Giáo dục lịch sử địa phương từ những điều gần gũi nhất.
Nhạc kịch: “Hà Nội của ta- Một thời đạn bom, một thời hòa bình” được chọn làm chương trình trải nghiệm: “Thiêng liêng dưới cờ tổ quốc” tháng 10 tại trường Tiểu học, THCS & THPT Thực Nghiệm Khoa học Giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam. Kể lại câu chuyện giai đoạn lịch sử đặc biệt của Thủ đô bằng nhạc kịch, thể loại nghệ thuật còn mới nhưng có sức hấp dẫn, lôi cuốn đặc biệt với thế hệ trẻ.
Cô giáo Trần Thị Yến, chủ nhiệm 12B cho biết từ lúc xây dựng ý tưởng, tập luyện đến biểu diễn chỉ gói gọn trong 3 buổi. Nhưng cũng theo cô Yến, đây được xem như sự đúc kết 3 năm cô trò cùng nhau trải qua những giờ học giáo dục địa phương, cụ thể bằng việc cùng tìm hiểu những nét đẹp, những giá trị văn hóa truyền thống, những ngõ phố, con đường của Hà Nội.
Học sinh cô Yến chủ nhiệm là 2k7, lứa đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, lần đầu tiên học phân môn Giáo dục địa phương. Bản thân cô Yến khi bắt đầu dạy Giáo dục địa phương cũng gặp nhiều khó khăn.
“Môn giáo dục địa phương cùng lúc gắn với 3 tổ chuyên môn khác nhau, cả tổ Văn; tổ Sử-Địa và Giáo dục công dân với 35 tiết. Khi phân chia ra thì hệ thống nội dung không xuyên suốt, mạch lạc rồi khó về kiểm tra, đánh giá khi một môn học nhiều tổ bộ môn tham gia. Vậy là chúng tôi phải ngồi lại với nhau, thống nhất việc lồng ghép, linh hoạt trong từng nội dung của từng tổ chuyên môn khi hướng dẫn và đồng hành cùng học sinh”, cô Trần Yến chia sẻ hành trình làm quen và giảng dạy môn học mới từ những ngày đầu.
Vận dụng tư duy tích hợp, làm việc nhóm giữa các tổ chuyên môn để dần hình thành phương thức dạy “Giáo dục địa phương”, cụ thể hóa bằng những kiến thức về Hà Nội theo những cách sáng tạo, hấp dẫn, lôi cuốn, hướng tới việc tạo nền cho học sinh hình thành lượng kiến thức đầy đặn, tình yêu với lịch sử, sự am tường về địa lý. “Hà Nội của ta- Một thời đạn bom, một thời hòa bình” được xem như sản phẩm cụ thể của cả quá trình.
Đỗ Thị Diễm Hằng, học sinh lớp 12B, trực tiếp tham gia cùng giáo viên chủ nhiệm và các bạn xây dựng kịch bản, tham gia dàn dựng và biểu diễn nhạc kịch lần này. Hằng cho biết đây là một trong rất nhiều trải nghiệm học tập giáo dục địa phương em và các bạn đã được thực hành trong suốt 3 năm THPT.
“Nhờ môn Giáo dục địa phương, bọn con được tiếp xúc với những gì tưởng thân quen, gần gũi ngay ở nơi gia đình sinh sống, xung quanh trường học, con đường tới trường, những cảnh đẹp của Thủ đô, nhưng vì hằng ngày bận rộn đều lướt qua”, cô nữ sinh lớp 12 chia sẻ.
Để có được chương trình nhạc kịch về Hà Nội cho chương trình “Thiêng liêng dưới cờ tổ quốc” diễn vào dịp tháng 10 này, học sinh 2k7 của nhà trường đã trải qua nhưng buổi cùng khám phá các di tích lịch sử, tham quan làng nghề, trò chuyện cùng nghệ nhân trước đó... Hà Nội học theo một cách nào đó đã ngấm, đã thấm và đã trở thành một phần của mỗi học sinh theo một cách tự nhiên nhất.
Cô giáo Lê Thị Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp 11D chia sẻ khi dạy phân môn Giáo dục địa phương, dù chưa nhiều kinh nghiệm nhưng bản thân cô Nhung cho rằng việc sử dụng kiến thức lịch sử sáng tạo trong dạy học về Hà Nội học đã đem lại nhiều giá trị cho thầy và trò, và khi thấy học sinh tự khám phá trong sự phấn khích, bản thân người dạy cũng được truyền cảm hứng, thêm niềm vui làm nghề.
Là trường công lập thuộc Viện Khoa học giáo dục Việt Nam với đủ 3 cấp học phổ thông nên triển khai chương trình Giáo dục mới 2018 nói chung, phân môn giáo dục địa phương nói riêng, cụ thể những kiến thức về Hà Nội theo cô Phan Huyền Trang, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học, THCS và THPT Thực nghiệm có nhiều điều kiện tạo nên tính liên thông, liền mạch. Bên cạnh những hỗ trợ từ ngành giáo dục Thủ đô, giáo viên ba cấp của nhà trường có những buổi họp trao đổi kinh nghiệm nhằm tránh chồng chéo, đồng thời bổ sung những ý tưởng mới, phù hợp từng cấp học, từng độ tuổi của học sinh.
Chương trình tập huấn cho giáo viên toàn thành phố Hà Nội cũng đã hỗ trợ thầy cô dạy tốt nội dung Hà Nội học trong môn Giáo dục địa phương. Tuy nhiên, theo cô Huyền Trang, giáo viên cần thực sự làm việc, thực sự khám phá và dám thử những điều mới mẻ hơn nữa.
“Sự sáng tạo của giáo viên đóng vai trò rất quan trọng thúc đẩy sự sáng tạo của chính các em học sinh. Đặc thù của học sinh thực nghiệm nằm ở sự tự tin, khả năng tự đào sâu vào một số chủ đề hay những dự án học tập mà giáo viên giao cho. Những nội dung về Hà Nội đã được các con chủ động xây dựng những sản phẩm khác nhau. Có nhóm làm clip, có nhóm đóng kịch, nhóm khác vẽ tranh…Về lâu về dài, có thể gom lại tất cả các sản phẩm đó tạo nên một không gian trưng bày giống như một cách ghi nhận sự sáng tạo của học sinh”, cô Huyền Trang chia sẻ thêm.
Dạy Hà Nội học, giáo viên đừng cố gắng giảng giải, trình bày quá nhiều
Giáo dục địa phương thuộc nhóm những môn học mới của chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 nhằm giúp học sinh có thêm kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lý cũng như cập nhật thông tin về tình hình kinh tế, xã hội của địa phương. Hà Nội với những đặc thù riêng, giữ vai trò Thủ đô của cả nước với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa quyết định lựa chọn “Hà Nội học” sẽ trở thành nội dung giảng dạy giáo dục địa phương cho tất cả các nhà trường trên địa bàn thành phố. GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, chủ biên giáo trình “Hà Nội học” chia sẻ niềm vui, xúc động và hạnh phúc này trong một cuộc trò chuyện gần đây với phóng viên VOV2.
GS Quang Ngọc cho biết, bản thân ông có duyên may khi vào học khoa Sử trường đại học Tổng hợp Hà Nội đã được người thầy của mình, GS Trần Quốc Vượng dặn dò các lớp sinh viên về việc “ăn cơm Hà Nội, uống nước Hà Nội phải trả nợ nguồn cho Hà Nội”. Đó được xem như động lực giúp GS Quang Ngọc từ sớm đã định hướng nghiên cứu lịch sử-văn hóa Thủ đô.
“Cá nhân tôi nghĩ nghiên cứu mà không gắn với đào tạo thì tất cả sẽ cứ chấp chới ở đâu đấy, không thể đi vào cuộc sống. Thế nên ngay từ đầu chúng tôi mong ước gắn nghiên cứu với đào tạo nên đã hợp tác để xây dựng giáo trình về Hà Nội học. Có một số người lúc đầu nghe đến “Hà Nội học” đều băn khoăn và cho rằng cao siêu quá, học sinh phổ thông không thể học được. Nhưng thực tế thì cũng như các ngành học khác, có những điểm căn cốt cần phải học nhưng tùy từng đối tượng, khả năng nhận thức của người học để triển khai thành những bài giảng phù hợp”.
Lấy ví dụ nội dung dạy về “Hà Nội- thành phố vì hòa bình”, GS Quang Ngọc cho rằng với học sinh phổ thông, khi đưa các em đến Hồ Gươm, giáo viên có thể kể lại câu chuyện về Lê Lợi trả gươm sau khi chiến thắng giặc Minh như một minh chứng về mong ước hòa bình. Giáo viên dạy “Giáo dục địa phương” nói chung, “Hà Nội học” nói riêng hiện đang thực hiện theo phương thức kiêm nhiệm và thường do giáo viên chủ nhiệm phụ trách. Điều này theo GS Quang Ngọc hoàn toàn không khó khăn nếu giáo viên các tổ bộ môn biết kết hợp cùng nhau nhằm đưa ra khung nội dung để từ đó có những sáng tạo phù hợp thực tế từng khu vực, từng địa bàn của từng nhà trường.
“Dạy Hà Nội học đòi hỏi cái tài, cái tâm của người thầy. Chúng ta đừng đóng khung từng nội dung giảng dạy cụ thể áp dụng cho tất cả các đối tượng khác nhau rồi tạo thành những bài ghi, bài nói, trình bày trên lớp. Nói thật là cách làm đó đến chúng tôi cũng không thể ngồi nghe, đừng nói là các em học sinh”, GS Quang Ngọc phân tích.
Trong dịp Thủ đô kỉ niệm 70 năm giải phóng (10/10/1954-10/10/2024), GS Quang Ngọc cho rằng cũng nên xem như cơ hội quý để có những sáng tạo trong việc dạy “Hà Nội học” cho các em học sinh thêm hiểu, thêm yêu thành phố nơi các em và gia đình sinh sống, gắn bó.
Mời các bạn bấm nút nghe nội dung: