Theo Báo cáo công bố tháng 2/2022 của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF), mỗi năm có khoảng từ 19 đến 23 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển, trong đó, phần lớn là sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Rác này chiếm tới 60% nguyên nhân gây ô nhiễm đại dương.

Hiện tại, Việt Nam là nước có tỷ lệ rác thải nhựa đại dương cao, cộng với ô nhiễm nguồn nước nên dự kiến Việt Nam thiệt hại 3,5% tổng sản phẩm nội địa (GDP) vào năm 2035, cùng với đó là dự báo biến đổi khí hậu và thiên tai sẽ ảnh hưởng tới 11% GDP của Việt Nam đến năm 2030.

Nhưng chính những thay đổi từ người dân về ý thức, ứng xử với môi trường biển, đặc biệt xử lí rác thải nhựa đã và đang đem lại những ích lợi trông thấy cho việc cải thiện sinh kế của người dân.

Tại Lan Châu, Cửa Lò, Nghệ An, quá trình thay đổi, từ lúc chứng kiến những núi rác gồm cả túi nilon tràn ngập khắp mặt nước, bãi biển đến khi cuộc sống mưu sinh trở nên dễ dàng hơn, du lịch phát triển bằng lượng khách đổ về đông hơn khiến cư dân đảo Lan Châu hiểu hơn giá trị của việc bảo vệ môi trường tác động tích cực tới cuộc sống mưu sinh và chất lượng cuộc sống của chính họ. Và chính điều này trở thành động lực để khu vực biển đảo này ngày một sạch hơn, xanh hơn và giàu có hơn...