Nghề biên dịch viên cần những năng lực riêng

Trong suy nghĩ của nhiều người, biên dịch viên, phiên dịch viên phải là những người tốt nghiệp khoa ngôn ngữ của các trường dạy ngoại ngữ. Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn đúng, như trường hợp của dịch giả An Khánh – người dịch tác phẩm Lịch sử Hội sách Frankfurt vừa được giải khuyến khích trong Giải thưởng sách Quốc gia lần thứ VII năm 2024: "Tôi không phải sinh viên ngoại ngữ mà là sinh viên khoa văn học. Khi là sinh viên, tôi được các thầy cô khuyến khích tập dịch các bản tin, tập dịch 1 vài chương sách để tham gia nghiên cứu khoa học. Sau này, tôi có 3 năm làm việc với vị trí biên tập ở 1 nhà xuất bản và bắt đầu có cơ hội dịch cuốn sách đầu tiên."

Cũng có những người cho rằng chỉ cần biết ngoại ngữ là có thể làm biên, phiên dịch viên. Tuy nhiên TS. Ngôn ngữ và Dịch thuật Nguyễn Nhật Tuấn – Giám đốc Trung tâm Giáo dục Quốc tế, Trường Đại học Hà Nội cho rằng người làm biên, phiên dịch viên không chỉ cần biết ngoại ngữ mà còn cần hiểu biết sâu, biết được các tầng, các nghĩa khác nhau của các từ trong cùng một ngôn ngữ, cũng như ý nghĩa biểu đạt, quy trình sử dụng các loại cấu trúc khác nhau.

Bên cạnh đó, người làm biên dịch cần hiểu loại văn bản mình dịch là gì; loại văn bản đấy có tính chất là gì và quan trọng nhất đó là mình dịch cho mục đích nào, dành cho đối tượng nào, chẳng hạn dịch văn bản pháp luật để làm việc giữa 2 nhà nước: hoàn cảnh làm việc cấp cao, mức độ quy phạm lớn nên ngôn ngữ đòi hỏi trang trọng. Nhưng cùng văn bản đó mà dịch cho người dân bình thường hiểu được thì lại là dạng ngôn ngữ khác. Hiểu về tính chất văn bản, tính chất của đối tượng sẽ đọc bản dịch của mình giúp người biên dịch chọn được ngôn ngữ, câu văn, thể thức văn bản phù hợp.

Một yếu tố rất quan trọng nữa là yếu tố văn hóa. Vì trong mỗi loại văn bản có yếu tố văn hóa riêng như văn hóa ngành nghề, lĩnh vực mình làm việc nhưng cũng có thể là văn hóa xã hội, văn hóa phổ thông… Tất cả yếu tố đó đòi hỏi người biên phiên dịch giống như một cái chat GPT thu nhỏ là có khả năng nhận thức và hiểu được hết tất cả mọi vấn đề liên quan, để có thể tạo ra được một bản dịch có hiệu quả cao nhất.

"Dịch sách về triết học hay lịch sử, mình phải có kiến thức về các thuật ngữ chuyên môn. Dịch sách thiếu nhi phải tìm ra giọng điệu phù hợp với các em. Dịch sách văn học, tôi cho rằng còn khó hơn nữa, làm sao để chuyển tải các tác phẩm vốn đã được coi là kết tinh của nghệ thuật ngôn từ sang các ngôn ngữ khác mà vẫn có thể đem đến cho độc giả những rung động nhất định." - Dịch giả An Khánh chia sẻ.

Ngoài những yếu tố trên, người làm phiên dịch viên còn cần có thêm 3 kỹ năng quan trọng là trí nhớ tốt, tốc ký tốt và năng lực sử dụng giọng nói. Vì mỗi diễn giả chuyển đến 1 thông điệp khác nhau thông qua 1 tông giọng khác nhau. Chính vì thế có tông giọng biểu cảm, có thể phù hợp nhiều hoàn cảnh khác nhau cũng là yếu tố vô cùng quan trọng.

Ngoài ra năng lực xử lý tình huống cũng đóng vai trò rất quan trọng. Vì phiên dịch như cầu nối, thỉnh thoảng có khúc mắc giữa 2 đối tác trong quá trình giao tiếp thì mình lúc đó đóng vai trò nhịp cầu hòa bình để mọi người hiểu rõ hơn về quá trình giao tiếp.

AI không thể thay thế biên dịch viên

Theo TS. Nguyễn Nhật Tuấn, trong thời đại 4.0, công nghệ, nhất là công nghệ trí tuệ nhân tạo có mặt trong rất nhiều ngành nghề nhưng máy móc, công nghệ chỉ giúp công việc của chúng ta trở nên dễ dàng hơn chứ không thể thay thế được tất cả các chức năng của con người như năng lực xử lý tình huống, kỹ năng phân tích vấn đề, độ nhạy cảm về văn hóa, độ linh hoạt trong công việc. Chính vì thế, ngành biên, phiên dịch vẫn tiếp tục cần có và là một trong những ngành nghề có thu nhập cao trong xã hội.

"Đây là ngành nghề luôn luôn có mảng sân rất rộng, cơ hội việc làm lớn. Quan trọng là không ngừng trau dồi kỹ năng, cũng như học về những kỹ thuật, công nghệ mới nhất trên thị trường để ứng dụng và trở nên toàn diện hơn trong công việc." - TS. Nguyễn Nhật Tuấn nhấn mạnh.