Với thành tích của Ngô Quý Đăng, sau 19 năm, Việt Nam mới lại có một học sinh đạt số điểm tuyệt đối tại một kỳ IMO. Em cũng từng giành Huy chương Vàng IMO năm lớp 10 và xuất sắc xếp hạng 4 thế giới.

Chia sẻ niềm vui sau hành trình chinh phục IMO 2022, Ngô Quý Đăng cho biết: Em không bất ngờ với Huy chương Vàng bởi khi làm bài xong em đã nhận định được làm khá tốt, nhưng khi biết được điểm tuyệt đối em thấy yên tâm hơn. Được nhận Huy chương Vàng từ tay Thị trưởng thành phố Oslo, Na-Uy tại địa điểm tòa thị chính thành phố - nơi hàng năm trao giải Nobel Hòa bình, với Ngô Quý Đăng là niềm vinh dự và kỷ niệm đáng nhớ nhất với em khi tham dự IMO 2022.

Trong lúc đó ở Việt Nam, theo dõi kết quả của con trên trang web của Ban tổ chức kỳ thi IMO 2022, đúng 4h sáng chị Đoàn Thị Thu Hương mẹ của Ngô Quý Đăng vỡ òa niềm vui và trút bỏ được sự lo lắng. “Mỗi kỳ thi dù lớn nhỏ mình đều lo con buồn vì kết quả không như mong đợi. Con cũng cũng vấp ngã chứ không phải kỳ nào cũng tròn trịa cả. Nếu ở gần mà con buồn mình có thể đến đón và an ủi được nhưng khi con đi thi ở xa thì cảm giác hơi lo lắng hơn”.

Chị Hương cho biết, trước khi lên đường sang Na-Uy, Đăng cũng đặt mục tiêu giành tấm Huy chương Vàng. “Sau khi thi xong con cũng nói làm được hết nhưng không biết có sai sót gì không, đâm ra mình không muốn hỏi con nhiều để con lo lắng, mình cứ âm thầm theo dõi thôi”.

Mẹ Quý Đăng khiêm tốn: "Xung quanh con còn nhiều bạn giỏi, việc đi thi cũng có yếu tố may mắn chứ không hẳn là con mình nổi trội. Thành công đến với con nhưng đây chỉ là bước đầu, chưa nói lên gì cả. Với thành tích này, mình động viên con mình cứ vững bước trên con đường sau này thôi”.

Nhận xét về con trai, chị Hương cho biết, so với các bạn cùng lứa tuổi thì Đăng còn vô tư lắm, nói chuyện đơn thuần, không nghĩ xa xôi phải thành công hay đạt được điều gì to tát hay thật nhiều giải thưởng, chỉ cần được học, được thi tham gia hoạt động của lớp nên cuộc sống đơn giản và dễ có nhiều niềm vui.

Thích các con số từ nhỏ

Mẹ Đăng kể, từ bé em đã thích các con số và những hoạt động liên quan tới con số em sẽ tập trung hơn.

“Đăng thích các con số nên tôi hay mua sách hoặc các trò chơi liên quan đến con số cho con. Hồi mẫu giáo thầy cô thấy bạn thích số thì thầy cô hay chơi với các bạn những trò chơi như đố số điện thoại. Mình cũng nghĩ đó là sở thích của một em bé chứ không định hướng nhiều là con phải đi theo con đường Toán học”.

Sinh ra trong gia đình mà cả bố và mẹ đều không làm toán, không hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, ở tiểu học, Đăng cũng được bố mẹ kèm cặp trong chuyện học hành nhưng từ khi lên cấp 2 chuyện học hành đều do bạn tự học cùng các thầy cô.

Cuối cấp 2, Đăng tìm hiểu và biết có kỳ thi Olympic toán quốc tế, em đặt mục tiêu sẽ là một thành viên của đội tuyển đi thi. Các thầy cô cũng đưa ra lời khuyên Đăng đi vào con đường nghiên cứu chuyên sâu khi thấy em hợp với Khoa học tự nhiên.

Chị Hương mẹ Đăng cho biết con trai cũng ham vui và thích các hoạt động ngoại khóa nhưng Đăng không giỏi về các hoạt động này. Bản thân chị cũng nhận thấy môi trường Khoa học tự nhiên phù hợp với con. “Ở đây, thầy cô cũng là nhà khoa học. Vào cấp 3 con bắt đầu được tiếp cận với nghiên cứu khoa học, với hơi hướng ĐH, các con khá chủ động, thầy cô hướng dẫn như những huấn luyện viên”.

“Con may mắn vì gặp được các thầy cô giỏi, tâm huyết, yêu con và giúp đỡ con theo nhiều cách. Thấy bạn vui vẻ với việc học hành gia đình chỉ biết cổ vũ và hỗ trợ con chứ không định hướng gì”.

Cú sẩy chân

Ngô Quý Đăng là gương mặt quen thuộc với các giải thưởng về Toán. Đặc biệt, ngay từ năm lớp 10 em từng giành Huy chương Vàng IMO và xếp hạng 4 thế giới.

Tuy nhiên, năm lớp 11 Đăng đã không vượt qua vòng tuyển chọn đột tuyển quốc gia thi IMO quốc tế. Đó là kỷ niệm buồn với “cậu bé vàng”.

Mẹ Đăng kể sau cú “sẩy chân” đó, mất mấy tháng em mới lấy lại tinh thần. “Ngay lúc thi chọn đội tuyển xong con đã buồn. Mình động viên nhưng nghĩ rằng cú sốc đó cũng là bài học lớn tốt cho con. Bởi vì nếu cả quãng đường bằng phẳng quá không ai nói được mình, càng vấp ngã muộn thì tự rút ra bài học càng khó”.

“Đầu tiên con cũng có suy nghĩ mọi người có thể đánh giá con, nhưng 1-2 ngày sau bạn ấy chia sẻ “con nghĩ rồi, dù sao con không thể từ bỏ Toán được vì con vẫn rất yêu Toán, nên con vẫn cho thêm mình cơ hội”.

Sau thất bại đó, Đăng vẫn theo Toán nhưng tìm hiểu thêm nhiều lĩnh vực khác, sắp xếp kế hoạch học tập, cân đối thời gian dành cho môn Toán để có kết quả chắc chắn.

“Lúc đầu con chỉ dồn lực cho một mục tiêu mà không đạt được thì sẽ khó lấy lại cân bằng. Sau cú vấp, con chia nhỏ mục tiêu và có thêm một số mục tiêu khác ngắn hạn hơn. Khi đạt được các mục tiêu ngắn hạn thì đi thi thấy đỡ áp lực vì lúc đó đi thi chỉ là một trong số các mục tiêu”.

Con không có tố chất gì đặc biệt, chỉ chăm học

Không nhận con mình là thần đồng, mẹ của Ngô Quý Đăng cho biết em không có tố chất gì đặc biệt, chỉ là chăm học so với “tiêu chuẩn của mẹ”.

Có những hôm Đăng học muộn quá, mẹ sợ ảnh hưởng tới sức khỏe nên phải nhắc nhở em mới chịu đi ngủ. “Nhiều lần ép bạn đi ngủ thì bạn cũng nghe nhưng sáng dậy thì đã thấy con dậy từ lâu để hoàn thành bài tập hoặc các mục tiêu của mà con đã đặt ra”.

Ở đội tuyển IMO, nhiều bạn có khả năng ghi nhớ tốt còn Đăng lại không giỏi điều này. Do đó, tài sản quý giá nhất của em là quyển số ghi chép. Trong đó, em ghi những bài tập hay, những vấn đề khó, những lúc mệt mỏi Đăng có thể đưa quyển sổ ghi chép ra đọc. Đó cũng là một hình thức ghi nhớ nhưng cũng là cách giúp em thư giãn”.

Trong bài làm của mình, Đăng thường trình bày rất chặt chẽ, và ít khi bị trừ điểm trình bày nên ngoài giỏi Toán thì Đăng thường được trêu là giỏi cả môn Văn.

Vậy nhưng trong mắt mẹ của thần đồng “săn giải thưởng” này thì con vẫn là cậu bé ham vui. Bộ môn giải trí thường xuyên của em là chơi game nhưng mẹ không quản vì thấy Đăng có nguyên tắc, học hành xong mới chơi. “Cũng có đôi lần tự bạn thấy chơi nhiều quá thấy không vui và tự thôi chứ không cần mẹ nhắc”.

Hiện, Ngô Quý Đăng đã được tuyển thẳng vào Khoa Toán Cơ Tin của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Chia sẻ về dự định của con trai, chị Hương ở biết, hiện tại Đăng chỉ đơn thuần muốn nghiên cứu về toán còn phải học tiếp mới chọn được. “Con cũng muốn đi theo con đường của GS Ngô Bảo Châu bởi thời gian qua con đã có sự kết nối với GS Châu. Đội tuyển IMO cũng được Viện Toán chăm sóc, đào tạo nên các em rất say mê với việc nghiên cứu", mẹ Đăng cho biết./.