Ngày 22/5, trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức hội thảo “Nâng cao chất lượng giáo dục Lịch sử, Văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong trường học trên địa bàn Thủ đô Hà Nội”.

Tham dự hội thảo có GS.TS.NGƯT Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Bí thư thành ủy, Nguyên Phó Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Đào Xuân Dũng - Phó Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện Sở Giáo dục đào tạo Hà Nội, giáo viên một số trường phổ thông trên địa bàn thành phố và đại diện các đơn vị liên quan.

Trong giai đoạn hiện nay, lịch sử, văn hóa Thăng Long – Hà Nội được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”. Trong Chương trình số 06 của Thành ủy, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội được UBND Thành phố giao nhiệm vụ xây dựng và thực hiện Đề án “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030, tầm nhìn đến 2045.”

Hội thảo được tổ chức nhằm có thêm cơ sở khoa học và thực tiễn, thảo luận về nội dung và các phương pháp dạy hiệu quả kiến thức Lịch sử, Văn hóa Hà Nội trong các trường học trên địa bàn. Từ đó, hướng đến đưa môn Hà Nội học trở thành môn học trong các trường trên địa bàn Thủ Đô.

Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho rằng nội dung giáo dục lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội có ý nghĩa rất lớn góp phần bồi đắp niềm tự hào và ý thức trân trọng cho học sinh Thủ đô gìn giữ những giá trị lịch sử, văn hóa của Hà Nội và đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, bản sắc lịch sử, văn hóa dân tộc được coi là giá trị của mỗi quốc gia dân tộc.

GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhấn mạnh việc cần bổ sung văn hóa của vùng Hà Nội mở rộng để dạy cho học sinh. Trong đó, chú trọng giảng dạy đến các nội dung về nội dung về văn hóa phi vật thể (lễ hội, các loại hình nghệ thuật, tranh dân gian, trò chơi dân gian,...), văn hóa vật thể (các di tích tiêu biểu ở nội, ngoại thành), danh nhân Hà Nội, ẩm thực, …. Tất cả những nội dung đó cần được giáo dục trong các trường phổ thông giúp thế hệ trẻ thủ đô hình thành nhân cách, trở thành chủ nhân tương lai của một Hà Nội văn hiến, văn minh hiện đại.

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Uỷ viên Hội đồng trường ĐH Thủ đô Hà Nội khẳng định muốn nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội cần nghiên cứu căn cơ, bài bản giá trị lịch sử của Thủ Đô. Trọng tâm phải đặt vào tổ chức phương pháp giảng dạy tổng hợp liên ngành và phát huy năng lực sáng tạo của giáo viên, học sinh.

Tham luận tại hội thảo, TS. Nguyễn Thị Bích, trường Đại học Sư phạm Hà Nội chỉ ra những khó khăn về nguồn học liệu, đội ngũ giáo viên ở trường trung học phổ thông. Về mặt chiến lược nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội cần có sự đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu với các thầy, cô giáo. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu dạy học hiện tại, nhà trường nên lựa chọn những giáo viên có kiến thức gần với nội dung giáo dục địa phương nhất ví dụ như: văn học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, …

TS. Lê Thị Huyền, giáo viên THPT Sơn Tây, Hà Nội cho rằng chương trình được giáo dục địa phương Hà Nội hiện tại đã được triển khai sâu rộng và phong phú. Góp phần lan tỏa giá trị lịch sử văn hóa Thăng Long, Hà Nội. Trong tương lai, cần tiếp tục phát huy được mọi nguồn lực của thành phố, các nhà trường và địa phương để hoàn thiện bộ tài liệu thống nhất chung và phù hợp, truyền tải kiến thức hiệu quả với học sinh.

Đẩy mạnh các hoạt hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho về lịch sử, văn hóa Thăng Long Hà Nội là cách làm hiệu quả giúp học sinh được chủ động khám phá kiến thức không chỉ trong sách vở với các hình thức đa dạng. Theo Th.S Trần Thị Thu, giáo viên trường THCS Cầu Giấy: “Chúng tôi tổ chức giảng dạy giáo dục địa phương cho các em dưới nhiều hình thức trải nghiệm qua phương pháp sân khấu hóa, đóng vai nhân vật lịch sử, hướng dẫn viên du lịch, đưa các em đến học tập tại các bảo tàng, di sản để các em có thể trải nghiệm thực tế và tiếp thu kiến thức tốt hơn.”

TS Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hóa - Du lịch Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết trong thời gian vừa qua, nhà trường đã cùng với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa – Thể thao và các chuyên gia về cơ bản đã hoàn thành việc xây dựng tài liệu bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong đó lịch sử và văn hóa là những nội dung rất quan trọng được các chuyên gia, nhà khoa học và các thầy cô giảng viên dành nhiều tâm huyết biên soạn.

Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giáo dục lịch sử, văn hoá là một nội dung quan trọng. Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giáo dục lịch sử, văn hoá Thăng Long - Hà Nội là một trong những nhiệm vụ được quan tâm triển khai ở các cấp học, bậc học trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hội thảo khoa học "Nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong trường học trên địa bàn Thủ đô Hà Nội" là nội dung nằm trong Chỉ thị 30- TC/TU ngày 19/2/2024 của Thành ủy Hà Nội về "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh"