Từ câu chuyện lễ hội xuân ở trường phổ thông
Không gian trường THPT Nguyễn Trãi- Ba Đình trong ngày hội “Sắc xuân học đường” khác hẳn ngày thường. Vẫn mở cửa từ trước 7h sáng nhưng hôm nay, từ các ngả đường rẽ vào không chỉ học sinh, giáo viên mà còn có rất đông phụ huynh. Thay vì cặp sách, trên tay các em là lá dong, lạt buộc, gạo, đỗ hay nhiều những món đồ ăn, bánh trái, quà tặng. Rất nhanh chóng theo hướng dẫn từ Ban tổ chức, các không gian hội xuân nhanh chóng được triển khai. Quanh sân trường, các gian hàng đã được dựng và trang hoàng từ trước đã được các “doanh nghiệp” trẻ khối 10 triển khai trưng bày hàng hóa, marketing tới các “khách hàng” tiềm năng.
Trần Khánh Phương, học sinh lớp 10A13 phụ trách gian hàng trà sữa, trà thái…toát mồ hôi giữa lúc chưa hết không khí lạnh buổi sáng. Hàng hóa chưa kịp lên kệ đã rất đông “khách” chen nhau mua. Quản trị nguồn tiền ra vào lúc này đòi hỏi sự tập trung cao độ tránh nhầm lẫn.
“Bọn con cũng không nghĩ đắt khách thế này. Lúc được giao làm gian hàng thực sự các thành viên trong lớp khá lo lắng rồi phân công nhau triển khai, hôm nay nhận được sự ủng hộ của mọi người thực sự quá vui. Tiền gốc và tiền lãi bọn con đưa vào quỹ lớp để tổ chức nhiều hoạt động khác nữa. Thực ra hôm nay ngoài việc rèn kĩ năng xắp xếp, chia sẻ công việc thì có lẽ các thành viên phụ trách gian hàng học được chút chút về kinh doanh, về vốn và lãi”, Khánh Phương cười tươi chia sẻ, đồng thời vẫn không quên chăm sóc “khách hàng” mỗi lúc một đông.
Các gian hàng khác cũng đông đúc, nhộn nhịp và “đắt hàng” không kém. Những món bánh, những món đồ lưu niệm handmade cũng thuộc danh mục được ưa chuộng.
Nhưng có lẽ, ngay trước sân khấu trường, địa bàn của cuộc thi gói bánh chưng mới là “nóng nhất” khi quy tụ đồng thời học sinh, phụ huynh, giáo viên của toàn khối lớp 12.
Với thời gian 20 phút, các đội sẽ phải hoàn thành 3 tấm bánh nộp về ban tổ chức. Được biết phần thi này từ trước đó đã khiến cuộc họp phụ huynh cuối năm trở nên sôi động hơn khi chính các bố mẹ cùng góp ý cho việc gói bánh thi, bánh tặng cho mỗi học sinh đem về. Rồi nữa còn tìm xem phụ huynh nào biết gói bánh để cùng tham gia hướng dẫn học sinh trực tiếp gói bánh dự thi.
“Lớp mình thiếu gạo rồi. Bạn nào giúp “vay” của các lớp khác được không?”; “ Cành đào cắm rồi, chờ các bạn bánh gói xong sẽ trang trí để ban giám khảo đánh giá”. Chị Đinh Thu Phương, phụ huynh học sinh Tôn Nữ Thu Trang lớp 12A15 cùng phụ huynh khác phụ trách tốt công tác hậu cần, để khi còi hiệu báo bắt đầu, tất cả đều đã đủ. Lớp 12A15 rất “chất” khi cùng lúc hai bác phụ huynh hướng dẫn kĩ thuật gói bánh chưng bằng khuôn và gói tay trực tiếp.
“Nhà mình năm nào cũng tầm 24,25 là quây quần gói bánh cho trẻ con trải nghiệm và biết gói cho gia đình sau này. Gói bánh chưng ở trường đáng xem như hoạt động thú vị khi bố mẹ và các con, bố mẹ và thầy cô, thầy cô và các con kết nối để làm nên cùng một tấm bánh”, anh Nguyễn Văn Quang, phụ huynh đảm trách hướng dẫn gói tay truyền thống khẳng định nếu chắc tay bánh sẽ rền, ngon hơn cả gói khuôn.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Thoa, chủ nhiệm lớp 12A15 bật mí sáng kiến tạo tấm bánh hai mặt hai màu: Xanh từ lá nếp và đỏ từ gấc. Sẽ rất thú vị cho người thưởng thức khi bánh chưng mang màu của đĩa xôi gấc, đồng thời vẫn mang màu xanh của bánh chưng truyền thống. Và rõ ràng nguyên liệu hoàn toàn thiên nhiên đều tốt cho sức khỏe. Và nữa, theo truyền thống tết xưa: “Thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo bánh chưng xanh”. Màu đỏ của cây nêu, tràng pháo mang ý nghĩa của may mắn, tài lộc được thay bằng màu đỏ của trái gấc vườn.
Ở bên cạnh, học sinh lớp 12A13 đang cố gắng hoàn thiện tấm bánh cuối cùng sẵn sàng chờ tiếng còi báo hết giờ thi. Phạm Tuấn Bảo, học sinh đã 2 năm trực tiếp gói bánh trưng trong lễ hội xuân ở trường. Ở nhà, năm nào Bảo cũng cùng bà gói bánh cho tết gia đình. Đó trở thành lí do để em học sinh này được giao trọng trách chính trong đội gói bánh thi cho lớp.
“Khó nhất trong lúc gói ở việc tính đủ lượng gạo nếp, đỗ và nhân phù hợp để có thể bao được trọn vẹn mà không bị tràn ra ngoài lúc gập lá xuống và khi luộc bánh chắc và không bị bục ra”, Tuấn Bảo chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Thu Quỳnh, chủ nhiệm lớp 12A12 vẫn cùng gia đình gói bánh mỗi dịp tết đến nên tự tin với việc đồng hành cùng học sinh, phụ huynh trong lớp tham gia phần thi này. Việc đưa hoạt động trải nghiệm tết, trong đó đặc biệt phần gói bánh chưng theo cô Quỳnh có ý nghĩa lớn trong việc rèn luyện kĩ năng cũng như hiểu hơn văn hóa truyền thống dân tộc trong mỗi dịp tết.
Nằm trong ban chấm giám khảo và dù đã trải qua hai mùa “cầm cân nảy mực”, thầy Minh và các giáo viên trong hội đồng chấm ở hạng mục thi gói bánh chưng vẫn gặp khó khi khả năng tay nghề gói bánh của học sinh đã tốt lên rất nhiều.
“Chỉ hơn nhau một chút xíu nên chúng tôi phải chờ tổng hợp chấm của cả hội đồng mới quyết định được kết quả. Ở đây tôi cho rằng quan trọng là học sinh rèn được kĩ năng và cũng tăng cường được đoàn kết giữa các thành viên trong lớp, giữa phụ huynh và giáo viên nữa”, thầy Trương Nhật Minh cho biết.
Có mặt động viên các đội nhóm, Nhà giáo TS Nguyễn Thị Phương Lan, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trãi hòa trong niềm vui của nhà trường, đồng thời cho biết “Sắc xuân học đường” của nhà trường cũng như nhiều trường phổ thông khác trên địa bàn thành phố thuộc một trong chuỗi các hoạt động giáo dục truyền thống của nhà trường được tổ chức thường niên vào dịp kết thúc học kỳ 1.
"Mỗi năm cùng các đồng nghiệp tổ chức hội xuân cho học sinh lại mang cho tôi dấu ấn và cảm xúc riêng. Với Hội chợ Xuân 2025, tôi rất tự hào khi thấy các học trò của mình ngày càng trưởng thành. Các con chủ động, tích cực và rất sáng tạo khi tham gia vào các hoạt động trang trí trại, làm sản phẩm handmade, tổ chức trưng bày gian hàng ngày Tết, biểu diễn văn nghệ, thi các trò chơi dân gian... Nhưng ấn tượng nhất là phần thi gói bánh chưng của học sinh lớp 12. Từ sự chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ đến ý thức tự học hỏi..., đôi bàn tay khéo léo của các con đã tạo ra sản phẩm là những chiếc bánh vuông vắn, xinh xắn được bài trí thẩm mĩ khiến cho Ban giám khảo rất khó khăn khi chấm giải.
"Điều quan trọng là qua việc tổ chức Hội chợ Xuân đã thu hút được tất cả học sinh hào hứng tham gia, đã tạo nên không khí rộn ràng của ngày hội ngập tràn sắc xuân học đường", nhà giáo, TS Phương Lan chia sẻ.
Riêng với học sinh cuối cấp THPT, cô Phương Lan hi vọng sẽ trở thành những kỷ niệm đẹp nhất của tuổi trò, đồng thời những trải nghiệm thú vị, góp phần tích lũy để các em hiểu rõ hơn về giá trị của bản thân, thêm tự tin, thêm động lực để bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018.
Tết Nguyên đán, cơ hội quý cho việc dạy học lịch sử địa phương
Tết Nguyên Đán hay còn gọi là Tết cổ truyền của dân tộc, thời điểm hòa cùng với các phong tục tập quán chung của dân tộc Việt Nam, mỗi địa phương, vùng miền lại có thêm những phong tục tập quán riêng. Đối với Hà Nội, Chỉ Thị 30 của Thành ủy ngày 19/2/2023 đã chỉ rõ: Nghiên cứu đưa môn Hà Nội học vào giảng dạy ở các trường trên địa bàn Thành phố. Từ đây, môn "Hà Nội học" có tên chính thức trong chương trình học của học sinh Hà Nội, thay thế tên gọi cho môn Giáo dục địa phương.
Theo TS Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hóa-Du lịch, Đại học Thủ đô Hà Nội, chủ nhiệm đề án đưa “Hà Nội học” vào giảng dạy trong nội dung giáo dục địa phương cho các trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội, Thủ đô mở rộng từ năm 2008 đến nay gồm nhiều quận/huyện, có cả dân tộc thiểu số như người Dao, người Mường góp làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Hà Nội. Tết cổ truyền bởi thế nên được xem như cơ hội tốt để học sinh Thủ đô được trải nghiệm và hiểu biết hơn về các phong tục cổ truyền của dân tộc và của nhân dân đang sinh sống trên các vùng đất Hà Nội hiện nay.
Môn Giáo dục địa phương thành phố Hà Nội hiện nay đang được đưa vào giảng dạy tại các nhà trường. Giáo viên dạy môn học này đã được bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học do Thành Ủy Hà Nội giao cho Trường đại học Thủ đô Hà Nội và Sở GD&ĐT HN tổ chức. Trong nội dung về Hà Nội học có nội dung về văn hóa Hà Nội, các phong tục tập quán...Các nhà trường ở Hà Nội hiện đang triển khai nhiều hoạt động Tết như gói bánh chưng, dựng không gian tết Hà Nội xưa, làm gian hàng Tết.
