Những ý tưởng khởi nghiệp mang đậm tính nhân văn

Tham dự cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp - Starup Kite năm 2021(do Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức), trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội có 6 dự án góp mặt tại vòng bán kết, bao gồm dự án: Sports For All, I.Healthcare, Fiber Straws Tò he, Happy House, Thực đơn Nueil, Organic Food.

Tất cả những ý tưởng, dự án khởi nghiệp này đều hướng tới giải quyết những vấn đề của xã hội như sức khỏe cho người già, vui chơi giải trí cho trẻ em, bảo vệ môi trường, thực phẩm sạch… Trong đó dự án Happy House được đầu tư công phu, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Vũ Hương Trang, sinh viên ngành kinh doanh thương mại (Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội), thành viên của dự án cho biết, Happy House là cung cấp dịch vụ “dưỡng lão tại gia đình” với các gói dịch vụ theo giờ, ngày, tháng.

“Khi khách hàng lựa chọn gói dịch vụ của Happy House sẽ được theo dõi sát sao về các chỉ số về sức khỏe, các bài tập thể chất, vận động, rèn luyện trí nhớ, duy trì sự minh mẫn. Dịch vụ sẽ có các chuyên gia lên thực đơn dinh dưỡng cho từng đối tượng theo chế độ riêng”, Vũ Hương Trang chia sẻ về ý tượng dự án.

Với nền tảng kiến thức của một sinh viên ngành kinh doanh thương mại, Vũ Hương Trang cho rằng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại gia đình không mới tại các nước phát triển. Nhưng đối với Việt Nam đây lại là dịch vụ rất tiềm năng mà chưa được khai thác nhiều.

“Trong một thị trường có ít đối thủ cạnh tranh thì việc triển khai dự án sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, khó khăn trước mắt của chúng em là huy động nhân sự để cung cấp dịch vụ. Hiện tại, dự án đã kết nối với sinh viên học ngành điều dưỡng của một số trường đại học, cao đẳng và các điều dưỡng viên đã có chứng chỉ hành nghề đã, đang làm tại các bệnh viện. Tiêu chuẩn nhân viên của Happy House phải có trình độ, bằng cấp, chứng chỉ hành nghề. Khi tuyển dụng, nhân viên sẽ trải qua một khóa đào tạo về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại nhà”, Vũ Hương Trang tự tin với dự án Happy House.

Bên cạnh Happy House, dự án khởi nghiệp Sports For All của nhóm sinh viên trường Cao đẳng Thương mại và du lịch Hà Nội cũng hướng tới việc chăm sóc sức khỏe thể chất cho trẻ em, người già, người khuyết tật.

Dịch COVID-19 ập đến, suốt 2 năm qua, nhiều tỉnh, thành phố phải áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15, 16… điều này khiến cho việc rèn luyện sức khỏe cho người già, trẻ em… trở thành một vấn đề bức thiết. Sports For All phần nào sẽ giải quyết vấn đề đó.

Đỗ Xuân Trường, thành viên của dự án cho biết, Sports For All hướng đến những trò chơi phù hợp với trẻ em trên nền tảng của thể thao giải trí nhưng được nâng cấp, hoàn thiện để phù hợp hơn trên thực tiễn như: Snookball, Footbowl, Footgolf 2 hố, Footgolf lật, Footgolf cột cờ, Dicsgolf, Kickdarts. Mỗi môn trong dự án là sự tích hợp giữa hai môn thể thao, chẳng hạn Footgolf là sự kết hợp giữa bóng đá và golf.

So với thể thao truyền thống, các sản phẩm của Sports for all không đòi hỏi thể lực, trình độ chuyên môn cao, có thể phù hợp với mọi lứa tuổi. Không gian thi đấu linh hoạt và các môn đều không đối kháng trực tiếp nên không gây chấn thương, vừa giải quyết nhu cầu vận động thể lực trong xã hội bình thường mới vừa vận động được trí tuệ. Dự án có thể tận dụng cơ sở vật chất, nguyên vật liệu có sẵn tại địa phương, chi phí chỉ bằng 50% so với các sản phẩm trên thế giới.

“Ví dụ môn Snookball là sự kết hợp giữa bida và bóng đá. Thay vì những trái bi nặng, nhỏ thì chúng em sử dụng những trái bóng có thể lực, có trọng lượng phù hợp. Đặc biệt bộ môn này sẽ chơi bằng chân, luật chơi chơi giống như bida và rất phù hợp với thể trạng trẻ em”, Đỗ Xuân Trường cho biết.

Điều đặc biệt, dù mới chỉ là một dự án khởi nghiệp tham gia cuộc thi Starup Kite năm 2021 nhưng Sports for all đã nhận được sự quan tâm và hợp tác của một số khách hàng.

“Hiện đã có một số trường học đã quan tâm đến dự án và mục tiêu của chúng em là có thể cung cấp bán lẻ và bán buôn, nhượng quyền. Tính khả thi của dự án là trên 90%”, Đỗ Xuân Trường chia sẻ.

Khởi nghiệp không phân biệt bằng cấp

Từ nỗi đau của bản thân khi từng phải cấp cứu vì cơn đau ruột thừa, Trịnh Quốc Thắng, sinh viên năm 2 trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội từng ấp ủ ý tưởng làm thế nào để đơn giản hóa thủ tục khám chữa bệnh, làm thế nào để người bệnh không phải xếp hàng ở bệnh viện từ 6h sáng mà không chắc chắn đến lượt khám bệnh hay không?

“Trước đây em bị ruột thừa và đăng ký khám bệnh. Tuy nhiên đến nơi thì hết sổ khám. Sau đó, em bị đau dữ dội và phải đưa đi cấp cứu. Từ đó em thấy được nỗi khổ của người đi khám bệnh. Em muốn thay đổi phương pháp, lịch khám bằng cách ứng dụng CNTT, người bệnh biết được lịch khám của mình, biết được bệnh viện có còn chỗ trống hay không? dự án I.Healthcare ra đời như thế”, Quốc Thắng cho biết.

Dự án I.Healthcare sẽ triển khai việc đăng ký khám, chữa bệnh qua một app cài đặt trên các thiết bị thông minh. App này sẽ hỗ trợ người bệnh đăng ký lịch khám, hỗ trợ bệnh viện nắm được số lượng bệnh nhân dự kiến đến khám, phân tuyến chữa trị từ ban đầu. Mục tiêu mà nhóm khởi nghiệp I. Healthcare là mang đến những giá trị cho xã hội.

Trịnh Quốc Thắng cũng tâm sự, trước đây bản thân luôn nghĩ việc khởi nghiệp là việc gì đó lớn lao, quá sức với trình độ, bằng cấp. Nhưng khi trải qua quá trình lập dự án I.Healthcare, em hiểu rằng, khởi nghiệp là không phân biệt bằng cấp.

Trong khi đó, Ngô Thị Vân, sinh viên khoa Ngoại ngữ (Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nôi) đã cùng các thành viên của mình lập dự án Fiber Straws Tò he. Dự án hướng tới mục tiêu kép, bảo vệ môi trường và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống.

“Khi tham gia chương trình khởi nghiệp Startup Kite năm 2021, em học hỏi được rất nhiều kiến thức. Từ việc lập dự án, kỹ năng làm việc nhóm, phát triển năng lực cá nhân, đánh giá thị trường, kinh doanh…”, Ngô Thị Vân cho biết.

Sinh ra từ làng, Đỗ Xuân Trường (huyện Tam Nông, Phú Thọ) từng đặt nhiều câu hỏi về hành trình lập nghiệp của mình khi về Hà Nội học, đặc biệt là sau khi tốt nghiệp. Nhưng trong quá trình học tập tại trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội, Trường có nhiều thay đổi về tầm nhìn. Từ kiến thức, kỹ năng được trang bị, bạn trẻ này đang hướng tới những mục tiêu có thể hỗ trợ người nông dân bằng những dự án khởi nghiệp.

“Em muốn xóa bỏ tư duy, người nông thôn mãi mãi chỉ là người nông thôn. Xóa bỏ tư duy chỉ có sinh viên đại học mới khởi nghiệp thành công. Em đang nghĩ đến ý tưởng kinh doanh về thực phẩm và nông sản sạch để hỗ trợ cho chính bà con quê hương mình”- Đỗ Xuân Trường chia sẻ.

Khởi nghiệp khi còn là sinh viên, những bạn trẻ trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội đối diện với nhiều khó khăn như kinh nghiệp, khả năng đánh giá thị trường và đặc biệt là huy động vốn đầu tư. Nhưng bù lại, sinh viên trường nghề lại có nhiều ý tưởng sát với thực tế.

“Sinh viên trường nghề so với sinh viên bậc học khác thì có nhiều thời gian trải nghiệm hơn. Ngoài những kiến thức trong trường thì chúng em còn được trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp nên thời gian chúng em tiếp xúc doanh nghiệp sẽ sớm hơn so với các bạn khác. Kỹ năng, kinh nghiệm nhiều hơn. Em tin là chúng em sẽ thành công”, Nguyễn Thu Hòa, sinh viên năm 3 trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội tự tin cho biết.

Chắp cánh cho những ý tưởng khởi nghiệp

Không phải đến năm 2021, sinh viên trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội mới tham gia các chương trình khởi nghiệp. Trước đó, sinh viên của trường từng đoạt giải cao tại cuộc thi khởi nghiệp quốc gia.

Tuy nhiên, theo bà Trịnh Thị Thu Hà (Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội), Starup Kite năm 2021 là dấu mốc quan trọng khi những dự án khởi nghiệp sinh viên của trường có tính khả thi cao và giải quyết những vấn đề của xã hội và của người tiêu dùng.

“Chúng tôi tạo ra môi trường để học sinh-sinh viên được thể hiện các ý tưởng khởi nghiệp. Nhà trường cũng thành lập hội đồng cố vấn để hỗ trợ các em. Ngoài ra, các em còn nhận được sự đồng hành của đội ngũ chuyên gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Từ yêu cầu của thực tiễn, từ những nỗi đau của thị trường, các em phải tìm ra giải pháp để giải quyết những vấn đề đó, bà Trịnh Thị Thu Hà nhấn mạnh.

Bà Trịnh Thị Thu Hà cũng cho biết, chương trình đào tạo của trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội luôn chú trọng tới nội dung khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Trường cũng đã tổ chức cuộc thi khởi nghiệp cấp trường. Từ kinh nghiệm, kỹ năng được trang bị tại các cuộc thi khởi nghiệp, nhiều sinh viên sau khi ra trường đã đảm nhiệm vị trí quản lý cấp cơ sở, cấp trung, cấp cao. Đặc biệt, một số em đã khởi nghiệp thành công và có doanh thu hàng trăm triệu mỗi tháng.

Trao đổi với phóng viên VOV2 (Đài TNVN) bên lề cuộc thi Starup Kite năm 2021, bà Trần Minh Huyền, Vụ trưởng vụ Công tác học sinh, sinh viên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá, trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội là một trong những trường tổ chức vòng sơ tuyển Startup Kite 2021 khá bài bản. Trường đã gắn kết được các chuyên gia, các doanh nhân thành đạt làm ban giám khảo đồng hành với học sinh, sinh viên trong việc phát triển ý tưởng.

“Qua việc đọc hồ sơ và theo dõi phần thi của sinh viên trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội, khả năng thuyết trình của sinh viên rất tốt. Đặc biệt là các dự án, ý tưởng có hàm lượng công nghệ số, có dự án mang tính cộng đồng chăm sóc sức khỏe, giáo dục… Xét ở góc độ khả thi nếu các dự án này hoàn thiện hơn về chiến lược phát triển kinh doanh thì có thể triển khai được ngay vào thực tế”, bà Trần Minh Huyền đánh giá.

Bà Trần Minh Huyền cho biết, trong thời gian tới, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) sẽ tiếp tục đồng hành cùng với các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp hỗ trợ học sinh-sinh viên khởi nghiệp. Hướng dẫn các trường trong việc tổ chức đào tạo các kiến thức, kỹ năng cơ bản về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.

Để việc đào tạo sát với nhu cầu xã hội, đặc biệt là ươm mầm đội ngũ doanh nhân tương lai, bà Trịnh Thị Thu Hà, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, trường sẽ định hình lại việc đào tạo khởi nghiệp.

“Chúng tôi sẽ chia làm 2 mức độ, những kiến thức chung về khởi nghiệp, tư duy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho toàn thể học sinh-sinh viên ở một thời lượng nhất định. Từ đó sẽ phát hiện ra những sinh viên có tố chất, có khát khao, mong muốn khởi nghiệp sẽ được nhà trường đào tạo chuyên sâu. Nhóm sinh viên này sẽ được đào tạo bài bản từ xây dựng ý tưởng, tư duy thiết kế, phát triển thị trường, kế hoạch kinh doanh đến hoạt động sản xuất, quy trình sản xuất tạo ra sản phẩm”, bà Trịnh Thu Hà nhấn mạnh.