Bạn trẻ đầu tư cho bản thân để thích ứng linh hoạt hơn trong thời đại mới
Với chi phí 15 triệu đồng và thời gian trong 4 tháng, Hồng Anh, sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương đã “đầu tư” cho tương lai của mình bắt đầu từ việc học bằng lái xe ô tô. Theo Hồng Anh, người trẻ càng ngày càng độc lập, biết lái xe ô tô có thể chủ động, linh hoạt khi cần di chuyển và một số cơ quan, doanh nghiệp cũng ưu tiên ứng viên biết lái xe.
Còn Vũ Hiếu, sinh viên năm thứ tư trường Đại Học Công nghiệp lại dành ra tới 6 tháng để học tập và ôn luyện CFA – một chứng chỉ nghề nghiệp toàn cầu về lĩnh vực tài chính. Dù phải bỏ ra khá nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc nhưng Hiếu tin rằng đây là khoản đầu tư giúp em gia tăng lợi thế cho con đường sự nghiệp sau này.
“Chứng chỉ quốc tế là một cơ hội để có thể gia nhập được vào các tập đoàn đa quốc gia. Ngoài ra em cũng tiếp xúc được với rất nhiều các anh chị đã thành công trong cái sự nghiệp, có rất là nhiều kinh nghiệm. Từ đó, em còn học hỏi được những kinh nghiệm sâu sắc ngoài kiến thức trong lĩnh vực mà chứng chỉ đó đem lại”, Vụ Hiếu chia sẻ.
Dắt lưng thêm một vài chứng chỉ bên cạnh bằng đại học là lựa chọn phổ biến của nhiều sinh viên hiện nay, trong đó có Cao Trung, sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân. Sau khi sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh Ielts 7.0, Trung đã quyết định học thêm chứng chỉ tin học quốc tế MOS và cả một ngôn ngữ nữa là tiếng Trung.
Đầu tư cho bản thân khi còn đang ngồi trên ghế giảng đường chính là cách nhiều bạn trẻ lựa chọn để gia tăng khả năng thích ứng với các yêu cầu của thị trường lao động trong thời đại mới.
Theo Th.sỹ Bùi Thanh Xuân, Viện Khoa học giáo dục VN, việc các bạn trẻ đầu tư cho bản thân có rất nhiều lợi ích. Thứ nhất, mang lại sự tự tin và hài lòng khi có thêm những kỹ năng mới, những năng lực mới. Thứ hai, tạo nên một profile, hồ sơ cá nhân đẹp, dễ dàng đi xin việc và có thu nhập tương xứng. Khi có nhiều kỹ năng, kiến thức, các bạn trẻ sẽ hòa nhập tốt hơn với môi trường đa dạng toàn cầu.
PSG.TS Phạm Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Đào tạo Bồi dưỡng, Đại học Giáo dục, Đại học quốc gia Hà Nội cũng cho rằng trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng khắt khe, việc học tập thêm những chứng chỉ, kỹ năng là một điều cần thiết và quan trọng.
Kể cả các bạn có thể tốt nghiệp ở trường đại học top đầu trên thế giới thì việc ra trường làm việc cũng vẫn phải có quá trình học hỏi thêm kỹ năng cũng như là các chuyên môn, nghiệp vụ. Đó là một trong những điều kiện rất là quan trọng để mỗi một cá nhân thích ứng được với cái yêu cầu của vị trí việc làm cũng như là của thị trường, PGS.TS Phạm Mạnh Hà nhấn mạnh.
Đầu tư gì cho bản thân để mang lại lợi ích lâu dài?
Theo Th.sỹ Bùi Thanh Xuân, đầu tư quan trọng nhất là đầu tư cho sức khỏe. Các bạn trẻ thường cho rằng mình trẻ nên coi sức khỏe mặc nhiên là cái có sẵn và không thấy nó quan trọng. Tuy nhiên, không có sức khỏe thì tất cả mọi thứ khác đều vô nghĩa. Đầu tư cho sức khỏe phải rất kiên trì, cần một sự kiên nhẫn và một quan niệm đúng, một cái thái độ tôn trọng cơ thể của mình.
Tiếp theo là đầu tư cho giá trị của bản thân như những kỹ năng, năng lực cụ thể. Bên cạnh đó, Th.sỹ Thanh Xuân nhấn mạnh “Ngoài việc có thêm những bằng cấp chứng chỉ nọ kia thì một điều cũng rất quan trọng, đó là chúng ta cũng phải rèn luyện những phẩm chất, những tính cách tốt, những thói quen tốt, lối sống lành mạnh để trở thành những con người mà chúng ta đi đến đâu cũng sẽ được tôn trọng và cũng sẽ hòa nhập tốt.”
Thứ ba là nên đầu tư cho ngoại hình. Khi ngoại hình chỉn chu sẽ giúp chúng ta tự tin hơn và khi đó sẽ có xu hướng làm tốt mọi việc và có thêm động lực để làm việc, để mà tham gia các nhóm hoặc gia nhập các cộng đồng.
Thứ tư, đầu tư cho đam mê. Nếu làm những việc mà bạn đam mê bạn sẽ luôn thấy vui và làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn. Khi có đam mê bạn sẽ có thêm những người mà cùng chung sở thích, đam mê đấy. Tuy vậy sẽ tốt hơn nữa nếu như đam mê đó trùng với mục tiêu học hành, trùng với sở thích công việc hoặc là trùng với những công việc có ý nghĩa đóng góp cho cộng đồng xã hội như làm việc thiện nguyện.
Đầu tư vào tài chính cá nhân cũng là một trong những cách đầu tư các bạn trẻ nên suy nghĩ. Th.sỹ Thanh Xuân khẳng định, các bạn trẻ cần có tư duy về tài chính cá nhân từ càng sớm càng tốt và đầu tư vào sự hiểu biết, hiểu về tiền, hiểu về sự vận động của đồng tiền càng sớm càng tốt.
PSG. TS Phạm Mạnh Hà cũng lưu ý các bạn trẻ khi đầu tư cho bản thân: "Nếu chúng ta không tỉnh táo thì các bạn trẻ rất là dễ dàng, tiền mất tật mang hoặc là nó không có hiệu quả hoặc là nó sẽ mất thời gian và lãng phí.
PGS.TS Phạm Mạnh Hà khuyên các bạn trẻ phải tìm hiểu thật kỹ lĩnh vực mà chúng ta muốn theo đuổi, soi lại xem là bản thân mình đang thiếu những kỹ năng gì, thiếu những chuyên môn gì. Lúc đó mới đi học những cái thứ để bù đắp lại những thiếu hụt mà ở trường đại học người ta chưa trang bị, như thế sẽ đỡ đi nhiều các chi phí và thời gian học tập.
Thị trường lao động, yêu cầu công việc luôn thay đổi theo cái thời gian, trong khi đó chương trình đào tạo tại các bậc đại học, cao đẳng thường mang tính ổn định. Đầu tư cho bản thân, khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường là cơ hội giúp nâng cao kiến thức, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, gia tăng khả năng thích ứng với các yêu cầu của thời đại.
Đầu tư cho năng lực, kỹ năng, phẩm chất để gia tăng giá trị cho bản thân mình, đó chính là các bạn đã có được trong tay một số vốn chắc chắn để vững vàng hướng đến tương lai.
Nghe chương trình ở đây: