Hội thảo “Đổi mới phương pháp dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài” được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, kết nối các chuyên gia trong nước với kiểu bào đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài nhằm mục tiêu tìm ra những phương án hiệu quả nhất trong dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng gần 6 triệu Việt kiều.

Hội thảo có sự tham dự bằng hình thức trực tuyến tại các điểm cầu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ: Lào, Nhật Bản, Đài Loan, Thụy Điển, Phần Lan, Úc, Ba Lan… cho thấy sự đồng hành với Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm lan toả tinh thần đổi mới trong dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Tại Hội thảo, Bà Lê Thị Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, giai đoạn vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để tạo điều kiện thực hiện tốt công tác dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Bộ GD-ĐT cũng đã tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc dạy học tiếng Việt và vận động, khuyến khích bà con động viên con em tham gia tham gia học. Đồng thời, thường xuyên thông tin cho cộng đồng người Việt Nam nước ngoài về các hoạt động hỗ trợ dạy học tiếng Việt nhằm động viên khuyến khích các giáo viên học sinh kiều bào có đóng góp tích cực cho phong trào dạy và học tiếng Việt.

Năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức lễ phát động cuộc thi biên soạn sách tài liệu dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, huy động sự tham gia của đội ngũ trí thức trong và ngoài nước tham gia. Những bộ sách có chất lượng phù hợp với đặc điểm người học nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ ra đời góp phần nâng cao hiệu quả việc dạy học tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Hai bộ sách “Tiếng Việt vui” và “Quê Việt” được số hóa và đưa lên mạng cho phép khai thác, sử dụng miễn phí.

Bên cạnh đó, đại diện Vụ giáo dục Thường xuyên cũng chia sẻ những khó khăn, hạn chế gặp phải trong việc dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài. Có thể kể đến như lực lượng giáo viên không có kinh nghiệm sư phạm, chủ yếu vẫn thực hiện dạy học theo kiểu kiêm nhiệm hoặc tình nguyện viên. Thêm vào đó, mức thu nhập cho công việc dạy học còn chưa tương xứng...

Phát biểu tại điểm cầu Hà Nội, ông Đinh Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thông tin- Văn hóa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao chia sẻ những khó khăn của ngành giáo dục trong việc nỗ lực đẩy mạnh việc dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.

“Hội thảo này sẽ tạo ra một điểm nhấn hết sức quan trọng và nên được tiếp tục duy trì nhằm truyền đạt cũng như trao đổi được những phương pháp dạy học cho giáo viên của chúng ta ở nước ngoài nhằm phù hợp với các quốc gia, các địa bàn người Việt Nam sinh sống khác nhau”, ông Hoàng Linh nhấn mạnh.

Các tham luận từ đại diện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Thái Nguyên gồm “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong dạy học Tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài”; “Tích hợp trải nghiệm văn hóa trong dạy học tiếng Việt cho con em Việt kiều” hay “Vận dụng một số phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực vào dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài” đã đem đến những gợi ý, hướng dẫn cụ thể cho những giáo viên, đại diện kiều bào dự họp trực tuyến có thể tham khảo và ứng dụng trong thực tế dạy học tại nước sở tại.

Ở các đầu cầu thủ đô Viêng Chăn - Lào, Nhật Bản và Đài Loan cũng có những chia sẻ thực tiễn dạy học tiếng Việt cho con em kiều bào. Từ đó cũng có những đề xuất hỗ trợ đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên dạy tiếng Việt.

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 14/QĐ –TTg ngày 06/01/2017 phê duyệt đề án “Nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Ngày 31/12/2021, Chính phủ ra Nghị quyết 169/NQ-CP, ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, chỉ thị số 45-CT/TW và kết luận số 12 KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021-2026. Trong đó có nội dung: "Đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tôn đẹp của dân tộc".