Những con số về nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đang tạo thành "cơn sốt bán dẫn" tại nhiều cơ sở giáo dục Đại học ở Việt Nam, một số trường đã quyết định mở ngành đào tạo vi mạch bán dẫn cho kỳ tuyển sinh năm 2024 với kỳ vọng sẽ cung cấp nhân lực cho ngành công nghệ toàn cầu này. Cần nắm bắt cơ hội này thế nào? Nên chọn phân khúc nào đào tạo để vẫn chớp được cơ hội và tránh lãng phí. Phóng viên VOV2 có cuộc phỏng vấn PGS.TS Hoàng Minh Sơn- Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo về vấn đề này.

Phóng viên: Ông nhìn nhận thế nào về nhu cầu nhân lực ngành công nghệ bán dẫn toàn cầu trong đó có Việt Nam?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Ngành Công nghệ bán dẫn rất rộng gồm nhiều công đoạn từ quy trình nghiên cứu thiết kế chế tạo kiểm thử cũng như ứng dụng nó đc tổ chức tại nhiều nơi trên thế giới cùng sự tham gia của nhiều tập đoàn khác nhau. Hiện nay nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này rất lớn, nhưng câu chuyện dự báo về nguồn nhân lực ở Việt Nam rất khó. Chúng ta có thể hình dung tổng con số nếu cam kết của các tập đoàn lớn nước ngoài đầu tư vào như báo chí đã đưa.

Chính phủ có chủ trương nhưng đó là tổng nhân lực có thể cần cho toàn ngành Công nghiệp bán dẫn trong đó cơ cấu nhân lực rất khác nhau từ trình độ Cao đẳng đến Đại học, thạc sỹ, tiến sỹ. Những ngành đào tạo cũng đa dạng từ kỹ thuật điện tử, khoa học máy tính, những ngành vật lý vật liệu, hoá học và những ngành khác hỗ trợ thêm chứ không chỉ những ngành ta hay nói tới như thiết kế vi mạch Công nghiệp bán dẫn.

Sự khác nhau giữa ngành công nghiệp này với ngành công nghiệp khác ở một số khâu, đòi hỏi những chuyên gia từ khâu chế tạo đến kiểm thử và phần thiết kế vi mạch. Cho nên theo tôi ở Việt Nam có lẽ nhu cầu nhân lực về Thiết kế vi mạch sẽ lớn nhất, việc đào tạo về nghiên cứu cũng đỡ tốn kém hơn chúng ta đi sâu vào nghiên cứu chế tạo vật liệu bán dẫn và chế tạo sản xuất.

Nhưng nhu cầu nhân lực cần ở ngành nào, trình độ nào phụ thuộc nhiều vào sự đầu tư của tập đoàn nước ngoài. Đây là bài toán "con gà quả trứng ", các tập đoàn nước ngoài muốn đầu tư vào phải nhìn thấy nguồn nhân lực có sẵn nhưng để thu hút và đào tạo sinh viên chúng ta cần biết đặt ra chỉ tiêu đào tạo, kế hoạch đào tạo chúng ta phải biết dự báo nhu cầu nguồn nhân lực. Người học cũng phải biết thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của các tập đoàn thế nào? Đây là bài toán rất khó. Cách tiếp cận là chúng ta phải xây dựng những chương trình đào tạo theo những ngành rộng.

Phóng viên: Trong bối cảnh và điều kiện hiện tại của Việt Nam, các trường đại học nên xây dựng chương trình đào tạo như thế nào cho phù hợp để vừa nắm bắt được cơ hội cung cấp nhân lực cho ngành Công nghiệp bán dẫn vừa tránh lãng phí và không rơi vào tình trạng khủng hoảng thừa nhân lực ngành này ?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Vì khả năng dự báo nhu cầu cơ cấu nhân lực theo ngành theo trình độ khó đoán định kể cả trên thế giới và cả ở Việt Nam nhất là Việt Nam phụ thuộc vào sự đầu tư của tập đoàn nước ngoài nên cách tiếp cận hiệu quả là chúng ta phải xây dựng chương trình đào tạo những ngành mang tính ngành rộng, những ngành ví dụ như kỹ sư thiết kế vi mạch hay vị trí cao hơn, nền tảng chính là ngành kỹ thuật điện tử và 1 số ngành gần.

Bên cạnh đó, chúng ta dành thời lượng nhất định đào tạo nâng cao vào những năm cuối cho sinh viên tốt nghiệp vẫn là những ngành Kỹ thuật điện tử, kỹ thuật máy tính, Cơ điện tử, Khoa học máy tính... Như vậy, khả năng thích ứng với công việc của sinh viên sau khi tốt nghiệp rất tốt.

Và chúng ta không ngại đầu tư ít hay đầu tư nhiều vì sau khi tốt nghiệp ngành các tân kỹ sư đều cần lựa chọn những chuyên ngành có trình độ chuyên sâu. Khi các tập đoàn nước ngoài vào đầu tư nhiều và có nhu cầu lớn thì chúng ta có khả năng chuyển đổi, sinh viên tốt nghiệp các ngành gần đó rồi chỉ cần đào tạo chuyên sâu thời gian ngắn là có thể đáp ứng ngay nhu cầu của doanh nghiệp.

Còn lĩnh vực liên quan tới nghiên cứu phát triển, sản xuất nguyên vật liệu bán dẫn, nhu cầu nhân lực nhiều chúng ta cần đầu tư nghiên cứu phát triển ở trình độ cao đặc biệt trình độ thạc sỹ, tiến sỹ. Khi đó cần sự đầu tư hỗ trợ của nhà nước để làm sao vừa đáp ứng nhu cầu nhân lực về thiết kế vi mạch trong thời gian tới đồng thời hướng đến tương lai phát triển bền vững ngành Công nghiệp bán dẫn.

Phóng viên: Nhiều chuyên gia cho rằng ngành Công nghiệp bán dẫn cần nguồn nhân lực trình độ cao, vậy Việt Nam nên chọn phân khúc nào đào tạo cho phù hợp?

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Đấy là bài toán khó vì nhu cầu trong ngành Công nghiệp bán dẫn có nhiều phân khúc từ kỹ thuật viên trình độ Cao đẳng, Đại học, thạc sỹ, tiến sỹ, cơ cấu thế nào rất khó định trước.

Trước hết chúng ta nên đầu tư vào đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch trên cơ sở chuyển đổi các ngành cũng như đào tạo nâng cao, có trường mở ngành mới về thiết kế vi mạch nhưng chỉ 1 số trường làm được với quy mô không nhiều. Cách truyền thống chúng ta vẫn đào tạo các ngành như kỹ thuật điện tử và các ngành khác rồi đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Bên cạnh đội ngũ hàng ngày tham gia thiết kế chúng ta cần có những chuyên gia không chỉ ở trình độ thạc sỹ tiến sĩ mà còn phải đào tạo nâng cao chuyên sâu về những kiến thức, kỹ năng mà yêu cầu trong từng công việc cụ thể. Cái đó không thể đào tạo hết trong nhà trường được.

Chúng ta từ trước tới nay số lượng đào tạo sau đại học về lĩnh vực này còn ít nên cũng cần tập trung vào đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ ngành kỹ thuật điện tử.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!