Những năm gần đây việc ưu tiên xét tuyển vào đại học đối với học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL… đã trở nên rất phổ biến. Đáng chú ý, việc xét tuyển học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế dần lan sang các trường THCS, THPT khi tuyển sinh vào lớp 6, lớp 10.

Tuy nhiên, việc ưu tiên xét tuyển vào lớp 6, lớp 10, đại học... đối với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế liệu có châm ngòi cho cuộc đua cho cho con theo học IELTS, TOEFL… trong khi các môn khoa học cơ bản lại không tập trung đầu tư? Một tấm chứng chỉ IELTS, TOEFL liệu có chứng minh năng lực xuất sắc của học sinh? Giảng viên Đặng Minh Tuấn, khoa Sư phạm (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) dành cho phóng viên VOV2 cuộc trao đổi liên quan đến vấn đề này.

Không quốc gia nào đặt tiêu chí giỏi tiếng Anh để lựa chọn tài năng

Phóng viên: Thưa ông, đang có hiện tượng phụ huynh chạy đua cho con ôn thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL… từ nhỏ. Ông nhìn nhận thế nào về hiện tượng này?

Giảng viên Đặng Minh Tuấn: Tôi cho rằng đây là điều kỳ quặc. Tiếng Anh hay ngoại ngữ chỉ là công cụ, là một phương tiện để tiếp thu, truyền tải kiến thức một cách nhanh nhất. Không có một quốc gia nào đặt tiêu chí giỏi ngoại ngữ, giỏi tiếng Anh là lựa chọn tài năng hay năng lực của người học.

Tôi vừa được mời làm ban giám khảo kỳ thi khoa học kỹ thuật Intel ISEF tại Mỹ. Tại cuộc thi đó học sinh phổ thông trình bày những đề tài khoa học được nghiên cứu trong khoảng 1 năm trước đây. Đó là những học sinh tài năng đến từ nhiều quốc gia. Trong quá trình chấm thi không có một tiêu chí nào của Ban giám khảo quốc tế dành cho tiêu chí về ngôn ngữ và họ đánh giá học sinh nằm ở các yếu tố như sau:

Thứ nhất năng lực tìm ra vấn đề; Thứ hai là cơ sở khoa học để giải quyết vấn đề đó; Thứ ba việc phát triển cơ sở lý thuyết đó có giúp gì cho sự phát triển khoa học thế giới. Không có một tiêu chí nào đánh giá học sinh đó giỏi tiếng Anh hay không giỏi tiếng Anh.

Phóng viên: Không ít phụ huynh tự hào khi con sở hữu tấm chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Vậy, một tấm chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, theo ông có chứng minh năng lực giỏi xuất sắc của một học sinh?

Giảng viên Đặng Minh Tuấn: Chúng ta cần phải nhìn nhận cả hai mặt. Những bạn có được năng lực ngoại ngữ IELTS, TOEFL... là những bạn có năng lực tiếp nhận, xử lý thông tin tốt. Như vậy việc học các chứng chỉ ngoại ngữ này cũng sẽ giúp cho học sinh nâng cao năng lực tiếp nhận, xử lý thông tin, các kỹ năng năng nghe, nói, đọc, viết tốt. Chúng ta đánh giá cao tư duy nhận thức của trẻ ở khía cạnh đó.

Tuy nhiên việc dùng tiêu chí năng lực, kỹ năng về ngôn ngữ để đánh giá về mặt tài năng của người học thì hoàn toàn không đúng.

Phóng viên: Có ý kiến nói, việc học sinh đầu tư thời gian, tiền bạc quá nhiều để luyện thi các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế mà không coi trọng các môn khoa học cơ bản như Toán, Lý, Hóa, Sinh... là điều đáng lo ngại cho tương lai của nền khoa học-kỹ thuật quốc gia. Ông có đồng tình với sự lo ngại này?

Giảng viên Đặng Minh Tuấn: Mỗi ngày chúng ta có quỹ thời gian chung giống nhau là 24 giờ. Khi phụ huynh tập trung nâng cao năng lực của con em mình về tiếng Anh để ôn thi IELTS, TOEFL… sẽ mất đi quỹ thời gian để phát triển các nền tảng khác như nghệ thuật, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội…

Bên cạnh đó các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL… chỉ có giá trị trong 2 năm. Sau 2 năm người học phải thi lại nếu cần sử dụng. Như vậy, nếu nguồn lực tiền bạc, thời gian phụ huynh đầu tư cho con cứ lặp đi, lặp lại trong khi giá trị đó lại không phải bền vững thì sự đầu tư đó liệu có phù hợp?

Ngoài ra, bài thi IELTS được thiết kế dành cho người có đủ năng lực, nhận thức cơ bản về thế giới quan, về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội như lứa tuổi là sinh viên đại học chứ không dành cho lứa tuổi nhỏ (cấp tiểu học, THCS) khi các em chưa biết tất cả những nền tảng đó như thế nào.

Ưu tiên xét tuyển học sinh có chứng chỉ IELTS là thiếu công bằng?

Phóng viên: Việc bùng nổ xét tuyển đại học bằng các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và giờ nhiều trường phổ thông cũng sử dụng chứng chỉ IELTS, TOEFL… để tuyển sinh đầu cấp phải chăng là nguồn cơn mở đường cho cuộc đua luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế từ khi học sinh mới học lớp 1, lớp 2, thưa

Giảng viên Đặng Minh Tuấn: Đúng vậy, có lửa thì mới có khói. Không phải tự nhiên phụ huynh đua nhau cho con đi học chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Thực ra phụ huynh ai cũng mong muốn con đạt được kết quả học tập tốt để được vào một trường đại học uy tín nhất và sau này có được công ăn việc làm tốt nhất. Đó là mong muốn và mục tiêu chính đáng. Nhưng việc ưu tiên xét tuyển bằng các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL… làm thiên lệch sự định hướng của giáo dục.

Cụ thể, nếu muốn giáo dục công phát triển thì chúng ta phải dùng đánh giá nội lực, tức là dùng những bài đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo hay của cơ quan quản lý để người dân không bị tốn nguồn tiền rất lớn đổ vào các tổ chức đánh giá quốc tế.

Thứ hai, việc đánh giá năng lực của người học phụ thuộc vào một kênh đánh giá bên ngoài thì đây không phải là tiêu chí cho nền giáo dục của toàn dân. Đặc biệt, việc các cơ sở giáo dục đại học, phổ thông đưa vào tiêu chí để xét tuyển (tuyển thẳng hay ưu tiên xét tuyển) thì không phải là một tiêu chí hợp lý, nó làm lệch đi định hướng giáo dục của phụ huynh, học sinh. Đây là điều lãng phí.

Phóng viên: Vậy việc các cơ sở giáo dục đại học, phổ thông ưu tiên xét tuyển đối với học sinh có chứng chỉ quốc tế thầy có nghĩ cũng gây mất công bằng đối với các đối tượng học sinh khác?

Giảng viên Đặng Minh Tuấn: Điều này nó hoàn toàn rõ ràng. Phụ huynh ai cũng mong muốn con có được sự ưu tiên, tức là có được suất học sớm. Vậy nên nhiều phụ huynh có sự đầu tư cho con từ rất sớm.

Tuy nhiên tại các thành phố lớn hoặc những gia đình có điều kiện kinh tế tốt thì họ dễ dàng đầu tư cho con luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ để con sớm chắc một suất học tại một cơ sở giáo dục tốt. Điều này sẽ ảnh hưởng tới những bạn thực sự có năng lực, có tài năng về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhưng không có điều kiện tiếp cận với các cơ sở luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và cũng không đủ tài chính để luyện thi các chứng chỉ này.

Phóng viên: Theo ông, việc ưu tiên xét tuyển đối với học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế chỉ nên dừng lại ở mức nào cho phù hợp?

Giảng viên Đặng Minh Tuấn: Như tôi đã nhấn mạnh, những bạn học giỏi về ngoại ngữ hay sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là các bạn có năng lực nhất định về nghe, nói, đọc, viết, sử dụng ngôn ngữ để phân tích, diễn giải vấn đề. Như vậy, trong xét tuyển đại học hay phổ thông chỉ sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ như là một yếu tố để xét tuyển. Việc đưa yếu tố xét tuyển này cũng phải rõ ràng, ví dụ, nếu xét tuyển ở các lĩnh vực thiên về ngôn ngữ, xã hội… thì những bạn có năng lực ngoại ngữ tốt có thể được cộng thêm điểm.

Nói chung các bạn có năng lực ngoại ngữ, có chứng chỉ quốc tế chỉ nên là một chỉ số xét tuyển chứ không dùng nó là một tấm vé để đạt được mục tiêu là vào được đại học hay chắc một suất học mà đâu đó các bạn khác phải thi rất vất vả mới đạt được điều đó.

(Giảng viên Đặng Minh Tuấn trao đổi trong chương trình 30 phút cùng VOV2)

Phóng viên: Đối với việc dạy và học ngoại ngữ ở phổ thông, học sinh và ngay cả phụ huynh nên tiếp cận sao cho đúng?

Giảng viên Đặng Minh Tuấn: Khi có phong trào học ngoại ngữ, thi các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế - ở góc độ nào đó cũng là một điều tốt. Nó giúp cho cả giáo viên, phụ huynh, học sinh nhận thức ra được tầm quan trọng của ngoại ngữ. Nó là một kênh để tiếp nhận, tiếp thu được nguồn tri thức, một kho thư viện khổng lồ trên thế giới. Ở đây, như tôi nói, ngoại ngữ là phương tiện, một công cụ để tiếp thu kiến thức.

Trong bối cảnh Internet phát triển và sự bùng nổ của mạng xã hội thì việc học ngoại ngữ chưa bao giờ thuận lợi như hiện nay. Phụ huynh nên định hướng các con dùng ngoại ngữ để học môn học khác. Tức là tiếp thu tri thức của thế giới bằng tiếng Anh và đó sẽ là sự phát triển đầy đủ, tạo được phong trào cũng như kích thích sự nâng cao sử dụng ngôn ngữ của chính giáo viên.

Giáo viên cũng phải thay đổi cách giảng dạy cũng như nguồn thông tin tri thức. Nếu chúng ta cùng ý thức sử dụng ngoại ngữ là phương tiện, là công cụ để tiếp cận tri thức thế giới nhanh hơn thì đó là mục tiêu xứng đáng và phong trào đấy rất cần được lan tỏa.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông.