Dự báo điểm chuẩn ngành hot khối Sức khỏe

Kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 môn Sinh học của cả nước cho thấy có 322.200 thí sinh tham gia làm bài thi Sinh học, trong đó điểm trung bình là 5.02 điểm, điểm trung vị là 4.75 điểm, điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4.5 điểm. Đáng chú ý, môn Sinh năm nay chỉ có 5 bài thi điểm 10, giảm hơn 116 lần so với năm 2021 (582 bài thi).

Số lượng điểm cao môn Sinh giảm sẽ tác động như thế nào đến điểm trúng tuyển theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022?

Trao đổi với PV VOV2, PGS.TS Lê Đình Tùng, Phòng Quản lý đào tạo – Trường ĐH Y Hà Nội nhận định, với các trường, các ngành tuyển sinh theo ngưỡng điểm cao như Y khoa, Răng Hàm Mặt của Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Y dược TPHCM, tổng chỉ tiêu không thay đổi so với các năm trước. Trong khi tổng điểm 3 môn Toán - Hóa - Sinh cho thấy, với thí sinh có tổng 3 môn điểm cao, ví dụ trên 29 điểm chỉ có 4 thí sinh, trên 28 điểm, 27.5 điểm chỉ có khoảng 700 em.

Do vậy, ông Tùng nhận định điểm trúng tuyển năm nay nhiều khả năng thấp hơn một chút so với điểm trúng tuyển các năm 2020 và 2021.

Cơ hội cho nào cho thí sinh xét tuyển theo phương thức điểm thi tốt nghiệp?

Năm nay, Chỉ tiêu Ngành Y khoa của ĐH Y Hà Nội là 400 cho cơ sở đào tạo Hà Nội, 100 tại cơ sở Thanh Hóa. Hiện nay, đã có 123 thí sinh trúng tuyển đại học chính quy diện tuyển thẳng và xét tuyển thẳng vào trường năm 2022.

Như vậy, thí sinh trúng tuyển diện tuyển thẳng ngành Y khoa phân hiệu Thanh Hóa gần như đủ chỉ tiêu (14 hồ sơ), ngành Y khoa tại cơ sở chính có 99 hồ sơ.

“Chúng tôi vẫn thực hiện đúng chỉ tiêu cam kết. Tức là 80 chỉ tiêu dành cho tuyển sinh kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ, 220 chỉ tiêu dành cho tuyển sinh dựa vào kết quả thi THPT và 100 chỉ tiêu tuyển thẳng xét tuyển thẳng thí sinh có kết quả tại Kỳ thi HSG quốc gia và quốc tế”.

Năm nay, bằng việc tuyển thẳng cả giải Nhì thi chọn HSG Quốc gia nhiều môn, số thí sinh tuyển thẳng vào Y Khoa của Trường ĐH Y Hà Nội đã lên tới hơn 100 thí sinh. Nhiều ý kiến cho rằng, cơ hội cho các bạn thi bằng điểm “trần” ngày càng khó khăn.

Trước băn khoăn này, PGS.TS Lê Đình Tùng cho rằng, mặc dù chỉ tiêu tuyển thẳng áp dụng hằng năm nhưng số SV trúng tuyển diện tuyển thẳng đăng ký nhập học ở ĐH Y Hà Nội thường chỉ cỡ 50-60%. Thậm chí ngành Răng- Hàm-Mặt có 20 chỉ tiêu tuyển thẳng chỉ có 3 hồ sơ, các hồ sơ không dùng tuyển thẳng sẽ sử dụng cho tuyển sinh theo kết quả thi tốt nghiệp.

Tuy vậy, điểm mới trong xét tuyển năm nay là tất cả các phương thức sẽ được lọc ảo chung trên cùng một hệ thống của Bộ GD&ĐT. Do đó, ông Tùng khẳng định, trước đây diện tuyển thẳng đã có danh sách và chắc chắn nhập học song năm nay những thí sinh đã trúng tuyển thẳng nhưng sau khi có kết quả thi tốt nghiệp vẫn có quyền không sử dụng tuyển thẳng để đăng ký vào những ngành các em yêu thích hơn.

