Cả 5 học sinh tham dự Kỳ thi Olympic Thiên văn và Vật lý thiên văn quốc tế IOAA 2024 lần thứ 17 đều xuất sắc đoạt huy chương. Đây là lần đầu tiên 100% thành viên dự thi của Việt Nam giành huy chương tại kỳ thi này.
Đoàn Hà Nội đại diện cho Việt Nam gồm 5 học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam đã giành 2 huy chương Bạc và 3 huy chương Đồng. Trong đó, em Nguyễn Bá Linh và Nguyễn Xuân Hoàng giành huy chương Bạc; các em Nguyễn Thị Thu Minh, Lưu Quang Minh và Đàm Ngọc Bảo Lâm giành huy chương Đồng.
Đón đoàn tại sân bay, ông Trần Thế Cương – Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội chúc mừng các thí sinh tham dự Kỳ thi Olympic Thiên văn và Vật lý thiên văn quốc tế, thành tích của Trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam và gia đình các em.
Ông Cương khẳng định, thành tích này đã góp thêm vào sự khởi sắc của ngành giáo dục thủ đô trong năm học vừa qua. Với các em học sinh, kỳ thi này là một trong những kỷ niệm đáng nhớ của đời học sinh, là hành trang lập thân, lập nghiệp. Tuy vậy, con đường phía trước con dài, các em cần cố gắng đạt nhiều thành quả hơn. Năm nay, có nhiều học sinh lớp 11 dự thi Olympic Thiên văn và Vật lý thiên văn quốc tế. Vì vậy, giám đốc Sở GD-ĐT mong muốn các em tiếp tục nỗ lực để đổi màu huy chương trong năm sau.
Kết thúc 30 tiếng đồng hồ bay, Nguyễn Bá Linh – học sinh lớp 12 Lý 1, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam, huy chương Bạc IOAA 2024 vẫn còn khá mệt. Dẫu vậy, kỳ thi là trải nghiệm tuyệt vời giúp em gặp gỡ và giao lưu với bạn bè quốc tế.
Cuộc thi năm này với 3 phần thi căng thẳng gồm: Phần thi Lý thuyết kéo dài trong 5 tiếng; thi xử lý số liệu kéo dài trong 3 tiếng; thi quan sát (ngày và đêm) với tổng thời gian 2h15’.
Bá Linh nhận xét, đề thi có kiến thức sâu rộng. Trong khi đó Đoàn Việt Nam chỉ có 2 tháng để chuẩn bị nên có phần thiệt thòi hơn so với nhiều đoàn khác có thời gian tập huấn 6 tháng, 1 năm, thậm chí lâu hơn. “Đây cũng là hạn chế khiến chúng ta chưa thể giành vàng”, Linh chia sẻ.
Là thành viên nữ duy nhất của đội tuyển Nguyễn Thị Thu Minh, lớp 12 Lý 1, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam, huy chương Đồng IOAA 2024 tự hào vì mình không hề kém cạnh các bạn nam. “Tại kỳ thi lần này, em gặp các bạn mới và học giỏi từ nhiều nước trên thế giới. Qua đó em cũng thấy không chỉ con trai mới giành được thành tích cao ở lĩnh vực vật lý, thiên văn. Ví dụ bạn cùng phòng của em là một bạn nữ người Iran đã giành huy chương Vàng với thành tích còn cao hơn chúng em”.
“Thời gian bọn em ôn ngắn, chỉ 2 tháng dốc hết sức ôn tập, thường 1 ngày học 3 ca (sáng, chiều, tối). Học thực hành vào tối, chúng em phải lựa hôm trời đẹp mới quan sát được, phải chọn nóc tòa nhà cao, không có ánh sáng đèn điện xung quanh mới quan sát rõ các ngôi sao trên bầu trời”, Thu Minh chia sẻ về quãng thời gian ôn luyện.
So với học sinh dự thi các kỳ thi quốc tế khác, học sinh dự thi IOAA phải di chuyển nhiều nơi để thực hành, phải thức đêm ở các tòa nhà cao tầng để quan sát các chòm sao, phân tích số liệu. Tuy vậy cũng có những khi thức cả đêm mà không quan sát được vì thời tiết xấu. Thầy Triệu Lê Quang, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Lý 1 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam cho biết, các em được tham gia tập huấn ở Trung tâm vũ trụ Việt Nam ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Cả đội cũng phải di chuyển vào Nha Trang 1 tuần để tiếp cận với những thiết bị tiên tiến nhất về thiên văn, vũ trụ. Do đó, việc ôn luyện đội tuyển đòi hỏi sự nỗ lực lớn của tất cả các em học sinh.
Trao đổi với phóng viên sau khi trở về từ Brazil, ông Nguyễn Quang Tuấn – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Kỳ thi Olympic Thiên văn và Vật lý thiên văn quốc tế lần thứ 17 cho biết, kỳ thi năm nay có 53 quốc gia tham dự. Trong đóm nhiều quốc gia có thế mạnh như Iran, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… nhưng thành phố Hà Nội có chủ trương nâng cao chất lượng mũi nhọn nên đã sớm tổ chức sát hạch, lựa chọn 5 thí sinh tiêu biểu tham gia. Sau đó tổ chức ôn luyện, bồi dưỡng để các em chuẩn bị tâm thế tốt nhất bước vào kỳ thi.
Từ năm học tới, Sở có kế hoạch phổ biến kỳ thi tới tất cả học sinh yêu thích vật lý thiên văn ngay từ đầu năm học. Qua đó, tổ chức kỳ thi sơ tuyển, có kế hoạch bồi dưỡng, tuyển chọn rộng rãi hơn, chứ không chỉ dừng lại ở trường chuyên.
Đồng thời, ngành giáo dục Hà Nội cũng quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên tập trung xây dựng chương trình giang dạy. “Nội dung trong kỳ thi không nằm nhiều trong chương trình phổ thông nên các em phải tự học, tự bồi dưỡng học thêm bên ngoài. Do vậy, cần đội ngũ giảng viên chất lượng và điều kiện thực hành nhiều hơn để đáp ứng với điều kiện môn thi”, ông Tuấn cho biết./.