Ngày 12/11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về nhóm lĩnh vực thông tin và truyền thông, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng nhận được nhiều câu hỏi của các đại biểu liên quan ba vấn đề: Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay; Việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; Đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Nhiều cơ quan báo chí ra đời nhưng nguồn thu giảm

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cần làm gì để báo chí truyền thống có thể cạnh tranh và tồn tại, đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đặt câu hỏi:

“Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa báo chí truyền thống và mạng xã hội, bài toán kinh tế báo chí, mô hình kinh doanh báo chí sẽ phải giải quyết như thế nào để báo chí truyền thống có thể cạnh tranh, tồn tại?

Trước vấn đề được đại biểu Tạ Thị Yên nêu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi kinh tế thị trường phát triển, các doanh nghiệp bắt buộc phải quảng cáo để bán hàng, vì thế chi khá nhiều tiền cho quảng cáo, khi đó quảng cáo chủ yếu trên báo chí.

Các cơ quan báo chí cũng mong muốn được tự tài chính, nhưng sau đó mạng xã hội xuất hiện, 80% quảng cáo trực tuyến, như vậy nguồn thu của báo chí, nhất là các cơ quan báo chí tự chủ tài chính đã giảm đáng kể nguồn thu.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, số lượng cơ quan báo chí ra đời nhiều với 880 cơ quan báo chí nhưng nguồn thu giảm.

Trong Chỉ thị Thủ tướng Chính phủ ban hành về truyền thông chính sách có yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp phải coi truyền thông là việc của mình. Ngoài chủ động đưa thông tin, có kế hoạch đưa thông tin, có bộ máy đưa thông tin cần có ngân sách hàng năm để chi cho truyền thông chính sách và dùng đến ngân sách để đặt hàng báo chí.

Đây là một thay đổi, thực tế cho thấy, từ năm ngoái, các cơ quan, chính quyền các cấp bắt đầu tăng ngân sách cho báo chí.

“Trong kế hoạch sửa Luật Báo chí sắp tới, cũng có một mục đề cập đến kinh tế báo chí, trong đó cho phép một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh về nội dung, kinh doanh xung quanh lĩnh vực truyền thông, nhưng kinh doanh để làm báo”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng lưu ý, nếu báo chí chạy theo mạng xã hội, chúng ta sẽ chỉ đứng ở phía sau, do vậy phải có sự khác biệt với mạng xã hội là dùng công nghệ số để lấy lại trận địa, tăng số lượng độc giả, từ đó quảng cáo cũng sẽ tăng lên.

Cũng liên quan đến nguồn thu của các cơ quan báo chí, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cho biết, nguồn thu thông qua quảng cáo giảm tới 80% vì sự xuất hiện của các nền tảng mạng xã hội nên các cơ quan báo chí hoạt động gặp nhiều khó khăn.

Ông Nghĩa nêu câu hỏi cách thức nào để hỗ trợ cơ quan báo chí cũng như công tác truyền thông chính sách như một lối mở để báo chí tăng nguồn thu?

Trước vấn đề được đại biểu nêu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, trước đây, báo chí cách mạng hoàn toàn do cách mạng nuôi, khi xuất hiện kinh tế thị trường, các cơ quan báo chí bên cạnh ngân sách nhà nước còn có nguồn thu từ quảng cáo. Khi mạng xã hội xuất hiện, nguồn thu từ quảng cáo bị thu hẹp lại.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, thực tế hiện nay khoảng 30% chi tiêu của các cơ quan báo chí là từ ngân sách. Cần cân nhắc, nếu báo chí 100% dựa vào thị trường, thì có trở thành báo chí thị trường hay không? Nhà nước làm truyền thông thì có chi trả, đặt hàng cơ quan báo chí không?

"Không nên có quan niệm cực đoan, cần dựa trên cả nguồn ngân sách, đặt hàng của nhà nước, đồng thời cũng cần bám sát thị trường, độc giả, để giữ vị thế của báo chí cách mạng. Tôi nghĩ là đi 2 chân, cả câu chuyện từ đặt hàng của Nhà nước đến câu chuyện chúng ta phải bám chặt chân vào thị trường độc giả, phải đi cho đều hai chân thì sẽ giữ được báo chí cách mạng", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Trước sự cạnh tranh quyết liệt của mạng xã hội, đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết có cần sự hợp tác giữa báo chí và các nhà mạng xã hội trong quan hệ kinh tế, quảng cáo theo hướng cùng chia sẻ lợi ích hay không?

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hầu hết các cơ quan báo chí đều có tài khoản và trang trên các nền tảng mạng xã hội để tiếp cận độc giả. Bộ trưởng cũng cho biết, hiện có ý kiến đề xuất cho phép các cơ quan báo chí đăng tải thông tin trước trên mạng xã hội, thay vì chỉ được phép sau khi đăng trên phương tiện truyền thông chính.

Chính phủ đang xem xét các quy định mới, yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phải thỏa thuận với các cơ quan báo chí.

Tin giả, tin sai sự thật gây nhiễu loạn trong xã hội

Một vấn đề “nóng” khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng là việc quản lý cũng chấn chỉnh đưa tin phản cảm, sai sự thật lên mạng xã hội…

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Thanh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho biết, trong những năm qua, sự phát triển của mạng xã hội bùng nổ, kéo theo tình trạng tin giả, tin sai sự thật gây nhiễu loạn, tạo hệ lụy bức xúc trong xã hội. Việc này cũng ảnh hưởng tới báo chí về thông tin và doanh thu.

“Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ trưởng có phương án nào để quản lý mạng xã hội?” - đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Thanh nếu câu hỏi.

Cùng vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đặt câu hỏi: “Đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết về những giải pháp để chấn chỉnh người dân đưa tin giật gân, phản cảm, sai sự thật cũng như nhiều nội dung quảng cáo trái thuần phong mỹ tục, vi phạm bản quyền gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng”.

Đối với vấn đề được đại biểu Nguyễn Duy Thanh nêu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, vấn đề tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội là vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà mang tính toàn cầu.

Để chấn chỉnh và quản lý vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đầu tiên là vấn đề hoàn thiện thể chế.

“Trước đây, chúng ta mới quy định xử lý cá nhân sử dụng mạng xã hội khi đưa thông tin sai sự thật, tin giả. Mới đây, chúng ta đã đưa vấn đề xử lý các nền tảng xã hội khi vi phạm luật pháp Việt Nam. Trước đây, chúng ta cho rằng đây là trách nhiệm của quản lý nhà nước, nhưng thật ra trách nhiệm lớn là đối với các nền tảng xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng rõ.

Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, bản thân các nền tảng mạng xã hội phải có trách nhiệm rà quét, tự động gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc.

“Hiện Bộ thông tin và Truyền thông đang tập trung vào 3 nhóm, trong đó khi người dân bị ảnh hưởng bởi thông tin sai, tin xấu độc, có nơi để họ phản ánh, có nơi đề nghị giúp đỡ. Do đó, Bộ đã thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc và các địa phương cũng thành lập các trung tâm như vậy” - Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Trao đổi với đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, Bộ trưởng cho biết, khi mạng xã hội ra đời đã "lấy mất nghề" của báo chí. Mạng xã hội đưa tin nhanh hơn, có hàng chục triệu "phóng viên" không mất tiền.

Do đó, báo chí muốn giữ vững vị thế của mình thì cần làm khác mạng xã hội, quay về với giá trị cốt lõi của báo chí là tính xác thực, chính xác, khách quan, có trách nhiệm giải trình, đạo đức nghề nghiệp. Thay vì đưa tin, thì báo chí cần phân tích, đánh giá, đưa ra giải pháp, dẫn dắt, định hướng xã hội.

Bộ trưởng nhấn mạnh, báo chí cần nâng cao chất lượng nội dung, để thông tin trên báo chí mang tính chất dẫn dắt dư luận trên mạng xã hội.

Hai năm rưỡi, mạng xã hội đóng thuế hơn 20 nghìn tỷ

Cũng liên quan đến việc quản lý mạng xã hội, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát nội dung trên các nền tảng số xuyên biên giới trong thời gian tới?

Về điều này, người đứng đầu ngành TT&TT cho biết, các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới hoạt động theo luật pháp khác, không giống với hệ thống luật pháp của Việt Nam, do đó gây khó khăn trong việc yêu cầu họ tuân thủ luật pháp Việt Nam.

Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam là nước có chủ quyền và luật pháp trên không gian mạng, yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam thì phải tuân thủ luật pháp của Việt Nam.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong thời gian qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã đạt kết quả rất tích cực như tăng tỉ lệ đáp ứng về gỡ bỏ thông tin xấu độc, sai sự thật từ 10-20% năm 2018 đến nay là tỉ lệ trên 95%, thời gian đáp ứng từ 48 tiếng trước đây rút xuống còn 24 tiếng và 12 tiếng, trong trường hợp đặc biệt, xử lý, gỡ bỏ thông tin xấu độc trong vòng 2 tiếng, đồng thời gỡ bỏ các trang, các tài khoản vĩnh viễn nếu vi phạm nghiêm trọng.

Hiện nay các nền tảng mạng xã hội phải tự động rà quét, gỡ bỏ các thông tin vi phạm mang tính phổ quát đã được định nghĩa tường minh như cờ bạc, mại dâm, ảnh hưởng đến trẻ em, kinh doanh các mặt hàng bị cấm, khủng bố… đồng thời hiện có thể xác định được danh tính khi vi phạm.

Đặc biệt nhiều mạng xã hội lớn đã hợp tác với Bộ TT&TT về tuyên truyền chống tin giả, tin lừa đảo trực tuyến, quảng bá hình ảnh của đất nước Việt Nam ra nước ngoài, đồng thời tuân thủ luật pháp của Việt Nam trong những hợp đồng với khách hàng.

“Các mạng xã hội đã tuân thủ pháp luật của Việt Nam, đã đóng thuế ở Việt Nam. Trong hai năm rưỡi, chúng ta đã thu được trên 20.000 tỷ đồng, tăng 6 lần so với trước đây”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.