Theo KTS Hoàng Thúc Hào - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, với ý nghĩa “Truyền sinh khí cho di sản kiến trúc trong dòng chảy đương đại”, tọa đàm là cuộc đối thoại giữa các chuyên gia kiến trúc, lịch sử, ký ức cộng đồng với các không gian di sản cũng như các thiết kế, sắp đặt các pavilion, sắp đặt không gian nghệ thuật; những bài học thực tế về việc đưa di sản văn hóa tham gia trực tiếp vào các hoạt động sáng tạo trong thành phố, những giá trị truyền thống Việt Nam của di sản văn hóa tham gia vào sự sáng tạo của đô thị.
"Được UNESCO ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo trên thế giới, Hà Nội đã và đang từng bước chuyển động theo hướng lấy sự sáng tạo và coi nền kinh tế sáng tạo làm cốt lõi trong tiến trình phát triển thành phố năng động, toàn diện và bền vững. Trong quá trình ấy, di sản văn hoá vừa là nền tảng tinh thần và vật chất để xây dựng thành phố sáng tạo, vừa chính là một nhân tố tham gia trực tiếp vào việc tạo lập các không gian sáng tạo của Thủ đô".
Trong các mùa Lễ hội Thiết kế sáng tạo, nhiều công trình biểu tượng như “Cổng sáng tạo”, “Không gian truyền thống”, “Không gian hội nhập” (năm 2022) và Pavilon “Hành lang thơ ngây”, “Dòng”, “Rồng rắn lên mây” (năm 2024) được Ban Tổ chức tạo dựng, thu hút đông đảo du khách tham quan, chụp ảnh, trải nghiệm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự tồn tại của các Pavilon chỉ trong thời gian ngắn, không mang tính bền vững. Sau lễ hội, các Pavilon đều “đóng gói” hoặc bị dỡ bỏ gây lãng phí.
Đây cũng là điều KTS Hoàng Thúc Hào trăn trở. "Công nghiệp sáng tạo đang trở thành động lực, nhân tố chính trong phát triển kinh tế xã hội Thủ đô. "Thế nhưng câu hỏi đặt ra là: Làm sao để việc phát huy di sản có tính chiến lược? Làm sao để sau 1 tuần lễ hội chúng ta không phải “đóng gói” tác phẩm rồi không biết cất đâu? Làm sao để có một kịch bản đồng bộ có khả năng kết nối các năm, năm nay kế thừa cho năm sau? khi Hà Nội đã 4 lần tổ chức Lễ hội Thiết kế Sáng tạo và các di sản văn hóa luôn luôn được quan tâm, "đánh thức" theo cách rất đặc biệt. Giải được bài toán này, vừa tránh lãng phí vừa tạo được mối liên kết giữa các mùa lễ hội".
Trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, các di sản kiến trúc như: Bắc Bộ phủ, Đại học Tổng hợp, Cung Thiếu nhi tiếp tục được "đánh thức" bằng nhiều giải pháp đồng bộ, qua đó thu hút nhiều công chúng quan tâm, tham gia, góp phần bảo tồn di sản.
Giám tuyển Vân Đỗ - Giám đốc nghệ thuật Á Space, Trưởng nhóm giám tuyển “Cung Thiếu nhi Hà Nội: Hoài niệm cho tương lai” cho rằng, với những công trình đã “ngủ quên” như Cung thiếu nhi Hà Nội, nơi tổ chức khoảng 40 hoạt động trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, có những tác phẩm chỉ mang tính thời điểm, cũng có những tác phẩm sẽ được để lại làm sân chơi cho thiếu nhi sau lễ hội. “Làm thế nào để sự đầu tư của các bên liên quan vào di sản này để lại tác động lâu dài hơn là một trăn trở. Chúng tôi cố gắng khích lệ một không gian đang ngủ quên với hy vọng có thể là nơi nuôi dưỡng sáng tạo không chỉ cho thiếu nhi mà cả cho người lớn”.
Tại tọa đàm, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính chia sẻ, Hà Nội với vị thế trung tâm đất nước, tập hợp các dấu tích vật chất muôn vẻ, trong đó những công trình kiến trúc tạo ra một khối di sản làm nên diện mạo hấp dẫn của đô thị. Những năm qua, Hà Nội đã trùng tu, bảo tồn di sản ngày càng vững tay hơn. Điều chúng ta đã làm và cần làm là sáng tạo để “tử tế hóa”, “khang trang hóa”, “thành tựu hóa” những con phố bởi nếu thích ứng tốt với xã hội đương đại di sản sẽ có vai trò thu hút, thúc đẩy các hoạt động cộng đồng, tận dụng sự sáng tạo của mọi tầng lớp trong xã hội.
Bàn giải pháp để tiếp tục phát huy giá trị các tác phẩm nghệ thuật trong lễ hội thiết kế sáng tạo, KTS Phạm Tuấn Long - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm chia sẻ, sau lễ hội, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, kiến nghị Ban Tổ chức phối hợp với các đơn vị bàn cách khai thác sao cho hiệu quả nhất. "Điều này cho thấy chúng ta cần phối hợp đồng bộ, bài bản, năm sau kế thừa năm trước để có thể truyền cảm hứng cho cộng đồng sáng tạo, đóng góp vào phát triển kinh tế. Đồng thời, Luật Thủ đô có hiệu lực từ 1/1/2025 với nhiều nội dung mới liên quan đến khai thác, sử dụng, nhượng quyền cho sử dụng với tài sản công cũng sẽ mở ra nhiều hướng khai thác sử dụng hiệu quả. Qua đó, di sản kiến trúc không chỉ được bảo tồn mà còn trở thành điểm đến thu hút các ý tưởng sáng tạo và sự quan tâm của công chúng".