Sáng 23/12, tại Hà Nội đã diễn ra lễ Tổng kết Chương trình trọng điểm quốc gia Phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020 và Kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán. Việc Đảng, nhà nước, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập viện Nghiên cứu cao cấp về Toán cũng như đầu tư cho Chương trình trọng điểm quốc gia Phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020 đã góp phần đưa Việt Nam từ vị trí thứ 55 lên vị trí thứ 35-40 trên thế giới. Số lượng công bố quốc tế đến năm 2020 cũng tăng gấp đôi so với năm 2010. Quả là những con số thật ấn tượng.

Chương trình trọng điểm quốc gia Phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020 được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 17/8/2010. Đây là lần đầu tiên một chương trình trọng điểm quốc gia được ban hành riêng cho một lĩnh vực khoa học cơ bản. Và một trong những thành tựu của chương trình là xây dựng Viện nghiên cứu cao cấp về Toán thành Trung tâm Toán học xuất sắc khu vực.

Trong 10 năm hoạt động với uy tín của GS Ngô Bảo Châu và các thành viên là những GS, Nhà Toán học hàng đầu, Viện đã xây dựng được một môi trường học thuật thực sự được cộng đồng toán học trong nước và quốc tế đánh giá cao. Không chỉ là Trung tâm nghiên cứu, Viện đã trở thành trung tâm đào tạo hỗ trợ nâng cao chuyên môn cho nhiều giảng viên, giáo viên toán ở các cấp học, hỗ trợ tạo dựng môi trường nghiên cứu cho nhiều sinh viên, nghiên cứu viên. Các hoạt động “Ngày Toán học trẻ”, “Trường hè" do viện tổ chức đã thu hút được sự quan tâm của các em học sinh yêu toán và làm thay đổi phương pháp giảng dạy toán ở bậc học phổ thông cũng như làm cho các trường ĐH có chuyên ngành Toán có nhiều năng lượng sáng tạo để thành lập các chuyên ngành toán ứng dụng thu hút sinh viên và đáp ứng yêu cầu nhân lực của thị trường lao động.

Năm 2013, sau 3 năm thành lập và đi vào hoạt động, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán đã được Hội Toán học châu Âu công nhận là một trong số ít “Trung tâm Toán học xuất sắc khu vực - Emerging Regional Centres of Excellence” của các nước đang phát triển giai đoạn 2013-2017. Năm 2018, Viện tiếp tục được công nhận là Trung tâm xuất sắc của khu vực giai đoạn 2019-2023. Viện cũng là thành viên của Hiệp hội Toán trong công nghiệp khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APCMfI)

Ngoài việc tổ chức thành công các hội nghị quốc tế lớn có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng Toán học quốc tế thu hút số lượng lớn các nhà khoa học quốc tế đến Việt Nam trao đổi, giảng dạy, Viện cũng tạo môi trường làm việc thuận lợi cho các nhà Toán học Việt Nam trong và ngoài nước tập trung nghiên cứu khoa học, thu hút các nhà toán học hàng đầu thế giới đến làm việc; tổ chức các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực và phổ biến Toán học thu hút được sự quan tâm của cộng đồng.

Tại Lễ tổng kết, PGS TS Lê Minh Hà – Giám đốc điều hành viện Nghiên cứu cao cấp về toán cho biết: “Với nỗ lực của cộng đồng Toán học, đến nay Việt Nam được xác định ở vị trí trong khoảng 35-40 trên thế giới và đứng đầu trong khối ASEAN (ở đây chỉ xét đến tiêu chí số lượng công bố quốc tế)”.

Đây là một thành tích rất ấn tượng, trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới, và ngay ở khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia đã đầu tư rất mạnh cho khoa học cơ bản và toàn bộ hệ thống các cơ sở nghiên cứu - đào tạo với kinh phí rất lớn. Ông Hà cũng cho biết, số lượng công bố quốc tế đến năm 2020 tăng gấp đôi so với năm 2010. GS Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay, việc thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán nhằm thực hiện chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học được tốt hơn. Việc làm này đã mang lại những kết quả nhất định khi Toán học Việt Nam tăng 15-20 bậc trên thế giới.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ bày tỏ sự trân trọng với những đóng góp, phản biện của cộng đồng Toán học cho sự phát triển của ngành. Qua đó, hy vọng thời gian tới, Toán học Việt Nam tiếp tục đạt thêm nhiều thành tựu.

Ngày 22/12, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu chung của Chương trình là tiếp tục phát triển Toán học Việt Nam bền vững và mạnh mẽ về mọi mặt: nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo, tương xứng với tiềm năng trí tuệ của con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đưa Toán học trở thành một bộ phận hữu cơ trong sự phát triển chung của khoa học, công nghệ và kinh tế - xã hội; nâng cao vị thế của Toán học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.