Giáo dục đại học Việt Nam chưa vượt ngưỡng thấp của giáo dục đại học thế giới

TS Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục đại học là diễn giả của phiên thảo luận về chất lượng giáo dục đại học Việt Nam trong khuôn khổ Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2011-2020 vừa được Viện Khoa học giáo dục phối hợp với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (Unesco) tổ chức.

Theo đánh giá của TS Lê Đông Phương, nếu như trước đây có sự ra tăng nhanh chóng số lượng các trường đại học, cao đẳng nhưng 5 năm trở lại đây, quy mô giáo dục đại học Việt Nam đã chững lại, thậm chí một số nơi đã giảm. Trong đó, các trường công lập vẫn là trụ cột của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Đánh giá bức tranh giáo dục đại học Việt Nam trong 10 năm qua, điều khiến TS Lê Đông Phương băn khoăn nhất là chất lượng đào tạo. Mặc dù những năm gần đây, một số trường đại học Việt Nam đã lọt vào các bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới nhưng vẫn đứng ở top dưới của các bảng xếp hạng.

Cụ thể, theo thống kê số đại học vào top 1.000 của ba bảng xếp hạng uy tín Webometrics, QS và THE do Ngân hàng thế giới thực hiện năm 2020, Việt Nam đứng cuối cùng, sau cả Philippines, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Tại mỗi bảng QS và THE, Việt Nam chỉ có 2 trường góp mặt trong top 1.000 và không có đại diện nào ở Webometrics. Trong khi đó Indonesia lần lượt là 9, 3 và 2; còn Thái Lan là 8, 5 và 6.

“Về cơ bản hệ thống giáo dục đại học Việt Nam chưa vượt ngưỡng thấp của giáo dục đại học thế giới. Kết quả nghiên cứu khoa học cũng vậy. Dù những năm gần đây chỉ số xuất bản quốc tế của đại học Việt Nam tăng lên khá nhiều nhưng vẫn đứng cuối hầu hết các chỉ số xuất bản quốc tế.” – TS Lê Đông Phương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo nhìn nhận của TS Lê Đông Phương, mặc dù trong những năm qua nhiều trường đại học Việt Nam nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy, chuyển từ truyền đạt kiến thức sang học thông qua thực hành, nghiên cứu, đào tạo theo tín chỉ… Tuy nhiên, phương thức dạy học truyền thống vẫn thống trị trong các trường đại học Việt Nam.

“Các trường đại học từng bước quốc tế hóa chương trình đào tạo bằng cách nhập khẩu chương trình của các trường đại học uy tín trên thế giới. Tuy nhiên, dù cố gắng mang chương trình nước ngoài về nhưng các trường vẫn chưa mang được văn hóa quản trị đại học nên kết quả chưa như kỳ vọng.” – TS Lê Đông Phương nhận định.

Một điểm yếu khác của giáo dục đại học Việt Nam hiện nay được PGS.TS Lê Đông Phương chỉ ra, đó là việc tham gia của doanh nghiệp, của các bên trong xã hội vào phát triển chương trình còn hạn chế. Các trường đại học cũng như các Bộ chủ quản chưa có hệ thống thông tin thị trường lao động đủ tin cậy để cung cấp cho sinh viên về cơ hội việc làm của mình sau khi tốt nghiệp.

“Đặc biệt, chúng ta chưa có những thông tin phản hồi đánh giá về năng lực, khả năng hội nhập của sinh viên với thị trường lao động như thế nào? Đây là điểm yếu nhất của hệ thống thị trường lao động, của hệ thống giáo dục đại học bởi chúng ta không biết thực chất sinh viên tốt nghiệp hiện nay đang làm gì và đang làm như thế nào?” – TS Lê Đông Phương đánh giá.

Đại học Việt Nam chưa thực sự quan tâm đến văn hóa đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp

Nhận diện giáo dục đại học Việt Nam hiện nay, GS.TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội đưa ra quan điểm thẳng thắn, năng suất lao động của Việt Nam đang rất thấp và trách nhiệm trước tiên thuộc về chất lượng giáo dục đại học.

GS.TS Nguyễn Hữu Đức không đồng tình trước việc giáo dục đại học Việt Nam suốt những năm qua vẫn loay hoay, quan tâm đến chất lượng đầu vào, nặng nề trong công tác tuyển sinh mà không tuân theo nguyên lý là học hết bậc học này người học có quyền bước sang bậc học khác nếu có nhu cầu.

GS.TS Nguyễn Hữu Đức cũng chỉ ra điểm yếu của giáo dục đại học Việt Nam là chưa thực sự quan tâm đến văn hóa đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Ông cho rằng, kết quả nghiên cứu khoa học hiện nay chủ yếu là “đếm số bài báo để nhận tiền” còn đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp để đóng góp vào nền kinh tế là chưa có.

“Chúng ta chủ yếu dạy để biết kiến thức, mỗi người như một bộ sách. Còn việc biến nghiên cứu của mình thành sở hữu trí tuệ, thành của cải vật chất cho xã hội vẫn còn yếu.” – GS.TS Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh.

Từ góc nhìn của mình, GS.TS Nguyễn Hữu Đức cho rằng, sự phát triển của giáo dục đại học hiện nay không phải là đào tạo được bao nhiêu sinh viên ra trường có việc làm mà phải là bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp sẽ tạo được việc làm cho mình và cho người khác.

Tương tự, kết quả nghiên cứu khoa học trong đại học hiện nay không phải là có bao nhiêu bài báo được công bố mà phải “hàng hóa hóa”, khai phá được tri thức ấy hay không?

Hoạt động của trường ĐH dựa chủ yếu vào học phí người học sẽ để lại hệ lụy lâu dài

Trong khi đó, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT, trường Đại học FPT cho rằng, trong 10 năm qua giáo dục Đại học Việt Nam đã có những bước đi quan trọng như đẩy mạnh tự chủ đại học, quan tâm đến quốc tế hóa, xếp hạng, công bố quốc tế cũng như kiểm định chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên, điều khiến TS Lê Trường Tùng lo ngại khi 10 năm qua, quy mô giáo dục đại học Việt Nam chững lại. Tỷ lệ người học đại học so với các nước trong khu vực và thế giới vẫn rất thấp. Đặc biệt, trong 10 năm, khối các trường ngoài công lập chưa phát triển mạnh khi số lượng sinh viên theo học các trường ngoài công lập vẫn chỉ chiếm khoảng 15%.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh tự chủ đại học hiện nay đang dẫn đến việc các trường đại học hoạt động chủ yếu dựa trên học phí của người học. Ông Lê Trường Tùng cho hay, các nền giáo dục đại học lớn trên thế giới như Úc, Anh hay Mỹ không trường nào hoạt động chủ yếu dựa trên học phí của người học. Thông thường, học phí chỉ chiếm 50%, còn lại là ngân sách nhà nước, tài trợ, hợp tác nghiên cứu…

“Các trường ĐH Việt Nam đang hướng đến hoạt động dựa trên học phí người học. Trong khi nguồn tín dụng cho vay lại hạn chế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, mô hình giáo dục đại học dựa chủ yếu trên học phí người học sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của giáo dục đại học Việt Nam.” – TS Lê Trường Tùng nhận định.