Kỳ nghỉ hè này thật đặc biệt với cháu Nguyễn Minh Đức học sinh lớp 8 của một trường THCS thuộc quận Long Biên. Từ cuối tháng 4, cũng như bao bạn khác, Đức chỉ học online mà không đến lớp học trực tiếp. Sợ con ở nhà sa đà vào các trò chơi điện tử hoặc mải mê với TV, mẹ Đức đã đăng ký cho con học lớp tiếng anh, toán… online. Với cậu bé đang tuổi mải chơi, hình thức học này dường như không phát huy tác dụng bởi như Đức, khi học online, em chỉ bật máy tính, mở màn hình máy tính để đấy rồi dành thời gian chơi điện tử, làm việc riêng, chat với bạn bẻ, thậm chí là ngủ gật bởi học online không dễ tiếp thu, dễ mất tập trung hơn học trực tiếp.

Giống như mẹ Đức, vì lo nghỉ hè nhiều sợ con quên kiến thức, chị Đỗ Thị Nhung ở quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội đã đăng ký cho con lớp học toán, tiếng anh online, ngoài ra, chị cũng đăng ký cho thêm một lớp học nấu ăn cũng qua một trang điện tử trên mạng. Dù thời gian học chưa nhiều, mỗi giờ học online, bé Phương Vy – hiện đang học lớp 4, con của chị Nhung dường như rất “hào hứng” vì vừa học vừa được chơi game, nhắn tin với bạn. Mặc dù thích nấu ăn nhưng khi được hỏi về kiến thức thu nạp được sau các buổi học kỹ năng nấu ăn online, Phương Vy cho rằng, em rất chán vì chẳng thu được kiến thức gì. Nhìn thấy sự chán nản của con qua những giờ học gián tiếp, chị Nhung cảm thấy hối tiếc vì số tiền đóng cho những khóa học đó của con không phải là ít.

Nếu như chị Nhung và một số em học sinh cho rằng, việc học online không phát huy tác dụng, thì em Thanh Tâm, học sinh lớp 10A1, trường THPT Lý Thường Kiệt, quận Long Biên, Hà Nội lại thấy, học online rất tốt. Tâm cho rằng, để học online thu được kết quả, bên cạnh người học phải có sự tự giác cao. Cùng với đó, giáo viên phải tâm huyết và có cách dạy cuốn hút thì mới khiến học sinh chú ý vào bài học và không gây nhàm chán.

Dưới góc nhìn của một nhà sư phạm, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục - Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại khiến cho kế hoạch học tập, vui chơi trong hè của trẻ đều bị đảo lộn. Trẻ vì vậy không thể tham gia sinh hoạt tại các trung tâm, nhà văn hóa hay học các khóa kỹ năng sống, các chương trình dã ngoại như những kỳ nghỉ hè trước. Vì vậy, các khóa học online đã nhanh chóng ra đời, đáp ứng nhu cầu đa dạng, phong phú của phụ huynh học sinh. Một loạt các khóa học online đang thi nhau nở rộ đến mức phụ huynh hoa mắt chóng mặt không biết phải chọn cái nào bởi trong số đó có rất nhiều nơi chứa nguy cơ lừa đảo và chất lượng giảng dạy không hề đảm bảo.

PGS.TS Trần Thành Nam cũng nhìn nhận: Việc học online có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào độ tuổi của các em, ví dụ ở bậc tiểu học, khi học online phải có người lớn kèm cặp, hướng dẫn. Những tuổi lớn hơn còn phụ thuộc vào kỹ năng đã có ở thời điểm hiện tại. Theo nghiên cứu của những nhà giáo dục, những em có khả năng làm việc một mình, có thể tập trung và hướng nội, hứng thú với môi trường yên tĩnh thì việc học online sẽ phát huy tác dụng, còn nếu những em thích hoạt động, hướng ngoại thì việc này sẽ không đạt hiệu quả.

Tuy nhiên, vì tiếp cận các khóa học online chủ yếu thông qua quảng cáo nên phụ huynh không thể biết được chất lượng thực sự của khóa học là như thế nào, chương trình có được cấp phép hay không. Nếu tìm hiểu không kỹ, bố mẹ có thể sẽ lựa chọn những khóa học không thực sự phù hợp với năng lực tiếp nhận của trẻ, thậm chí cả bị lừa mất tiền. Hiện rất nhiều các khóa học online chỉ đáp ứng được bước 1 giới thiệu lý thuyết về kỹ năng và nếu sưu tầm được tài liệu số thì cho xem mẫu kỹ năng cần làm trong tình huống giả định chứ không tổ chức được cho các con đóng vai rút kinh nghiệm, không phản hồi được kỹ năng cho từng trẻ để giúp các em rút ra những quy luật, kinh nghiệm áp dụng trên thực tế.

Đấy còn chưa kể rất nhiều trung tâm không có phép, nhiều người dạy kỹ năng nhưng bản thân chẳng có kỹ năng đó, không có kiến thức sư phạm số để tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh theo đúng quy luật tâm lý giáo dục. Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta chưa có cơ chế kiểm định chất lượng giáo viên dạy các khóa online này. “Nhiều người muốn dạy cho con kỹ năng sống, nhưng kỹ năng đó phải xuất phát từ giá trị tốt. Nếu có kỹ năng tốt mà sử dụng sai mục đích còn mang những nguy cơ gây hại cho con” - PGS.TS Trần Thành Nam nói.

Cha mẹ cần thông thái, nghĩ về mục đích khi lựa chọn những khóa học online cho con. Cha mẹ muốn con có kỹ năng hay chỉ có một mớ kiến thức về kỹ năng mà không thể áp dụng vào thực tế. Khi chọn một khóa đào tạo cần phải xem liệu giáo viên giảng dạy có được xã hội thừa nhận một cách chính thức không? Đã trải qua những khoá đào tạo chuyên sâu, chính quy của một cơ sở đào tạo có uy tín hay chỉ là một khoá bồi dưỡng ngắn hạn của một tổ chức chưa được công nhân? Thứ nữa phụ huynh cũng cần xem xét xem khoá học cho con mình có được thiết kế theo một lộ trình dài hay chỉ mới được thử nghiệm? Có bằng chứng nào về tính hiệu quả của các khóa đào tạo đó trong việc nâng cao năng lực cho trẻ hay chưa? Tất nhiên bằng chứng phải dựa trên các nghiên cứu, số liệu định lượng được công bố chứ không phải chỉ là phát biểu cảm nhận chủ quan của một số người trong cuộc.

Con cái là sự nghiệp của cha mẹ. Và việc đầu tư các khóa học cho con cần có sự cân nhắc từ trái tim và sự tìm hiểu thấu đáo của cha mẹ để con có thể phát triển toàn diện trong hạnh phúc chứ không phải chọn đại một khóa học vì nó "không bổ ngang cũng bổ dọc" hoặc chọn đại vì "có người giúp mình trông con" trong dịp nghỉ hè.

Mời quý vị và các bạn cùng nghe trao đổi của phóng viên VOV2 với PGS.TS Trần Thành Nam tại đây: