Nằm sâu trong ngõ 56 Ngô Xuân Quảng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, phòng khám châm cứu thú y của PGS, TS Phạm Thị Xuân Vân (90 tuổi, nguyên giảng viên Khoa thú y – Học viện Nông nghiệp Việt Nam) là nơi chăm sóc, điều trị cho những chú thú cưng. Đây cũng là địa điểm bà Vân truyền nghề cho các thế hệ sinh viên ngành thú y.

Những "bệnh nhân đặc biệt" của bà Vân đa phần là những chú chó mèo bị liệt do gặp tai nạn. Có con co giật, méo mồm, phải điều trị về rối loạn thần kinh... Tại đây, chó mèo sẽ được xoa bóp, châm cứu, rồi được ăn uống, tập luyện.

Người đầu tiên mang châm cứu thú y vào Việt Nam

Trước khi trở thành một trong những giảng viên đầu tiên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, từ năm 1953-1958, bà Vân từng học Thú y tại Học viện Nông nghiệp Hoa Nam (Trung Quốc). Bà là người đề xuất đưa bộ môn châm cứu thú y vào giảng dạy tại Việt Nam.

Bằng chất giọng Huế, cụ bà kể trước đây bà chủ yếu điều trị trên chó nghiệp vụ của quốc phòng, công an. Khi phong trào nuôi thú cưng phát triển, hơn chục năm nay, bà bắt đầu chuyển sang điều trị trên cả thú cưng.

“Lúc đầu người ta biết tiếng tôi, người ta đưa chó mèo đến nhà châm cứu. Nhà tôi thì chật, chỉ có 40m2 với sân 10m2, chó mèo đến nhiều, sinh viên đến không có chỗ học. Vì vậy, tôi liên hệ với khoa mở phòng khám thú y cộng đồng. Được khoa đồng ý và có công ty tài trợ tôi bắt đầu ra điều trị ở đây từ năm 2013”, cựu giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam kể.

Hơn chục năm qua, bà Vân không nhớ nổi mình đã điều trị cho bao nhiêu chú thú cưng. Thế nhưng, kí ức sâu đậm nhất với bà là những ngày đầu mở phòng khám. Có chú chó bị bỏ lại ở thùng rác, được sinh viên nhặt về. Bà thấy thương nên cùng với sinh viên chăm sóc, cho ăn, bồi dưỡng, điều trị. Cuối cùng chú chó ấy đã phục hồi, đi lại được và được sinh viên nhận về nuôi. Chú chó ấy được bà đặt tên là Lucky.

“Những năm đầu tiên mở phòng khám thú y cộng đồng vất vả thì nhiều nhưng chủ yếu là không có tiền”, bà Vân cười khi nhớ lại chuyện chục năm về trước.

Hồi ấy, để duy trì phòng khám, bà Vân phải tự bỏ tiền túi ra để chăm sóc, điều trị cho thú cưng. Các bạn sinh viên cũng “góp gạo thổi cơm chung” bằng cách mang gạo, sữa để nuôi chó mèo.

Hoạt động hiệu quả, phòng khám vận động được các công ty tài trợ cơ sở vật chất, thuốc men, thức ăn. Gia chủ chỉ đóng góp tiền ăn, phí vệ sinh phí, giấy vệ sinh, sữa tắm.

“Do đó, ở đây điều trị rất rẻ, rẻ nhất quả đất. Một tháng điều trị con mèo khoảng 500-1 triệu đồng. Chó thì 1 triệu, đến chó to lắm, chó béc-giê tối đa là 3 triệu đồng. Trong khi đó, mỗi con 1 lần châm cứu là một trăm mấy chục nghìn, điều trị miễn phí, các em tự nguyện tham gia”, bà Vân chia sẻ.

“Tôi thích làm việc với sinh viên hơn các cụ già”

Tuần 7 ngày thì 4 ngày bà Vân đều bắt xe ôm từ nhà ra phòng khám để điều trị, châm cứu cho chó mèo. Đồng thời hướng dẫn sinh viên khám bệnh, phân công sinh viên điều trị, đánh giá hiệu quả điều trị và chỉ dẫn sinh viên châm cứu trên từng chú thú cưng.

Hiện, phòng khám có khoảng 10 sinh viên thực tập khóa luận, mỗi em chịu trách nhiệm với 4-5 thú cưng, có em chịu trách nhiệm nhiều hơn do chó mèo ngoại trú được gửi đến đông.

“Đầu tiên cho sinh viên lên lớp, nắm vững lý luận về châm cứu, sau đó là kỹ thuật châm. Hướng dẫn từng ly từng tí, đặc biệt vị trí các huyệt phải nhớ giải phẫu, đặc điểm giải phẫu”, bà giáo 90 tuổi kể về công việc truyền nghề cho sinh viên.

Phạm Thu Uyên, sinh viên khóa 63, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, ngoài kiến thức lý thuyết được đào tạo tại trường, khi đến phòng khám của bà Vân, những sinh viên khoa thú y sẽ được bà dạy một số chuyên môn về châm cứu, tiêm truyền thuốc, xoa bóp, bấm huyệt. “Bà rất nghiêm túc, đôi lúc khó tính và đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao”.

“Bà vui vẻ, nắm bắt thông tin nhanh và khá thời thượng. Bà mắng thì mắng thế thôi chứ vẫn thương và quý lắm”, Nguyễn Đình Thục – sinh viên năm cuối Khoa Thú y đang làm khóa luận tại phòng khám chia sẻ.

Khi được hỏi “bà có cảm thấy mình trẻ lại khi làm việc với sinh viên?”, bà Vân cười xòa “làm việc với các em sinh viên bà thấy vui hơn các cụ già!”.

Để trở thành một bác sĩ thú y theo bà Vân, đầu tiên các bạn trẻ cần phải biết yêu thương động vật, cần cù chịu khó, không ngại khổ, ngại bẩn.

Còn với bà, khi được làm công việc này, “chứng kiến thú cưng được điều trị khỏi là mình cảm phấn khởi”.

“Trước nó (chó mèo - PV) liệt 4 chân lê lết, giờ đi lại tôi cảm thấy phấn khởi. Còn những con đi chưa vững tôi cũng phải suy nghĩ cách điều trị thế nào đi cho vững”. Bà Vân cho biết, không phải thú cưng nào cũng được điều trị khỏi 100%, “con nào điều trị không khỏi mình nghĩ cách làm cho thú cưng có con đường đi tốt bằng cách chế tạo ra những xe lăn giản đơn cho chó mèo”.

Cụ bà 90 tuổi nói rằng, với công việc này, bà tâm niệm “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” như tinh thần mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng gửi gắm. Rồi bà ngâm nga:

“Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui

Cùng với sinh viên đến với ngành nghề

Tôi chọn nơi này, cùng nhau châm cứu,

Để thấy chó mèo tập những bước đi

Và như thế tôi sống vui từng ngày

Và như thế tôi đến bên cuộc đời

Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi...”

Nghe chương trình tại đây: