong xây dựng, triển khai và đo lường sự thành công của chính sách dân tộc trong giai đoạn vừa qua. Ủy ban Dân tộc kỳ vọng Báo cáo “Nghèo đa chiều Việt Nam 2021” sẽ chỉ ra được những tồn tại căn bản, các nguyên nhân chính của nghèo đa chiều vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại Việt Nam. Từ đó, đề xuất các phương hướng, biện pháp, công cụ hữu hiệu hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Ủy ban Dân tộc, các bộ ngành liên quan và các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện thành công Đề án Tổng thể và Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và các chương trình, chính sách dân tộc khác.

“Thuận lợi và khó khăn được chỉ ra trong Báo cáo nghèo đa chiều sẽ là cơ sở chỉ ra những nội dung còn thiếu trong hệ thống chính sách. Chúng tôi, cần phải nghiên cứu và tiếp thu một cách nghiêm túc trong giai đoạn tới. Với nỗ lực của mình Ủy ban dân tộc cam kết sẽ cùng UNDP đề xuất với Chỉnh phủ Việt Nam có những giải pháp, có những chính sách đề cập sau khi báo cáo được công bố”, ông Hầu A Lềnh cho biết.

Theo báo cáo, Việt Nam đã đạt được tiến bộ trong việc giảm nghèo đa chiều nhờ tăng việc làm năng suất cao; Cải thiện các dịch vụ xã hội; Mở rộng hệ thống bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, tính dễ bị tổn thương và chênh lệch vẫn là những thách thức lớn. Tình trạng nghèo về thu nhập tạm thời tăng trong thời kỳ Covid-19. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo trên toàn quốc đã giảm, nhưng tỷ lệ này vẫn còn cao trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại lễ công bố báo cáo, các đại biểu chia sẻ về những phát hiện chính và khuyến nghị quan trọng để đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh ở mọi chiều cạnh và mọi nơi trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó có những đề xuất nhằm hoàn thiện hơn nữa hai Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và Giảm nghèo.

Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc kiêm Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNDP, bà Kanni Wignaraja nêu một số khuyến nghị chính để Việt Nam có thể tăng tốc giảm nghèo ở mọi khía cạnh, bao gồm: Các nỗ lực đầu tư và chính sách cần thiết để khuyến khích và cải thiện việc làm năng suất cao; cải thiện việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng và nâng cao khả năng tiếp cận đối với cộng đồng ở vùng sâu, vùng xa; mở rộng bảo trợ xã hội, không phải là tạm thời để ứng phó với các cuộc khủng hoảng, mà như một hệ thống thường trực linh hoạt và mở rộng hơn; nâng cao hiệu quả và tính minh bạch; thúc đẩy các giải pháp sáng tạo và mở rộng quy mô đối với các thí điểm thành công do các cộng đồng dân tộc thực hiện trong giảm nghèo.