Người trẻ tiếp cận những vấn đề toàn cầu

Trong 10 chủ đề tại Hội nghị mô phỏng Liên Hợp quốc Quốc tế Việt Nam năm 2022, chủ đề trong phiên họp mô phỏng Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) về Thúc đẩy quyền tiếp cận giáo dục bình đẳng cho trẻ em khuyết tật được bàn luận sôi nổi.

Các thành viên phiên họp nhận định Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong chính sách giáo dục cho trẻ em khuyết tật. Tuy nhiên, các em vẫn phải đối mặt với khá nhiều rào cản để học tập hòa nhập như: thiếu cơ sở vật chất, trường chuyên biệt, giáo viên được đào tạo về trẻ khuyết tật và hiện đang có nhiều khác biệt trong định nghĩa về trẻ khuyết tật trong các lĩnh vực khác nhau.

Các bạn trẻ trong vai đại diện các quốc gia tại đã nêu khuyến nghị về đảm bảo các hệ thống cơ sở vật chất trong trường học, đáp ứng được nhu cầu của các học sinh khuyết tật như cần có dốc lên xuống cho xe lăn hay chia nhóm theo các loại khuyết tật thay vì đối xử với tất cả các học sinh khuyết tật giống nhau, trong khi các em có nhu cầu và trải nghiệm khác nhau tùy vào tình trạng của bản thân.

"Việc mình biết rằng trải nghiệm của mọi người là khác nhau và thật sự có những giải pháp để hỗ trợ điều đó là rất cần thiết”, Phạm An Trọng, một sinh viên trong vai Chủ tọa Hội đồng UNICEF phân tích.

Đoàn Thu Nga, sinh viên trường đại học Luật Hà Nội, thành viên hội đồng nêu ví dụ việc mọi người dùng cụm “thiểu năng” để trêu chọc nhau mà không để ý hành động này đồng thời cũng đem người khuyết tật trí tuệ ra để trêu chọc. Chính những định kiến này len lỏi và bắt rễ sâu trong từng câu chữ dùng hàng ngày mà chúng ta đều không hề hay biết. Vậy nên, việc bình đẳng giáo dục với trẻ em khuyết tật theo các thành viên ở hội nghị mô phỏng cần bắt đầu ngay từ những chi tiết nhỏ.

Bạn trẻ học gì qua Hội nghị mô phỏng Liên hợp quốc?

Đoàn Thu Nga, sinh viên đại học Luật Hà Nội, sau 4 năm tham gia Hội nghị mô phỏng Liên hợp Quốc Việt Nam (IVMUN) cho rằng người trẻ qua đây được nói lên suy nghĩ của bản thân về các vấn đề lớn trên thế giới. Đồng thời các bạn học hỏi được nhiều kỹ năng khác nhau như kỹ năng quản lý, cách kêu gọi tài trợ, và mỗi bạn trẻ hình thành cách tiếp cận khác nhau về các vấn đề lớn trong và ngoài nước.

“Khi tham gia và đóng vai đại biểu bàn luận về các vấn đề mang tính toán cầu, các bạn trẻ không sợ bị thách thức quan điểm, sẵn sàng tiếp nhận ý kiến và thay đổi những suy nghĩ của bản thân nếu thấy ý kiến khác hợp lý hơn”, Thu Nga chia sẻ.

Khi tham gia IVMUN, ngay từ cách thức xưng hô cũng đã tạo nên phong thái cho mỗi bạn trẻ trong việc bày tỏ quan điểm trong vai trò đại diện cho một tổ chức, cơ quan hoặc nhà nước trong tương lai.

# Hội nghị mô phỏng Liên Hợp quốc (Model United Nations) là một hoạt động diễn ra phổ biến tại các trường học trên thế giới, được tổ chức nhằm mô phỏng các phiên họp của Liên Hợp quốc. Học sinh trong vai trò là đại sứ của một quốc gia hoặc tổ chức, tương tác cùng các đại biểu khác để đạt được những thỏa hiệp chung.

# Hội nghị mô phỏng cũng có đầy đủ các vị trí như Chủ toạ, Ban Thư ký và Đại biểu từ các quốc gia khác nhau. Khi tham gia hội nghị, học sinh, sinh viên sẽ được đóng vai đại biểu các quốc gia trên thế giới tham gia vào tranh luận các vấn đề lớn mang tính toàn cầu với mục đích tìm ra giải pháp tối ưu nhất.

Được hoá thân thành các nhà ngoại giao, cùng tìm ra hướng giải quyết các vấn đề mang tính vĩ mô trên toàn cầu, IVMUN trang bị cho các bạn học sinh, sinh viên những kĩ năng, kiến thức để áp dụng những gì mình học được vào đời sống. Cũng thông qua đây, các bạn trẻ có được những góc nhìn mới mẻ về các vấn đề trên thế giới, thay đổi được nhận thức và hành động cũng như lan toả những điều tốt đẹp đến cộng đồng.

“Ý kiến hay sáng kiến các bạn đưa ra trong hội nghị có thể chưa có tác động trực tiếp ngay lập tức , tuy nhiên sau này có nhiều bạn bạn sẽ trở thành những nhà ngoại giao, những chính khách và hoàn toàn có thể theo đuổi những chính sách chính các bạn đã đề ra. Sau khi tham gia những hội nghị mô phỏng liên hợp quốc, các bạn trẻ có những góc nhìn đa chiều hơn không chỉ về mặt kiến thức mà còn cả về lòng trắc ẩn và thấu hiểu với mọi người hơn”. Phạm An Trọng, thành viên Ban tổ chức IVMUN khẳng định.

Mời quý thính giả bấm nút nghe trao đổi từ đại diện IVMUN