“Ví dụ, chúng tôi đã có những em trúng tuyển ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học nhưng sau khi biết điểm thi tốt nghiệp cao, các em có quyền từ chối tuyển thẳng để đăng ký vào nguyện vọng cao hơn theo kết quả điểm thi vừa công bố 0h ngày 24/7.”

Chất lượng SV trúng tuyển theo điểm thi tốt nghiệp vẫn đáp ứng yêu cầu

Ông Tùng cho biết, trường ĐH Y Hà Nội chưa áp dụng phương thức xét tuyển dựa vào học bạ mà vẫn dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. “Với kết quả thi tốt nghiệp tương đối ổn định nhiều năm trở lại đây, đề thi có tính phân loại, nhà trường đánh giá chất lượng đào tạo, kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển vào trường bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp không giảm, không khác biệt gì so với các phương thức xét tuyển khác”.

Hiện nay, nhiều trường ĐH thu hẹp chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức kết quả điểm thi tốt nghiệp, thậm chí có trường tiến tới không sử dụng phương thức này trong tuyển sinh. Với trường ĐH Y Hà Nội, PGS.TS Lê Đình Tùng khẳng định, “đã có nhiều đề xuất nhưng chúng tôi cần phân tích thêm kết quả trong học tập sinh viên trúng tuyển vào trường theo các phương thức khác nhau. Trên cơ sở đó theo dõi 5-10 năm mới đề xuất giải pháp phù hợp".

Trong thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển sắp tới, PGS.TS Lê Đình Tùng cho rằng, thí sinh cần căn cứ vào phổ điểm, điểm trúng tuyển của 2 năm liền kề, căn cứ kết quả ngưỡng điểm của tổ hợp B00 để chọn nguyện vọng 1 phù hợp với kỳ vọng của mình.

“Thí sinh cần xác định được mong muốn học ngành nào? Mong muốn ngành hay trường. Nếu muốn học Y khoa thì nếu không vào được Y Hà Nội hay Y Dược TPHCM thì có thể chọn Y khoa của các trường khác phù hợp với điểm của mình.

Còn muốn học ở trường đảm bảo chất lượng, có truyền thống, có giá trị thương hiệu để đảm bảo cơ hội việc làm thì cân nhắc”, PGS.TS Lê Đình Tùng lưu ý.

Năm 2022, Trường ĐH Y Hà Nội tuyển sinh theo 3 phương thức, xét tuyển thẳng, dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét kết hợp điểm thi với chứng chỉ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp quốc tế.

Với phương thức dựa vào kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 với tổ hợp truyền thống B00, riêng Y khoa áp dụng kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Trong đó thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế điểm Ielts 6.0 trở lên hoặc tương đương hoặc B2 tiếng Pháp. Hiện trường đã nhận được 244 hồ sơ xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế.

Với phương thức tuyển thẳng năm nay trường ĐH Y Hà Nội có một số thay đổi. Ngành BS Răng Hàm Mặt và Y khoa có tuyển thẳng thí sinh đạt giải Nhì trở lên các môn Toán, Hóa, Sinh, Vật Lý, Ngoại Ngữ - Tiếng Anh. Phân hiệu cũng xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ. Chỉ tiêu dành cho xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ đang áp dụng hiện nay là 20% so với tổng chỉ tiêu. Như vậy, tại Hà Nội có 80 chỉ tiêu dành cho xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ, còn phân hiệu dành 20 chỉ tiêu.

Năm 2022, trường ĐH Y Hà Nội chỉ đào tạo ngành Điều dưỡng theo chương trình tiên tiến tại Hà Nội, còn chương trình điều dưỡng đào tạo theo chương trình chuẩn, dựa theo năng lực được đào tạo tại phân hiệu Thanh Hóa.