Sáng nay (2/8), tại Đại học Bách khoa Hà Nội diễn ra Lễ Công bố Nghị quyết thành lập và bổ nhiệm các chức vụ quản lý của Trường Kinh tế và 4 Viện nghiên cứu.


Hiện Đại học Bách khoa Hà Nội có: 1 Văn phòng Đại học, 11 Ban, 8 Trung tâm dịch vụ - hỗ trợ, 6 Trường, 5 Viện/Khoa có quản ngành đào tạo và 3 Khoa Đại cương, 10 Viện/Trung tâm nghiên cứu. Đại học Bách khoa Hà Nội đang tiếp tục hành trình về phía trước, tăng tốc với những trọng trách và thời cơ để phát triển mạnh mẽ hơn.

Các Nghị quyết thành lập, tổ chức lại các đơn vị gồm: Trường Kinh tế trên cơ sở tổ chức lại các đơn vị thuộc Viện Kinh tế và Quản lý; Viện Khoa học và Công nghệ sức khỏe trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Điện tử Y sinh học; Viện Công nghệ Điều khiển và Tự động hóa trên cơ sở điều chỉnh tên gọi và tái cơ cấu Viện Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa; Viện Công nghệ Năng lượng trên cơ sở điều chỉnh tên gọi và tái cơ cấu Viện Khoa học và Công nghệ nhiệt lạnh; Viện Nghiên cứu công nghệ Không gian và Dưới nước trên cơ sở phê duyệt Đề án Phát triển Viện Nghiên cứu công nghệ Không gian và Dưới nước.


Việc thành lập Trường Kinh tế (và trước đó là thành lập 5 Trường) của Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những bước đi hoàn thiện cơ cấu đại học với cấu trúc chặt chẽ, hệ thống quản trị, điều hành hiện đại; hoàn thiện chiến lược và định hướng phát triển lâu dài; hoàn thiện lại quy chế tổ chức và hoạt động… hướng tới mô hình đại học - mô hình thích hợp để triển khai cơ cấu đa ngành – theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ GD&ĐT.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội – khẳng định: Từ “Viện Kinh tế và Quản lý” thành “Trường Kinh tế”, không chỉ khác tên gọi mà đã có sự khác biệt lớn, thể hiện một sự lựa chọn mô hình phát triển phù hợp, thể hiện khát vọng vươn lên, khát vọng đổi mới.

Đại học Bách khoa Hà Nội xác định phát triển đa ngành, đa lĩnh vực nhưng vẫn luôn lấy công nghệ và kỹ thuật làm nòng cốt. Tập thể lãnh đạo Đại học kỳ vọng vị trí của Trường Kinh tế trong con tàu Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tạo mô hình liên kết tốt nhất, là một thể thống nhất vững chắc nhất, đóng góp tốt nhất cho sự phát triển chung. Trường Kinh tế trong giai đoạn tới cần “lột xác để phát triển” để vẫn giữ được bản sắc, truyền thống, nhưng phải định vị được vị trí của mình trong Bản đồ đào tạo và Bản đồ Công nghệ của Đại học Bách khoa Hà Nội để phát triển mạnh mẽ.

“Tôi tin tưởng và mong muốn mỗi thầy cô, mỗi cán bộ Trường Kinh tế với tinh thần Trách nhiệm, với sự Sáng tạo, với sự Chính trực và năng lực Xuất sắc của mình, sẽ làm việc hết mình để phát triển Trường Kinh tế, đáp ứng sự kỳ vọng” – PGS. Huỳnh Quyết Thắng bày tỏ niềm tin và đồng thời giao nhiệm vụ tới tập thể lãnh đạo, cán bộ, giảng viên Trường Kinh tế.

Đại học Bách khoa Hà Nội đặt mục tiêu trở thành một trung tâm đào tạo tài năng, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo xuất sắc, đứng đầu trong nước, là hạt nhân mạng lưới cơ sở giáo dục đại học trọng điểm về khoa học công nghệ; với nòng cốt là kỹ thuật và công nghệ, thu hút đầu tư và phát triển công nghệ cao, tạo động lực quan trọng cho phát triển Thủ đô Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Nhận nhiệm vụ từ lãnh đạo Đại học BKHN, Trưởng các đơn vị nhận quyết định bổ nhiệm: PGS. Nguyễn Danh Nguyên – Hiệu trưởng Trường Kinh tế và PGS. Trương Quốc Phong – Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Sức khỏe đã bày tỏ quyết tâm nêu cao tinh thần đoàn kết, cùng tập thể Trường, Viện hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp công sức vào kết quả chung của toàn Đại học.

Với 6 Trường thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội gồm: Cơ khí, Điện - Điện tử, Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Hóa và Khoa học sự sống, Vật liệu, Kinh tế, cơ cấu tổ chức, bộ máy vận hành của Đại học Bách khoa Hà Nội được tối ưu theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phân cấp mạnh các mặt hoạt động cho các đơn vị chuyên môn; quản trị, điều hành tập trung theo chiến lược và các quy chế, quy định chung do Đại học Bách khoa Hà Nội ban hành, người học được cấp bằng duy nhất của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Một số hinh ảnh tại buổi Lễ công bố thành lập trường , Viện :