“Đây là dịp rất tốt để gắn bó các thành viên trong gia đình, gắn bó học sinh với thầy cô và bạn bè và cũng là cơ hội giúp các em học sinh trải nghiệm, học hỏi nhau khi thực hành làm bánh, làm mứt, trang trí tết... Đối với học sinh yêu thích ẩm thực, khéo tay thì đây cũng là dịp các em được trổ tài và chia sẻ kinh nghiệm với các bạn. Trong bối cảnh không có nhiều em học sinh của Hà Nội thông thạo nấu ăn, nấu ăn ngon... dịp này, các nhà trường, gia đình nên tổ chức các hoạt động giúp học sinh, nhất là các nữ sinh biết nấu các món ăn từ đơn giản đến cầu kì, thùy theo khả năng để các em vừa biết làm, hiểu được văn hóa ẩm thực của Thủ đô. Thông qua các hoạt động đó, sẽ gắn kết các thành viên trong gia đình, tronh nhà trường”, TS Thu Hương phân tích.
Dịp Tết Nguyên đán, TS Thu Hương gợi ý các thầy cô, nhà trường nên dạy cho học sinh kết hợp lý thuyết với thực hành trải nghiệm các hoạt động như: Làm bánh chưng, bánh giầy; Cách nấu cỗ cổ truyền, các món ăn cổ truyền trong ngày tết; Các loại hoa quý của Hà Nội và cách chơi hoa, cắm hoa, quy trình trồng và bảo lưu các nguồn gen hoa quý: Đào Nhật Tân, Cúc đại đóa, thược dược, lay ơn..Các vùng trồng hoa của Hà Nội: Tây Tựu, Mê Linh...Cách bày mâm ngũ quả với các loại quả nổi tiếng của Hà Nội như Bưởi Diễn, Cam Canh, hồng xiêm Xuân Đỉnh, ổi Quảng Bá... Trong ngày Tết, các em nên thực hành và tìm hiểu thêm những phong tục chúc tết ông bà, cha mẹ, tục mừng tuổi cho người già...
Đối với Hà Nội mở rộng còn có các phong tục tập quán riêng, nhất là vùng Xứ Đoài, vùng đồng bào thiểu số. Học sinh khu vực nội thành cũng cần tìm hiểu để làm phong phú thêm kiến thức văn hóa Hà Nội.
Dịp sau Tết, Hà Nội có rất nhiều các lễ hội diễn ra với gần 6000 di tích lịch sử văn hóa. Việc đi lễ chùa đầu năm là nét đẹp trong văn hóa của người dân Thủ đô. Tuy nhiên, giai đoạn này cũng cần tăng cường giáo dục cho các em hiểu được việc tham gia giao thông đúng quy định, vào tham quan vãn cảnh chùa phải trang nghiêm, lịch sự và nên tìm hiểu về di tích trước khi đến tham quan.
Hà Nội hiện nay không còn bó hẹp trong phạm vi các quận nội thành, HN đã mở rộng với hơn 3.350 km2, với 30 quận/huyện/thị xã. Các nhà trường của Thủ đô nên có những tiết học để giới thiệu những phong tục tập quán của các vùng trong Hà Nội. Dịp tết cũng là để yêu thương và chia sẻ, nên tổ chức các hoạt động thiện nguyện cho học sinh đến các vùng sâu vùng xa của thành phố vừa để chia sẻ với với các bạn HS khó kh,ăn hơn, vừa tìm hiểu phong tục tập quán Tết của các vùng quê đó.
"Hà Nội học là môn học sưu tầm, tìm hiểu, nghiên cứu và phổ biến những tri thức mọi mặt và nhận thức tổng hợp về con người và mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trên địa bàn hàng nghìn năm liên tục là trung tâm chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa hàng đầu của Việt Nam, phục vụ cho các chiến lược phát triển bền vững Thủ đô và đất nước. Qua dịp Tết với các hoạt động trải nghiệm văn hóa, HS sẽ hiểu hơn về Hà Nội nhất là góc độ văn hóa.
"Nếu tổ chức các hoạt động trải nghiệm tốt cho HS trước Tết và sau Tết sẽ giúp HS thêm yêu Hà Nội, tự hào về văn hóa Hà Nội, văn hóa dân tộc và sẽ tự giác giữ gìn các di sản văn hóa đó”, TS Thu Hương phân tích thêm.