“Vai trò và sứ mệnh của Đại học Quốc gia trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” là chủ đề của Hội nghị giao ban thường niên năm 2024 do Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức ngày 07/12/2024 tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc.

Hội nghị nhằm tổng kết các hoạt động hợp tác trong năm 2024 và thảo luận, thống nhất các nội dung hợp tác trọng tâm trong năm 2025.

Giải pháp đột phá là khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) Lê Quân nhấn mạnh về sứ mệnh và vai trò của Đại học Quốc gia trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Ngay từ khi thành lập, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước xác định ưu tiên, tập trung mọi nguồn lực để phát triển trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến của thế giới để làm đầu tàu, nòng cốt cho toàn bộ hệ thống giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và công nghệ đỉnh cao để phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước.

Sau hành trình 30 năm xây dựng và phát triển, ĐHQGHN và ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh luôn bám sát sứ mệnh đó và càng thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân khẳng định, giải pháp đột phá quan trọng nhất của quá trình phát triển trong kỷ nguyên mới là khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cũng theo Giám đốc ĐHQGHN, cách để giúp thế hệ trẻ hôm nay trở thành thế hệ ưu tú trong tương lai là đầu tư cho giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục đại học tinh hoa. Giáo dục đại học tinh hoa phải hướng tới phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học công nghệ xuất sắc ở tầm thế giới, có khả năng tiên phong trong sáng tạo lý thuyết, phương pháp khoa học, làm chủ và tiên phong phát triển các công nghệ mới, công nghệ lõi, công nghệ nguồn.

Trong thời gian qua, với quá trình phát triển liên tục, được Đảng và Nhà nước quan tâm, thể hiện qua nhiều chủ trương, chính sách lớn và đột phá, ĐHQGHN và ĐHQG TP Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành tựu và từng bước khẳng định được tầm quan trọng trong nền giáo dục nước nhà cũng như vị thế trên bản đồ giáo dục khu vực và thế giới.

Với cơ chế thuận lợi, tiềm lực đội ngũ nhà khoa học vô cùng to lớn và một không gian phát triển khoáng đạt, hai ĐHQG có đủ năng lực để đóng vai trò nòng cốt, đầu tàu, dẫn dắt giáo dục đại học Việt Nam trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm cả phát triển đội ngũ chuyên gia ưu tú.

Chia sẻ về sứ mệnh và trách nhiệm quốc gia của ĐHQG trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, GS.TS Phạm Hồng Tung – nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN nhấn mạnh, hai ĐHQG đã và đang có nhiều đóng góp nổi bật, có tầm vóc và chất lượng vượt trội trong KH&CN, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tư vấn chính sách.

Đặc biệt, còn trực tiếp tham gia giải quyết những vấn đề thực tiễn ở tầm quốc gia, đưa ra những luận cứ khoa học chắc chắn không thể phủ nhận về chủ quyền quốc gia; tư vấn cho Đảng và Chính phủ về ứng phó với đại dịch COVID-19, tư vấn chính sách để phát triển kinh tế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước… Hai ĐHQG là đầu mối giao lưu học thuật quốc tế của cả nước. Do đó, cần nghiên cứu, đề xuất các chính sách vượt trội và tăng quyền tự chủ cho hai ĐHQG trong giai đoạn mới.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai nhấn mạnh, hai ĐHQG là biểu tượng của nền giáo dục Việt Nam, gắn với quốc gia, dân tộc. Hai ĐHQG có những nét đặc thù khác với các đại học khác ở Việt Nam, đó là trách nhiệm đào tạo đội ngũ tinh hoa có khả năng giải quyết các thách thức của quốc gia và thời đại.

Phát huy tính tự chủ

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về mô hình ĐHQG, GS.TS Mai Trọng Nhuận cho biết, ĐHQG đóng vai trò nòng cốt trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tinh hoa. ĐHQG còn có trách nhiệm tạo ra sản phẩm KH&CN đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Theo GS. Mai Trọng Nhuận, để mô hình ĐHQG phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển đột phá của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình, cần sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

GS.TS Phan Thanh Bình, nguyên Giám đốc ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định chủ trương xây dựng hai ĐHQG thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, ngang tầm khu vực, dần dần đạt trình độ quốc tế là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước và xu hướng phát triển giáo dục đại học của khu vực và thế giới. Tính tự chủ cao của ĐHQG đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục Đại học năm 2012 và Luật Giáo dục Đại học sửa đổi và bổ sung năm 2018.

GS.VS Đào Trọng Thi, nguyên Giám đốc ĐHQGHN cho rằng, việc được giao quyền tự chủ cao không chỉ phục vụ cho sự phát triển của 2 ĐHQG mà còn đáp ứng được các yêu cầu, sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Điều quan trọng mà GS.VS Đào Trọng Thi nhấn mạnh khi nhắc đến quyền tự chủ cao của 2 ĐHQG đó là mô hình này giúp cho các ĐHQG thử nghiệm những chủ trương mới, quy định mới, giúp ích lớn cho sự phát triển của giáo dục đại học nước nhà.

Trên cơ sở qua thử nghiệm của hai ĐHQG, nhiều quy định áp dụng dành riêng cho ĐHQG đã được mở rộng cho tất cả các trường ĐH khác ở Việt Nam trong tương lai. Trên cơ sở của sự tiên phong của hai ĐHQG, Luật Giáo dục Đại học đã trao thêm các quyền tự chủ cần thiết cho các trường đại học khác. ĐHQG đã thực hiện tốt trách nhiệm của người mở đường, là đầu tàu đổi mới giáo dục Việt Nam.

Từ góc độ của nhà nghiên cứu lịch sử, GS.TSKH Vũ Minh Giang phân tích vị thế của hai ĐHQG trong tình hình mới. GS Giang cho rằng, trong suốt chiều dài lịch sử truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam, nhà nước ta luôn ưu tiên cho công tác đào tạo nhân tài. “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” – triết lý này dưới triều vua Lê Thánh Tông vẫn luôn đúng trong mọi thời đại. Việc thành lập hai ĐHQG là ý tưởng vĩ đại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng một trung tâm đào tạo nhân tài, nghiên cứu khoa học đỉnh cao để phục vụ sự phát triển đất nước. Sự phát triển của ĐHQG gắn liền với sự phát triển của quốc gia, dân tộc.

Với cách nhìn thực tiễn, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, nguyên Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN, nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ ĐHQGHN đã nhấn mạnh đến việc hai ĐHQG cần phát huy tính tự chủ được quy định tại Điều 8 của Luật Giáo dục Đại học.

Bên cạnh việc kiên trì trong đào tạo, nghiên cứu các ngành khoa học cơ bản, những ngành học thể hiện vai trò nòng cột của học thuật quốc gia, hai ĐHQG cần xúc tiến mạnh mẽ xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, tập trung đào tạo các ngành khoa học công nghệ cao đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của quốc gia như sứ mệnh và tầm nhìn mà Đảng và Nhà nước đã giao phó khi thành lập hai ĐHQG.

Phát huy tốt hơn nữa vai trò, sứ mệnh và trách nhiệm của hai Đại học Quốc gia

Các đại biểu tham dự hội nghị đã chỉ ra những giải pháp đột phá của giáo dục đại học Việt Nam nói chung, hai ĐHQG nói riêng trong các lĩnh vực: nghiên cứu KH&CN, đào tạo & phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, tinh hoa; hợp tác & chuyển giao tri thức, công nghệ với thế giới. Từ đó thể hiện vai trò và sứ mệnh của hai ĐHQG, xứng đáng với kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Kết luận hội nghị, Giám đốc ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân cho biết, nội dung hội nghị hướng tới tương lai giáo dục đại học của Việt Nam, trong đó có phần đóng góp quan trọng của hai ĐHQG với nhiều kiến nghị, đề xuất để phát huy tốt hơn nữa vai trò, sứ mệnh và trách nhiệm của hai ĐHQG. Trong thời gian tới, hai ĐHQG tiếp tục phối hợp chặt chẽ để thực hiện sứ mệnh đã được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao phó.

Giám đốc ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân khẳng định: sau 30 năm xây dựng và phát triển, uy tín và thương hiệu của ĐHQG đã được khẳng định và lan tỏa sâu rộng. Hai ĐHQG sẽ sớm thực hiện tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Để hoạt động hợp tác được cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, ngay sau hội nghị giao ban thường niên này, hai ĐHQG thống nhất chủ trương phối hợp với các bộ ngành thành lập Trung tâm An ninh mạng quốc gia với các giải pháp đa tầng, nhiều lớp, nhằm phát hiện và giải quyết triệt để các mối nguy hại chưa từng có tiền lệ trên không gian mạng; đảm bảo an toàn bảo mật thông tin, dữ liệu trên môi trường internet, thực hiện sứ mệnh của ĐHQG trong kỷ nguyên số.

Trên nền tảng khoa học cơ bản vững chắc, hai ĐHQG dự kiến phối hợp xây dựng các chương trình đào tạo chung về công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo…

Ngoài ra, hai bên sẽ tích cực phối hợp xây dựng các chương trình đào tạo trong lĩnh vực năng lượng mới; đào tạo các chuyên gia chất lượng cao cho các ngành nghề mới mà quốc gia đang có nhu cầu nhân lực, như chuyên gia vận hành nhà máy điện hạt nhân, chuyên gia vận hành các tổ hợp sân bay lớn tầm cỡ quốc tế, các chuyên gia cho hệ thống tàu điện ngầm, đường sắt đô thị, đường sắt cao tốc Bắc - Nam... Đây là những việc cấp bách mà hai ĐHQG phải tiên phong trong đào tạo và nghiên cứu để từng bước làm chủ các công nghệ cao góp phần quan trọng trong sự phát triển nền kinh tế và xã hội, góp phần tạo nên sự phát triển bền vững của quốc gia.

ĐHQG HN có hơn 550 giáo sư và phó giáo sư, hơn 1.700 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học; ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh có 540 giáo sư và phó giáo sư, gần 1.300 tiến sĩ. Tỉ lệ cán bộ khoa học trình độ cao của hai ĐHQG hiện nay đang dần tiệm cận tiêu chí của đại học nghiên cứu, trong đó có nhiều chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học đạt trình độ quốc tế có khả năng triển khai các hướng nghiên cứu đột phá, các chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu lớn.