Vừa qua, Đại học Bách khoa Hà Nội đã lập một số tổ công tác gồm các giảng viên – nhà khoa học cùng các sinh viên triển khai một số sản phẩm khoa học công nghệ được nghiên cứu, chế tạo tại Nhà trường, hỗ trợ những địa phương đang gánh chịu thiệt hại vì thiên tai, phục vụ công tác ứng phó và khắc phục hậu quả của bão Yagi và hoàn lưu sau bão số 3 Yagi.
Vừa qua, PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội ký Quyết định Thành lập tổ công tác triển khai nhiệm vụ hỗ trợ các địa phương ứng cứu các vùng bị cô lập do lũ lụt bằng các thiết bị bay không người lái thông minh, camera timelapse giám sát thông minh do Bách khoa Hà Nội nghiên cứu và ứng dụng.
Tổ công tác có nhiệm vụ chuẩn bị các phương tiện kỹ thuật (máy bay, thiết bị bay không người lái, camera giám sát thông minh, người điều khiển), huy động các thiết bị bay của các đối tác nghiên cứu để phục vụ hiệu quả, an toàn theo thực tiễn của địa phương; phân công từ 2 đến 3 tổ kỹ thuật và hậu vận hành các thiết bị công nghệ để triển khai nhiệm vụ.
PGS. Đỗ Trọng Tuấn cùng các sinh viên Khoa Kỹ Thuật Truyền thông, Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội đã có những giờ làm việc, triển khai hệ thống thiết bị sản phẩm mình nghiên cứu tại vùng lũ thôn Diên Lộc, xã Hòa Tiến, huyện Yên Phong và thôn Tân Tiến, xã Cao Đức, huyện Gia Bình của tỉnh Bắc Ninh.
Tại điếm canh đê Cầu Găng, thôn Yên Vĩ, Yên Phong, Bắc Ninh – thiếu thốn cơ sở hạ tầng, thầy trò Bách khoa Hà Nội thiết lập hệ thống trong vòng 35 phút, sau đó 30 phút là có thể kết thúc toàn bộ nhiệm vụ thu thập dữ liệu, hình ảnh hiện trường.
Sau khi lắp đặt thiết bị, giảng viên, sinh viên Bách khoa Hà Nội đã triển khai điều khiển UAV bay quan sát địa hình dọc tuyến điện dẫn vào thôn và quan sát tình hình ngập lụt của khu dân cư thuộc thôn Diên Lộc (bị cô lập do ngập lụt) thuộc xã Hoà Tiến, Yên Phong, Bắc Ninh.
Hình ảnh được truyền về từ UAV đến màn hình (máy tính) độ phân giải cao, thời gian thực kèm thông tin vị trí, tọa độ, khoảng cách đến vị trí điếm canh đê Cầu Găng, thôn Yên Vỹ, Yên Phong, Bắc Ninh phục vụ hiệu quả, kịp thời cho công tác nắm bắt tình hình, khảo sát, đánh giá hiện trạng để đưa ra phương án ứng cứu, luồng hình ảnh được lưu trữ trên máy tính để phục vụ các công tác sau khi quan trắc. Các lực lượng đánh giá tình hình và đưa ra phương án tiếp cận, hỗ trợ cho khu vực bị cô lập thông qua hình ảnh hiện trường được truyền trực tiếp về trung tâm chỉ huy.
PGS. Trương Việt Anh – Trưởng Ban Khoa học - Công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết các sản phẩm khoa học công nghệ của Bách khoa: Quan trắc địa số; Triển khai xây dựng bản đồ 3D, quan sát khu vực rộng… đã góp phần giúp các ban, ngành, địa phương (Bắc Ninh, Thái Nguyên, Yên Bái, Bắc Giang…) trong công tác chỉ đạo, điều hành, cứu nạn cứu hộ và tiếp cận, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho khu vực bị cô lập bởi lũ lụt gây ra.
Đây là hệ thống hệ thống thông tin vô tuyến cơ động phục vụ các công tác thu thập dữ liệu, hiển thị trực quan cho chỉ huy đoàn và hỗ trợ công tác điều hành để nắm bắt thông tin, hiện trạng thực tiễn đồng thời đáp ứng truyền thông tin từ xa đến chỉ huy các cấp cao hơn thông qua kết nối mạng.
Từ các dữ liệu thu thập trên hệ thống, có thể định vị đối tượng cần phải ứng cứu để đưa thiết bị tiếp cận. Cùng đó, dữ liệu thu thập được sau quá trình ứng cứu có thể tạo ra các hình ảnh để xử lý hậu kỳ và thiết lập các bản đồ đánh giá mức độ thiệt hại và các khu vực cần quan tâm khôi phục.
Đây chính là ứng dụng từ đề tài cấp Sở năm 2013 - 2014 về hệ thống cảm biến thiết lập tại các toà nhà cao tầng kết nối trung tâm điều hành cảnh báo sự cố cháy và giúp các lực lượng cứu hộ cứu nạn, phòng cháy chữa cháy khi điều hành các xe chữa cháy. Hiện tại, nghiên cứu được thầy trò Đại học Bách khoa Hà Nội triển khai định hướng tập trung hơn vào điện tử truyền thông và xử lý dữ liệu, nâng cao hơn ở việc xử lý tính toán thông minh, có thể mang lại hiệu quả và đáp ứng được thực tiễn yêu cầu.
PGS. Đỗ Trọng Tuấn cho biết, một trong những ưu điểm được chứng minh trong thực tiễn vùng lũ chính là việc thiết lập hệ thống thiết bị rất cơ động và nhanh chóng, rất thích hợp với công tác cứu hộ, cứu nạn cần nhanh – gấp - vội.
Từ câu chuyện triển khai sản phẩm nghiên cứu khoa học ứng dụng thành công trong thực tiễn các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão Yagi và hoàn lưu sau bão, có thể thấy Đại học Bách khoa Hà Nội đã, đang tăng cường các nghiên cứu ứng dụng để góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn của xã hội, cộng đồng, doanh nghiệp.
Bên cạnh thúc đẩy giảng viên, sinh viên NCKH, Đại học Bách khoa Hà Nội còn chú trọng đào tạo các thế hệ sinh viên ngoài kiến thức chuyên môn còn có trách nhiệm với cộng đồng. Những chuyến đi triển khai sản phẩm nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tiễn cùng các thầy cô là bài học cuộc sống gắn liền với quá trình đào tạo để sinh viên Bách khoa được nâng tầm tư duy, phương pháp thực nghiệm, hình thành kỹ năng làm việc nhóm, xây dựng, thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ.
Mỗi cán bộ, giảng viên, sinh viên Bách khoa Hà Nội luôn ý thức sâu sắc trách nhiệm xã hội, trách nhiệm vì cộng đồng trong mỗi hoạt động của mình, kết nối, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, nhân văn.
* Trước đó, ngày 11/9/2024, hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội đã ủng hộ 200 triệu đồng, chung tay giúp đỡ nhân dân miền Bắc khắc phục hậu quả thiên tai gây ra.