Hội thảo quốc tế về giáo dục với chủ đề "Trí tuệ nhân tạo và tương lai của giáo dục" được Viện nghiên cứu cao cấp về Toán, Tổ chức The VietNam Foundation đồng tổ chức cùng 2 đơn vị đồng hành là Khan Academy Hoa Kỳ và Hội giảng dạy Toán học phổ thông Việt Nam.

AI là công cụ hỗ trợ, không phải đối thủ của con người

Phát biểu tại Hội thảo, ông Sal Khan - Nhà sáng lập Khan Academy nhận định AI giống như một trợ lý, gia sư cá nhân trợ giúp đắc lực cho học sinh trong việc học tập.

Tuy nhiên, sử dụng AI cũng đặt ra nhiều rủi ro, chẳng hạn như có nhiều câu chuyện không phù hợp với độ tuổi học sinh, hay sử dụng AI để gian lận trong các kỳ thi. Dù vậy, AI sẽ được áp dụng trong việc học trong tương lai. Đó là thực tế không sớm thì muộn, thậm chí nhiều sinh viên hiện đã sử dụng các công cụ này. Internet, Chat GPT không phải công cụ hoàn hảo 100%. Tuy nhiên việc cấm trẻ con sử dụng Google, internet là không khôn ngoan. Thay vì cấm cản, theo ông Khan, phụ huynh và giáo viên cần hướng dẫn trẻ sử dụng công cụ này phù hợp.

Ngày nay, chi phí sử dụng AI đã rẻ hơn nhiều so với trước đây. “Mỗi năm tôi trả 20 USD cho AI nhưng nếu dùng chung các bạn được sử dụng toàn bộ công cụ, tính năng chat GPT với chi phí thấp”.

Ông Sal Khan cho biết, nhiều nơi như Philippines, Ấn Độ, Bangladesh, chi phí để sử dụng những phần mềm như Copilot, Chat GPT không quá đắt. Do vậy việc thu hẹp khoảng cách sử dụng AI giữa các vùng miền đã được thu hẹp. Tuy nhiên, không thể phủ nhận ở nhiều nơi chưa phát triển, chi phí vẫn còn khá cao.

Sử dụng AI khiến mọi người trở nên lười hơn và mất động lực học tập - Đây là một trong những lo ngại chính đáng mà ông Shal Khan đề cập tại hội thảo. Theo nhà sáng lập Khan Academy, chúng ta cần giải quyết bài toán làm thế nào để sử dụng AI nhưng không phụ thuộc vào nó?

Ông Sal Khan cho biết, Khan Academy có kinh nghiệm trong việc này bằng cách biến những kiến thức khô khan trong sách giáo khoa trở nên hứng thú hơn với học sinh với công cụ AI mà tổ chức phi lợi nhuận này phát triển. “Học sinh học kiến thức phục vụ tương lai. Đó là thứ các em cảm thấy hữu ích. Trước khi đến lớp giáo viên phải có nội dung giảng dạy. Chúng tôi có câu hỏi cho giáo viên đó là: mọi người sẽ dạy nội dung này như thế nào, chúng tôi có công cụ liên quan đến AI có thể giúp giáo viên soạn bài, công cụ đó sẽ duy trì thế nào trong lớp học và tạo ra không khí học tập giúp học sinh cảm thấy hữu ích. Quan trọng giáo viên phải hiểu công cụ AI sẽ là trợ giảng, hỗ trợ trong giảng dạy và tối ưu hóa hiệu quả học tập của học sinh.

Còn với học sinh, cần hướng dẫn các em rằng AI là người giáo viên khác trong lớp, em sẽ cần đặt những câu hỏi phù hợp với giáo viên đó để lấy được thông tin hữu ích hoặc tìm kiếm được câu trả lời các em cần. Chúng ta sẽ dạy học sinh cách đặt câu hỏi, sử dụng tối ưu hóa công cụ học tập như AI.

Ông Sal Khan khẳng định, với sự tồn tại của AI, nhiều công việc sẽ thay đổi hoặc biến mất. Mỗi người cần có những kỹ năng mới để thích nghi với việc này. “Chúng ta không thể nói AI tốt hay xấu. Nó là công cụ, quan trọng chúng ta sử dụng AI thế nào để hỗ trợ công việc. Chúng ta cùng nhau sử dụng, tái tạo AI để có chương trình tốt nhất của AI trong giáo dục. Đây là cuộc chiến mà chúng ta phải đối mặt. AI là lực lượng hùng hậu, hữu ích nếu sử dụng đúng trong giáo dục. Có những vấn đề liên quan đến an ninh, tư liệu nếu lạm dụng AI. Đó là mặt xấu nhưng sử dụng khôn khéo thì đây sẽ công cụ hỗ trợ chứ không phải đối thủ của con người”, ông Sal Khan khẳng định.

Cần tận dụng AI để học sinh yêu Toán

Tại hội thảo, GS. Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, AI đã được áp dụng trong quá trình dạy và học toán, chẳng hạn như Robot TODAI, nền tảng Got It của Hùng Trần, phổ biến nhất là hình học Anpha...

Việc dạy và học toán trên thế giới dần được áp dụng AI. Vậy có nên dạy những thứ trước nay đang dạy trong khi đang có nhiều người giải toán dưới hình hài Chat GPT hay AI để giúp đỡ con người.

Theo GS. Lê Anh Vinh, sau khi học Toán, học sinh có thể phát triển nhiều kỹ năng như tư duy phê phán, tư duy phân tích, kỹ năng giải quyết vấn đề, lý giải bằng số liệu, kỹ năng lý giải logic...

Khi tiếp xúc với giáo viên và học sinh tại các trường học hay trong các chương trình đào tạo giáo viên, ông thấy nhiều em yếu toán và không thể theo được những bài tập trên lớp. Với những học sinh này, một số giáo viên cho các em những bài toán dễ hơn và nói rằng em không cần giải quyết các bài tập khó, không cần làm trọn vẹn. Tuy nhiên, GS. Lê Anh Vinh cho rằng với những học sinh yếu thì nhiệm vụ của thầy cô là giúp các em thấy toán học hấp dẫn hơn. Bởi, khi học sinh bị ám ảnh mình không giỏi toán thì sẽ tạo ra gánh nặng tâm lý, mất động lực học.

Đề cập băn khoăn của nhiều người về việc học toán nhưng không có tư duy sâu, GS. Lê Anh Vinh kể, nhiều học sinh khi được đưa cho bài tập bài toán thì các em nói chưa được học, chưa được dạy và không làm được. Tuy vậy, khi khai thác kỹ hơn và yêu cầu các em tiếp cận ở góc nhìn khác thì sẽ thấy khi đi sâu vào vấn đề, có kiến thức nên tảng, các em vẫn có tư duy, vẫn suy luận và tìm cách giải quyết được. Quan trọng là cần phải làm sao để quá trình tư duy của học sinh đi chậm để từng bước nhìn được vấn đề, dù các em nhìn thấy bài toán mới nhưng đi sâu thì vẫn thấy cốt lõi gốc rễ của nó.

Một vấn đề nữa đối với việc học Toán là thiếu sự kết nối, tương tác thực tế. GS. Lê Anh Vinh cho rằng, chúng ta cần học chậm lại, cần có thêm tương tác, áp dụng thực tế.

Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam lấy ví dụ, có thể đặt ra những câu hỏi cho cho học sinh như: Trong số bài toán đã học, đã giải ở trường em thích bài toán nào nhất, tại sao?; Trong số bài toán chưa giải được, em sẽ tìm cách nào để giải tiếp; Em đã cố gắng giải bài tập đó như thế nào rồi? Khi đưa ra câu hỏi, giáo viên nói không có đủ thời gian, bị cháy giáo án. Trong trường hợp này, chúng ta có thể tận dụng sự hỗ trợ của công nghệ.

“Tôi nghĩ mục tiêu giảng dạy toán ở trường là giúp các em tìm được tình yêu với môn toán và thích học môn học này. Nhiều em đặt ra câu hỏi “Vì sao em phải học toán?” thì mục tiêu chúng ta cần làm là giúp các em hiểu tầm quan trọng của học toán. Nếu các em đặt câu hỏi mà chúng ta không trả lời được thì các em sẽ đi tìm câu trả lời ở AI. Vì vậy, tôi cho rằng câu câu trả lời của người thật phải hay hơn AI.

Cuối cùng chúng ta phải giúp các em phát triển khả năng tư duy, suy luận logic, đề xuất vấn đề và giải quyết vấn đề. Trong các lớp học, chúng ta có thể không quan tâm tại sao học sinh yếu môn toán, không thích môn toán, không hiểu được tầm quan trọng của môn toán nhưng chúng ta lại muốn kết quả cuối cùng phát triển tư duy này cho các em. Điều này hơi khó. Đó là lý do vì sao tôi cho rằng công nghệ có thể tham gia giúp học sinh giải được các bài toán, giúp các em yêu môn toán, hiểu tầm quan trọng của học toán, từ đó phát triển tư duy kỹ năng của các em.

Việc giảng dạy và đánh giá nếu quan tâm nhiều đến học sinh thay vì quan tâm điểm số đến bài kiểm tra thì tất cả mọi học sinh đều có thể tiến bộ, thụ hưởng lợi ích từ việc giảng dạy và học toán”, GS. Lê Anh Vinh chia sẻ.

Tại hội thảo, đại diện The Vietnam Foundation, ông Đỗ Ngọc Minh - Đồng sáng lập Khan Academy Vietnam chia sẻ tổ chức luôn song hành hỗ trợ các nhà trường, giáo viên, phụ huynh học sinh để ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục một cách hiệu quả nhất. Những thành tựu mà Khan Academy Vietnam đang thực hiện sẽ giúp cho học sinh sẽ thiết lập được thói quen học tập, rèn luyện năng lực tự học cũng như sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, từ đó việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ gặp nhiều thuận lợi. Với giáo viên, cũng sẽ tạo tiền đề để sử dụng một cách hiệu quả, thiết thực.