Một trong những yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non mới là cập nhật các nội dung, phương pháp, vấn đề hiện đại, hội nhập quốc tế, quan tâm các vấn đề thời sự của cuộc sống hiện nay và tương lai trong xu thế phát triển của thời đại… Trí tuệ nhân tạo xuất hiện ngay trước thời điểm triển khai thí điểm không lâu và ghi nhận sự bùng nổ của các ứng dụng cho bậc học này.
Những cô giáo mầm non…đi học
Sau buổi tập huấn với đại diện giáo viên mầm non, phổ thông khối công lập, gần 300 đại diện các cơ sở mầm non độc lập tư thục trên địa bàn quận Hà Đông đã tham gia buổi tập huấn chuyên đề “Ứng dụng công nghệ AI trong giáo dục mầm non” do phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông tổ chức.
Những câu chuyện cổ tích quen thuộc, những tình huống cụ thể giả định đặt ra tại lớp học, những bài hát thiếu nhi...sau câu lệnh của giảng viên nhanh chóng biến thành những clip hoạt hình khiến ngay cả người lớn cũng thấy thú vị và hấp dẫn.
Cô Phạm Thùy Linh, đại diện cơ sở giáo dục mầm non Hai chú hươu, Hà Đông cho biết, từ trước buổi tập huấn, những ứng dụng AI đã xuất hiện trong những giờ học và thay đổi tư duy của chính giáo viên đứng lớp.
Tuy nhiên, cô Thùy Linh khẳng định sẽ cần thêm thời gian cho việc đào tạo và thích ứng. Các cơ sở mầm non khối tư thục có được thuận lợi khi hầu hết đội ngũ giáo viên rất trẻ, khả năng học tập cũng như ứng dụng công nghệ nói chung, AI nói riêng nhanh và hiệu quả hơn, nhưng làm sao để cân bằng giữa phương pháp truyền thống với sử dụng AI vẫn là khó khăn chung. Theo thời gian và sự nỗ lực của mỗi cơ sở giáo dục mầm non, cô Linh tin rằng sẽ tạo nên được sự linh hoạt, nhuần nhuyễn.
Cô giáo Nguyễn Thị Vân Trang, cơ sở mầm non Chu Văn An, khu đô thị Văn Khê, Hà Đông cho rằng, những buổi tập huấn về ứng dụng AI cho giáo viên, chủ các cơ sở mầm non thực sự có giá trị khi cập nhật xu hướng giáo dục mầm non mới bên cạnh việc hướng dẫn kỹ năng sử dụng.
Với 140 học sinh, chia cho 5 lớp thuộc các lứa tuổi khác nhau, cơ sở giáo dục mầm non Chu Văn An theo cô Vân Trang sẽ cố gắng cập nhật, đào tạo chuyên môn và những công nghệ mới cho giáo viên trong nhiều khâu từ liên kết với phụ huynh, thiết kế bài giảng đến triển khai mô hình lớp học.
Giáo dục Mầm non không đứng ngoài cách mạng công nghệ
Bà Đậu Thúy Hà, thành viên Ban chấp hành Hiệp hội mầm non ngoài công lập Việt Nam, người làm trong lĩnh vực công nghệ trong giáo dục cho rằng các ứng dụng AI đem đến hai thuận lợi cho bậc học mầm non.
Thuận lợi thứ nhất là đến nay đã có rất nhiều ứng dụng AI cho phép sử dụng tiếng Việt và việc hỗ trợ đã đa dạng hơn, vì vậy việc ứng dụng AI vào giáo dục mầm non cũng đa dạng hơn.
“Chúng ta có thể dùng AI để có thể làm phim hoạt hình tạo câu chuyện. Điều này rất có ích ở bậc học mầm non khi ở tuổi này cần tiếp cận với các hình thức học tập đa dạng, tác động đến tất cả các giác quan”, bà Đậu Hà ví dụ.
Thuận thứ hai nằm ở việc AI có khả năng tạo ra sự cá thể hóa trải nghiệm học tập cho học sinh. Những học sinh có nhu cầu giáo dục đặc biệt hoàn toàn có thể có được không gian, phương thức học tập phù hợp. Và với những lớp mầm non đông học sinh, các giáo viên với các ứng dụng AI tạo trải nghiệm học tập cho từng nhóm nhỏ.
“Hiện nay các chương trình mầm non STEM, giáo viên đã dùng rô bốt để dạy các con tư duy máy tính đồng thời tự tương tác được với rô bốt. Tôi biết có những trường dùng KidsEdu STEM thực hiện chủ đề của đợt này về "đi chợ Tết, chuẩn bị tết cùng bạn Rô bốt" khiến các bé bị thu hút và không muốn kết thúc giờ học. Đó giống như minh chứng cho thấy ở bậc mầm non khi có AI sẽ giúp các cô giáo sáng tạo ra rất nhiều chủ đề khiến chính các cô và kéo theo học sinh hứng thú thay vì giáo án chung cho tất cả học sinh của nhiều lớp theo cách truyền thống trước kia”, bà Đậu Hà nêu ví dụ từ thực tế.
Thách thức khi sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở bậc học này theo bà Đậu Hà là hiện nay chúng ta thiếu hành lang pháp lý vững chắc để bảo vệ thông tin cá nhân của học sinh ở độ tuổi rất nhỏ và chưa có khả năng tự bảo vệ bản thân.
"Trường hợp giáo viên tình cờ sử dụng hình ảnh của các em trong việc tạo nên bài học ngay tại lớp trong bối cảnh các thông tin đầu vào cho AI chưa biết chắc chắn sẽ được sử dụng ở những đâu sẽ vô tình tạo nên những nguy cơ mất an toàn cho chính em học sinh đó. Một khung pháp lý rõ ràng với những hiểu biết cho giáo viên và nhà quản lý giáo dục trong trường hợp này sẽ giúp việc sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách hiệu quả nhưng thận trọng", bà Hà phân tích.
Tuy nhiên nếu chờ khung pháp lý để tạo hành lang an toàn với những quy định, hướng dẫn cụ thể sẽ khiến giáo dục mầm non bị “bỏ lại phía sau” khi mà công nghệ nói chung, trí tuệ nhân tạo nói riêng phát triển như vũ bão. Cùng với những nội dung hướng dẫn, tập huấn, Bộ giáo dục và Đào tạo, Quỹ nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) sẽ có những khuyến nghị an toàn cho việc sử dụng.
Còn phía các nhà trường, các cơ sở giáo dục mầm non công lập cũng như tư thục đều cần xúc tiến việc cập nhật và sử dụng các ứng dụng AI cho quá trình soạn giáo án và dạy học trên lớp. Bà Đậu Hà khẳng định, giáo dục mầm non không đơn độc khi giáo dục mầm non toàn cầu cũng đang trên hành trình tham gia vào cuộc cách mạng công nghệ này. Với điều kiện về đường truyền Internet, thiết bị nhiều và hiện đại hiện có của nhiều trường học, cơ sở giáo dục mầm non hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể nắm bắt cũng như thúc đẩy công nghệ mới như AI.
Trong năm 2025, khi chương trình giáo dục mầm non mới được thí điểm ở những cơ sở giáo dục mầm non khác nhau, bà Đậu Hà hi vọng những ứng dụng trí tuệ nhân tạo cũng sẽ đồng thời được tham gia vào quá trình như đánh giá, rút kinh nghiệm, thử nghiệm những phương pháp mới, đo lường, điều chỉnh góp phần đem lại hiệu quả nhanh nhất, nhiều nhất.
“Có những việc thực hiện khi chưa có AI sẽ rất tốn kém và mất thời gian. Khi sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo thì có những nội dung thay vì mất nửa năm hoàn toàn có thể rút ngắn hơn. Có nghĩa rằng AI không chỉ góp phần tạo nên những trải nghiệm giáo dục mới trong lớp mà còn giúp cho cán bộ quản lý sử dụng nhằm đem lại hiệu quả hơn, độ bao phủ rộng hơn và đặc biệt tạo nên nhiều “kịch bản” giáo dục hơn. Tôi khẳng định đây là một công cụ đến đúng lúc cho chúng ta khi bắt đầu triển khai chương trình giáo dục mầm non mới”, bà Đậu Hà khẳng định.
Bà Trần Huyền, một trong nhiều đơn vị tham gia cung cấp ứng dụng AI cho bậc học mầm non cho rằng việc đưa trí tuệ nhân tạo vào bậc học này có những khác biệt cơ bản so với khối phổ thông, cao đẳng và đại học.
Học sinh bậc mầm non không trực tiếp sử dụng được các ứng dụng AI mà thụ hưởng sản phẩm giáo dục trí tuệ nhân tạo thông qua giáo viên. Và chính điều này đặt trọng trách không nhỏ lên vai các giáo viên mầm non bởi đặc thù dạy học ở bậc học này đã khá nặng nhọc, vật vả bao gồm cả chăm sóc và dạy dỗ. Tuy nhiên, như lời bà Trần Huyền, những giáo viên tâm huyết, những nhà trường vì học sinh, sẽ không có gì trở thành rào cản khi các ứng dụng cho đến thời điểm này đã được đơn giản hóa giống như việc sử dụng điện thoại hằng ngày.
Mời các bạn bấm nút nghe nội dung: