Bị gato với muôn vàn lý do “giời ơi đất hỡi”

Vốn là một học sinh giỏi xuất sắc, lại là lớp trưởng nên Minh Phương, học sinh Trường THPT Phạm Hồng Thái quá quen thuộc với những tình huống bị gato “giời ơi đất hỡi”. Học giỏi hơn, điểm cao hơn, được thầy cô ưu ái hơn: bị gato. Bạn có gì đó mới, bạn được gia đình quan tâm hơn, hạnh phúc hơn hay ngoại hình nổi bật hơn…cũng bị gato.

Học sinh đang ở độ tuổi rất hiếu thắng, thích thể hiện cái tôi của mình, có ghen tị, đố kỵ nhau một chút là chuyện bình thường nhưng nếu như đó là lý do khiến bạn rơi vào tình cảnh bị lạc lõng, bị bỏ rơi trong chính lớp học của mình lại thật đáng buồn.

“Khi bị gato em cũng có chút bực bội bởi vì ở học sinh, gato thường đi kèm với nói xấu và tẩy chay, mình rất dễ bị cô lập bởi các bạn ghen tức với mình”, Minh Phương chia sẻ.

Chị Phùng Năm nhớ lại thời đang học lớp 8, chị luôn là học sinh thuộc top đầu của lớp, học giỏi đều các môn, tích cực xung phong nên được các thầy cô quý mến, được một vài bạn nam trong lớp ưu ái. Đây chính là lý do khiến một vài bạn nữ ghen ghét, nói xấu và lôi kéo người khác tẩy chay.

Ghen tị, tức tối với những thứ người khác sở hữu mà mình đang thiếu, đây là nguyên nhân ra đời của chiếc bánh GATO không có sự ngọt ngào.

“Ghét cái thái độ” hãy tự xem xét lại bản thân nếu bạn thường xuyên bị gato

Khi bị bạn bè thường xuyên gato, theo chị Phùng Năm, bản thân mỗi bạn trẻ nên dành thời gian xem xét lại bản thân mình, xem là liệu mình có đang kiêu ngạo, tự cao hoặc có đang thực sự coi thường các bạn trong lớp không để từ đó có sự điều chỉnh bản thân.

Trong giới học sinh rất phổ biến câu “ghét cái thái độ”. Khẳng định và thể hiện màu sắc riêng của bản thân là nhu cầu rất chính đáng của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi hành vi để thực hiện hóa nhu cầu này đều được chấp nhận. Ví dụ nếu bạn muốn nổi bật trong lớp khi mặc đồng phục, bạn có thể thêm phụ kiện hoặc làm bản thân có thêm những điểm nhấn. Điều này là hợp lý. Nhưng nếu bạn muốn nổi bật bằng cách vi phạm nội quy, không mặc đồng phục, cách thể hiện không phù hợp như vậy có thể trở thành nguyên nhân khiến cho các bạn khác ghen tị hay ghen ghét.

Sau khi xem xét lại bản thân mình, nếu nhận thấy thái độ của bạn không có vấn đề gì cần phải điều chỉnh, bạn nên tiếp tục tập trung vào nhiệm vụ chính của học sinh là học tập và tương tác với bạn bè bằng sự tôn trọng, giữ thái độ khiêm tốn và sẵn sàng giúp đỡ các bạn trong lớp trong khả năng của mình.

Gato không hoàn toàn là xấu nếu như…

Khi một ai đó gato với người khác, đây chính là biểu hiện của sự thiếu tự tin vào giá trị bản thân. Nó khiến cho cá nhân cảm thấy mình nhỏ bé, tự ti và dễ hằn học với người khác và rất khó để thiết lập được các mối quan hệ có chất lượng hay một cái tôi lành mạnh.

Tuy nhiên, sự ghen tị cũng khiến bạn xác định được cái gì là quan trọng đối với mình. Ví dụ, bạn A ghen tị với bạn B vì thấy bạn B có nhiều bạn. Điều này có nghĩa bạn A coi việc có nhiều bạn bè là một điều quan trọng. Và khi biết được điều gì là quan trọng trong cuộc sống thì bạn sẽ có cách để phấn đấu đạt được điều đó.

“Nếu như biết biến cảm xúc ghen tị trở thành năng lượng, động lực để mình cố gắng, nỗ lực rèn luyện phát triển bản thân để trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình thì ghen tị lại không hề xấu.”

Tuy nhiên, nếu như để cảm xúc ghen tị lấn át, khiến bạn lúc nào cũng ở trong trạng thái ghen ghét, đố kỵ, hằn học, tức giận với chính mình, tức giận với người khác, đây là điều rất đáng buồn.

Theo chị Phùng Năm, để chế ngự sự gato đó, trước tiên bạn cần thực hành lòng biết ơn, trân trọng những gì mình đang có, nhìn nhận lại xem mình đang có những gì mà rất nhiều người còn đang ao ước.

Học cách ghi nhận chính bản thân mình, luôn nỗ lực để nâng cao kỹ năng tự nhận thức, tức là hiểu mình hơn, hoàn thiện mình mỗi ngày để từ đó có thể tin vào giá trị của bản thân mình.

Học kỹ năng nhận biết để hiểu ra rằng lúc ghen tị mình rất dễ phóng to điểm xấu của người khác và làm nhỏ điểm tốt của họ và phóng đại điểm tốt của mình. Hãy quan sát và ghi nhận những nỗ lực của người khác. Khi đó bạn sẽ nhìn thấy được cả quá trình nỗ lực, phấn đấu của người mà bạn đang ghen tị, từ đó có sự thấu cảm và sự gato giảm xuống.

Thực ra trong chúng ta ai cũng có những điểm mạnh của riêng mình. Trong khi bạn ao ước được như ai đó thì biết đâu họ lại đang mong được như bạn. Thay vì dành thời gian để ghen tức, các bạn hãy cố gắng trau dồi phát triển bản thân để đạt được những điều mà mình mong ước.

Nghe chia sẻ của Thạc sỹ Phùng Năm: