Tụt mood không loại trừ ai

“Bỗng nhiên mất hết cảm xúc, nhận về toàn những năng lượng tiêu cực, thậm chí hoài nghi về bản thân” là tình trạng mà Duy Sơn, sinh viên Trường ĐH Thuỷ lợi cho biết khá phổ biến ở môi trường đại học. Là một người năng động, tự tin, có nhiều hoài bão nhưng bản thân em cũng không tránh khỏi những quãng thời gian hoàn toàn trống rỗng và tụt mood khi chưa tìm ra được giải pháp để cân bằng giữa việc học và đam mê của riêng mình.

“Điểm học tập của mình bị đi xuống, mình bắt đầu hoài nghi, mình không biết rằng là việc mình đang làm có thực sự đúng hay không. Mình mất 2 tháng mình không làm gì nữa cả, mình không đi hoạt động phong trào, bạn bè rủ đi chơi mình cũng chỉ ừ cho qua chứ mình không đi. Và mình chỉ biết đến trường, học rồi về”, Duy Sơn tâm sự.

Những ai đã từng tiếp xúc với Phương Thuỳ, sinh viên Trường ĐH Thương mại khó có thể tin rằng cô bạn xinh xắn, tràn đầy nhiệt huyết và năng lượng này cũng có những lúc rơi vào trạng thái tụt mood.

Phương Thuỳ chia sẻ một kỷ niệm khi em làm trưởng một nhóm trong Ban tổ chức chương trình lớn của trường. Lúc đó em luôn phải đối mặt với các thách thức và trách nhiệm nặng nề. Thời gian làm việc kéo dài và không có thời gian cho việc nghỉ ngơi, gia đình và sở thích cá nhân; những yêu cầu không ngừng nghỉ từ công việc phải xin được tài trợ để sự kiện có đủ kinh phí tổ chức… khiến quá tải.

“Một ngày đẹp trời khi đang làm việc một cách hăng say và nhiệt tình như bình thường thì khó khăn ập đến khiến em cảm thấy uể oải chán nản và dần mất đi động lực”, Thùy chia sẻ.

Tụt mood là cảm giác bình thường nhưng không được để kéo dài

Theo TS. Trần Thu Hương, tụt mood có nhiều nguyên nhân. Hoạt động học tập hay các công việc, các mối quan hệ xã hội sẽ mang đến cho bạn nhiều áp lực, có rất nhiều điều các bạn phải lựa chọn, phải hoàn thành. Điều này đến từng ngày từng giờ, đến từ từng các hoạt động cụ thể. Khi đứng trước những áp lực đấy sẽ tạo ra sự căng thẳng, mệt mỏi.

Đối lập với tình trạng căng thẳng và áp lực, hiện nay có rất nhiều bạn trẻ đôi khi sống không có kế hoạch, không có mục tiêu, dẫn tới quá nhàn. Điều này cũng đe dọa đến trạng thái cảm xúc của bạn. Nó có thể làm cho bạn trở nên mất phương hướng hoặc buồn chán mà không rõ nguyên nhân.

Ngoài ra, thất bại trong một việc gì đó, trải qua một kỳ thi mà kết quả không đạt được như mong muốn hoặc vỡ mộng trong một mối quan hệ…Đây đều có thể là những nguyên nhân khiến bạn bị tụt mood.

“Trong cả một chuỗi một ngày hay trong một tháng, có một khoảnh khắc, một giai đoạn tự nhiên cảm xúc của bạn trồi sụt, bấp bênh, đây là điều hết sức bình thường. Nhưng nếu như quá nhiều sự ủ ê, quá nhiều sự chán nản và sự buồn bã mà chúng ta lại không có giải pháp để giải quyết thì lại là một câu chuyện khác và nó để lại những hậu quả không tốt cho sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần”, TS Thu Hương nhấn mạnh.

Những “liều thuốc” giúp bạn trẻ up mood

Theo TS. Trần Thu Hương, để giúp bạn trẻ không rơi vào tình trạng tụt mood, nguyên tắc số một là phải thấu hiểu bản thân mình và tôn trọng những giá trị cá nhân. Khi đó bạn sẽ để tâm đến việc chăm đời sống cảm xúc của bản thân, biết tìm ra những điểm neo đậu về mặt cảm xúc.

Nguyên tắc số hai, đó là hãy tìm kiếm những mối quan hệ tích cực và lành mạnh. Những mối quan hệ này sẽ giúp bạn nhìn nhận và giải quyết các vấn đề cho dù nó rất khó khăn và rắc rối và nó sẽ giúp bạn làm lành những tổn thương về mặt cảm xúc.

Nguyên tắc số ba là phải sống có mục tiêu và kế hoạch rõ ràng. Trong quá trình thực hiện một kế hoạch nào đó, bạn sẽ phải ứng phó với những tác động từ phía bên ngoài hay của chính bản thân bạn. Điều này có thể đe dọa quá trình bạn hoàn thành được mục tiêu và kế hoạch. Thế nhưng ở ngay giây phút tệ hại ấy, điều quan trọng là bạn buông hay bạn vẫn nỗ lực, vẫn cố gắng để hoàn thành. Sống có mục tiêu và lý tưởng luôn làm mới cảm xúc của bạn, giúp bạn cảm thấy có đủ nghị lực, ý chí để vượt qua những khó khăn, những cảm xúc tiêu cực hay sự chán chường và uể oải.

Bên cạnh đó, thiên nhiên chính là một liệu pháp chữa lành rất tốt. Chỉ cần đơn giản mỗi buổi sáng, bạn mở cửa sổ ra và bắt đầu một ngày mới bằng một sự tích cực. Hít thở không khí trong lành, ngắm nhìn thời tiết và tự đón chào ngày mới. Hoặc bạn có thể chăm sóc cây cối hay có vài động tác thể dục thể thao.

“Nếu bạn nhất định không chịu rời khỏi giường và cứ nằm ôm lấy cảm xúc tiêu cực thì rất là tệ. Nhưng chỉ mất 1-2 phút đầu thôi, chỉ cần bạn bật dậy, mở cửa sổ ra, hít thở không khí trong lành và bạn hãy cố gắng nghĩ về một ngày mới tươi sáng rạng ngời. Cuộc đời sẽ khác rất là nhiều”, TS Thu Hương chia sẻ.

Hy vọng, tình trạng tụt mood đối với mỗi bạn trẻ chỉ như là nốt trầm để các bạn tạm nghỉ ngơi một chút sau những áp lực và rồi ngay sau đó sẽ lấy lại động lực và sự hứng khởi để tiếp tục với những nhiệm vụ, mục tiêu, kế hoạch của bản thân.

Nghe chia sẻ của TS. Trần Thu Hương: