Điểm trúng tuyển có xu hướng tăng nhẹ
Dựa vào phổ điểm tổ hợp B00 gồm: Toán, Hóa, Sinh (tổ hợp chính dùng để xét tuyển các ngành của Trường ĐH Y Hà Nội năm 2024) cùng với số lượng thí sinh đạt điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ở tổ hợp này cao hơn so với năm 2023, PGS.TS Lê Đình Tùng, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Y Hà Nội dự đoán điểm trúng tuyển theo phương thức thi tốt nghiệp có xu hướng tăng nhẹ.
Trong đó, một số ngành nhóm cao hơn như Y Khoa, Răng hàm mặt, Khúc xạ nhãn khoa, Kỹ thuật xét nghiệm y học có mức độ tăng nhiều hơn so với ngành ở nhóm dưới.
Theo ông Tùng, số thí sinh đạt điểm 28,5 trở lên (chưa cộng điểm ưu tiên) là hơn 310. Do vậy, dự báo điểm trúng tuyển ngành tốp trên như Y khoa và Răng Hàm Mặt sẽ tăng so với năm ngoái.
Một nguyên nhân nữa khiến điểm chuẩn của Trường Đại học Y Hà Nội có thể tăng nhẹ là năm nay trường Đại học Y Hà Nội tăng chỉ tiêu xét tuyển kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế lên 40%. Điều đó đồng nghĩa với chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 còn 60 % (giảm 20%) nên mức độ cạnh tranh khi xét tuyển theo phương thức này tăng lên.
Mức điểm nào cho ngành mới Tâm lý học?
Trước đó, Trường Đại học Y Hà Nội đã công bố danh sách 178 thí sinh trúng tuyển thẳng. Hiện có 20 thí sinh được tuyển thẳng vào ngành Tâm lý học - ngành mới có tuyển cả tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa).
Ông Tùng cho biết, tỉ lệ xác nhận nhập học đối với thí sinh trúng tuyển thẳng vào trường thường chiếm khoảng 75% danh sách công bố trúng tuyển. Do số chỉ tiêu ít (60 chỉ tiêu) nên số chỉ tiêu còn lại chỉ khoảng 40-45 em cho 3 tổ hợp B00, C00 và D01. Qua phân tích phổ điểm các tổ hợp này cũng cao hơn năm trước. Vì vậy, PGS.TS Lê Đình Tùng dự đoán điểm chuẩn vào ngành Tâm lý học của ĐH Y Hà Nội cũng sẽ ở mức cao, tương đương với các trường đang đào tạo ngành này. Năm ngoái, điểm trúng tuyển vào ngành Tâm lý học của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội là 28 điểm.
Một số điểm thú vị khi lần đầu tuyển sinh tổ hợp C00 vào Trường ĐH Y Hà Nội theo PGS.TS Lê Đình Tùng đó là đáp ứng được nguyện vọng của thí sinh học Khoa học xã hội.
“Lâu nay trên thực tế, các môn ở tổ hợp Khoa học xã hội khó tiếp cận với các lĩnh vực đào tạo của Đại học Y Hà Nội thì năm nay lần đầu tiên các em tiếp cận các ngành đào tạo của nhà trường. Chúng tôi có thêm phần trải nghiệm cơ hội, đánh giá, so sánh học tập các em thuộc phân ban khác nhau như Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội ở bậc phổ thông. Học Y khoa với những người giỏi văn không có nghĩa là kém tư duy logic, khoa học sự sống mà quan trọng là dành ưu tiên cho môn nào nhiều hơn mà thôi”, ông Tùng nói.
Đáng chú ý, thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 có điểm cao ở tổ hợp D01 và C00 rất quan tâm đến ngành Tâm lý học của nhà trường. Cũng cần khẳng định, ngành Tâm lý học cấp bằng cử nhân, thời gian đào tạo 4 năm nhưng để trở thành bác sĩ chuyên tâm lý học còn phải học nhiều.
Đưa ra lời khuyên cho thí sinh vào thời điểm này, PGS.TS Lê Đình Tùng tư vấn thí sinh căn cứ kết quả, lựa chọn tổ hợp phù hợp nhất, lựa chọn đúng ngành, đúng trường mình mong muốn được học. Bởi vì môi trường học tập, điều kiện đảm bảo chất lượng dạy học và uy tín của các trường ĐH đóng vai trò quan trọng đối với vị trí việc làm, cơ hội học tập, phát triển sau khi tốt nghiệp.
Năm nay, Trường ĐH Y Hà Nội tuyển 1.720 chỉ tiêu, tăng 350 chỉ tiêu so với năm ngoái. Trường mở thêm 3 ngành đào tạo mới: Kỹ thuật phục hình răng, Tâm lý học và Hộ sinh.
Trước đó, Bộ GD-ĐT đã công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào 2024. Theo đó, nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, ngưỡng đảm bảo chất lượng ngành Y khoa và Răng - Hàm - Mặt là 22,5 điểm; ngành Dược học và Y học cổ truyền là 21 điểm; các ngành Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào 19 điểm./.