Học cật lực vẫn không hiệu quả
Tóc rụng, da mặt xanh xạm, đau dạ dày là những hậu quả mà Mỹ Linh, sinh viên trường Đại học Kinh tế quốc dân đang phải gánh chịu khi học tập một cách cật lực, đặc biệt sau mỗi kỳ thi. Tuy nhiên, theo Bảo Trang, bạn thân của Linh, phương pháp học tập của bạn mình dường như có vấn đề vì chưa bao giờ bạn có được một kết quả như mong muốn.
“Em với bạn thân với nhau từ hồi cấp ba, bạn học tập một cách điên cuồng từ ngày đó nhưng khi thi đại học vẫn không vào được khoa mong muốn vì số điểm không đủ. Kể cả bây giờ khi đã là sinh viên, bạn vẫn học rất chăm chỉ nhưng GPA lại chưa bao giờ cao hơn em”, Bảo Trang chia sẻ.
Ngọc Thu và Mai Lan, sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng “cuồng” học không kém. Vào mỗi kỳ thi, hai bạn thường xuyên ngồi ở quán cà phê ôm laptop từ sáng cho đến tối muộn, rồi về nhà lại học tiếp, có những hôm gần như thức trắng đêm. Các em phải uống cà phê, nước tăng lực để duy trì sự tỉnh táo. Tuy nhiên, đánh đổi lại là gì, Ngọc Thu và Mai Lan cũng chỉ là những sinh viên có kết quả học tập bình thường như bao sinh viên khác.
Khi phương pháp học tập đang có vấn đề, chắc chắn kết quả không bao giờ khả dĩ dù bạn có cật lực đến mức độ nào.
Hãy chăm chỉ một cách thông minh
Theo chị Thanh Hương, những em học sinh, sinh viên có chí tiến thủ, cần cù chăm chỉ học tập và cố gắng để đạt kết quả cao, đây là điều rất tốt. Tuy nhiên, muốn đạt được thành công, đầu tiên bạn phải đảm bảo có đủ sức khỏe. “Việc học tập chăm chỉ đấy chưa hẳn đã giúp chúng ta giỏi hơn mà đôi khi còn ảnh hưởng đến chính bản thân mình”. Vì vậy, các bạn cần phải tư duy đến việc “chăm chỉ một cách thông minh”, đó chính là cách học tập thông minh. Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là giúp bạn sử dụng quỹ thời gian của mình một cách hợp lý hơn và đảm bảo sức khỏe của mình tốt hơn.
Để xây dựng phương pháp học tập thông minh, theo chị Thanh Hương, trước mỗi kỳ thi, các bạn cần lập kế hoạch cụ thể, xác định đâu là những nội dung dễ bị nhầm lẫn, dễ bị sai hay chưa nắm vững cần tập trung để dành thời gian ôn tập. Cùng với đó, hãy xác định khung thời gian nào trong ngày giúp bạn tập trung tốt nhất, việc ngồi học liên tục từ sáng đến tối chưa hẳn là tốt.
Tuy vậy, quan trọng nhất là bạn hãy có một quá trình học tập thông minh vì quá trình này giúp bạn tích lũy kiến thức một cách dần dần và khi đến kỳ thi là bạn đã sẵn sàng cho hành trình kiểm tra kiến thức.
Chị Thanh Hương chia sẻ 4 bước để rèn luyện quá trình “học tập thông minh”.
Thứ nhất, tập trung tối đa vào giờ học trên lớp và giờ học tập hằng ngày để nắm bắt kiến thức được tốt hơn.
Thứ hai, cách ghi chép hàng ngày cũng rất quan trọng. Có nhiều bạn ghi chép rất nhiều vào vở, có bạn còn ghi âm lại toàn bộ buổi học nhưng đến khi về nhà cũng không có thời gian đọc, nghe lại. Vì vậy, ghi chép thông minh là một yếu tố rất quan trọng của phương pháp học tập thông minh. Chị Hương chia sẻ những cách ghi chép thông minh: chia vở thành 4 cột. Cột thứ nhất là nội dung chính. Cột thứ hai là nội dung chi tiết. Cột thứ ba ghi những ví dụ minh họa, Cột thứ tư là cột vấn đề mà bạn đang chưa hiểu. Sau đó, cuối buổi học, bạn có thể hỏi lại thầy cô, hỏi bạn hoặc tìm kiếm thông tin trên mạng Internet hay các cuốn sách. Ngoài ra, ghi chép bằng sơ đồ tư duy cũng là cách giúp bạn nhớ nhanh, nhớ lâu và nhớ sâu hơn.
Thứ ba, để nhớ bài được lâu, các bạn nên vận dụng những nội dung mình được học vào các hoạt động hàng ngày bằng cách thuyết trình cho những bạn khác hoặc đưa vào những công việc làm thêm.
Thứ tư, nghỉ ngơi thư giãn một cách hợp lý cũng là một trong những yếu tố để có phương pháp học tập thông minh. Bên cạnh việc học là những hoạt động tĩnh, các bạn cần có những hoạt động động để nghỉ ngơi, thư giãn hay những hoạt động thể dục thể thao này, nhảy múa…để giải tỏa. Điều này giúp bạn quay trở lại với việc học tập được hiệu quả hơn.
Nghe chia sẻ của chị Nguyễn Hoàng Thanh Hương về "chăm chỉ một cách thông minh":