Đại học Bách khoa Hà Nội và Quỹ Ái Việt vừa ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm hỗ trợ sự phát triển các dự án khởi nghiệp trong Nhà trường.
Phát biểu tại lễ ký kết, PGS. Huỳnh Đăng Chính - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh hai bên có mục tiêu chung là đóng góp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Việc ký kết với Quỹ Ái Việt là cột mốc mang tính bước ngoặt giúp hai đơn vị thêm gắn kết và bền chặt, góp phần giúp Nhà trường thực hiện các mục tiêu phát triển tương lai.
Trong bối cảnh thế giới chuyển mình mạnh mẽ với làn sóng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, sự phát triển nhanh chóng của AI, điện toán đám mây và điện tử, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Đại học Bách khoa Hà Nội có thêm động lực để nỗ lực hơn nữa, đặt mục tiêu đến năm 2030 vào nhóm 100 - 150 đại học khu vực châu Á về lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ.
Theo PGS. Huỳnh Đăng Chính, thông qua hợp tác với Quỹ Ái Việt, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Bách khoa sẽ được mở rộng và tiếp thêm nguồn lực, đồng thời tạo cầu nối giữa Nhà trường với nhà đầu tư, doanh nghiệp; giữa kiến thức với thực tiễn; giữa giảng đường với thị trường.
Tôi muốn mang tinh thần khởi nghiệp vào các cơ sở giáo dục Việt Nam, tạo thêm nguồn lực cho các dự án nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của giảng viên, sinh viên, thay đổi suy nghĩ trường đại học chỉ nặng tính học thuật.” - TS. Nguyễn Thành Nam chia sẻ lý do mong muốn đồng hành cùng các dự án khởi nghiệp Bách khoa.
Được thành lập từ năm 2023, Quỹ Ái Việt đặt mục tiêu hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam, đặc biệt chú trọng đầu tư công nghệ lõi là của doanh nghiệp Việt, mong muốn thúc đẩy các dự án tạo ra giá trị cốt lõi cho Việt Nam và vươn tầm quốc tế.
Mới đây, tại Hải Phòng, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với công ty VinFast và công ty VinRobotics nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học, nâng cao kiến thức thực tiễn cho sinh viên và tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cho ngành công nghiệp - công nghệ cao Việt Nam.
Theo thoả thuận, Đại học Bách khoa Hà Nội, VinFast và VinRobotics sẽ hợp tác hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và phát triển các sản phẩm công nghệ.
Dựa trên thế mạnh của các bên, hợp tác sẽ góp phần tạo ra một nền tảng trao đổi kiến thức chuyên môn cho sinh viên, giảng viên Bách khoa Hà Nội, nâng cao chất lượng nhân lực cho ngành công nghiệp - công nghệ cao Việt Nam, thúc đẩy tầm nhìn chung về phát triển xanh và bền vững giai đoạn 2025 - 2030.
Ở lĩnh vực đào tạo, các bên phối hợp xây dựng chương trình kỹ sư chuyên sâu về Kỹ thuật ô tô số của Đại học Bách khoa Hà Nội, đảm bảo phù hợp với các xu hướng công nghệ mới. VinFast sẽ tạo điều kiện cho sinh viên Bách khoa thực tập toàn thời gian tại công ty, mang đến cơ hội tiếp cận với những công nghệ sản xuất ô tô mới nhất, bám sát thực tiễn; hỗ trợ giới thiệu việc làm và tuyển dụng cho các vị trí phù hợp tại công ty cũng như các đơn vị thành viên sau khi tốt nghiệp.
Với hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm công nghệ, VinFast và Đại học Bách khoa Hà Nội hợp tác tạo ra các sản phẩm ứng dụng vào thực tiễn sản xuất của VinFast. Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ trở thành đối tác nghiên cứu các giải pháp công nghệ phục vụ phát triển xe điện và các sản phẩm công nghệ tiên tiến của VinFast.
Đối với VinRobotics, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển những sản phẩm, công nghệ hiện đại, có tính ứng dụng thực tiễn cao. Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ nhận đề tài từ VinRobotics, tổ chức nghiên cứu, hoàn thành dự án và cung cấp các giải pháp ở lĩnh vực người máy, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng cho các công ty thành viên trong hệ sinh thái Vingroup cũng như cung cấp ra thị trường.
Cũng theo thoả thuận hợp tác, VinFast và VinRobotics sẽ tài trợ học bổng và cung cấp các khóa đào tạo chuyên sâu đối với sinh viên Bách khoa đáp ứng điều kiện.
Hợp tác giữa Đại học Bách khoa Hà Nội với VinFast, VinRobotics không chỉ góp phần chuẩn hóa nội dung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mà còn tạo ra nền tảng vững chắc và động lực mạnh mẽ cho ngành công nghiệp - công nghệ Việt Nam phát triển vươn tầm thế giới.
PGS. Huỳnh Đăng Chính - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - khẳng định: Lễ ký kết đặt đặt viên gạch đầu tiên xây dựng mối quan hệ chiến lược giữa Nhà trường với VinFast và VinRobotics, đó là sự hợp tác kiến tạo tương lai bền vững của tri thức và công nghệ để thúc đẩy cho sự phát triển cần thiết của bất cứ quốc gia nào.
Ô tô điện là xu thế phát triển của tương lai, đồng thời phù hợp với định hướng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học ngành Kỹ thuật ô tô của Đại học Bách khoa Hà Nội. Thông qua hợp tác cùng VinFast và VinRobotics, sinh viên, giảng viên Nhà trường sẽ có thêm cơ hội tiếp cận với những công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, bám sát thực tiễn để đáp ứng đúng những yêu cầu, đòi hỏi của thị trường lao động và đơn vị tuyển dụng sau khi ra trường.
“Đại học Bách khoa Hà Nội tin tưởng 3 đơn vị sẽ cùng hợp lực kiến tạo tương lai bền vững cho đất nước, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực và thế giới!” - PGS. Huỳnh Đăng Chính bày tỏ.
“Với ký kết hợp tác này, các đơn vị sẽ cùng hướng tới mục tiêu là nâng cao năng lực cho các kỹ sư tài năng tại Việt Nam, cống hiến cho nền công nghiệp nước nhà những sản phẩm công nghệ cao được sản xuất bởi chính con người Việt Nam và đưa những sản phẩm công nghệ ấy có mặt tại khắp các quốc gia trên thế giới!”, ông Trịnh Văn Ngân - Phó Tổng Giám đốc VinFast tin tưởng.
Hiện tại ở VinFast hiện có hơn 74% kỹ sư là cựu sinh viên ĐHBKHN. Phó Tổng Giám đốc VinFast khẳng định, việc hợp tác không chỉ nâng cao chất lượng chương trình đào tạo của Bách khoa Hà Nội, nâng cao nguồn nhân lực cho nền công nghiệp Việt Nam mà còn là nền tảng mạnh mẽ cho ngành công nghiệp đất nước phát triển vượt bậc và vươn tầm ra thế giới sau này.
Sau lễ ký kết, hơn 120 sinh viên Bách khoa Hà Nội đã tham gia Hội thảo "Cùng VinFast kiến tạo tương lai bền vững", khám phá xu hướng công nghệ đang được ứng dụng tại VinFast; tham quan nhà máy VinFast Hải Phòng và lái thử xe máy điện, xe đạp điện.
Mới đây (ngày 27 tháng 12 năm 2024), ĐH Bách khoa Hà Nội và Tập đoàn Viettel đã tổ chức khánh thành Phòng thí nghiệm nghiên cứu 5G/6G Viettel - HUST và Lễ Trao học bổng Tài năng Viettel 2024. Đây là sự kiện đánh dấu sự hợp tác chặt chẽ giữa Trường Điện – Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).
Phòng thí nghiệm (PTN) 5G/6G trị giá 1,7 tỷ đồng, hướng tới mục tiêu tạo môi trường để triển khai các dự án, đề tài nghiên cứu phát triển hợp tác giữa Viettel và Đại học Bách khoa Hà Nội trong lĩnh vực mạng tiên tiến và 5G/6G; Cho phép mở các lớp hợp tác đào tạo ngắn hạn, đào tạo nâng cao cho cán bộ kỹ thuật, cán bộ nghiên cứu phát triển của Viettel; Là nền tảng cho các hoạt động tư vấn, kiểm chuẩn, tích hợp giải pháp trong lĩnh vực mạng tiên tiến và 5G/6G; Là cơ sở để phát triển các định hướng nghiên cứu khác trong tương lai.
Đây là minh chứng cho tầm nhìn chiến lược, sự đầu tư dài hạn và tinh thần hợp tác mạnh mẽ giữa Đại học Bách khoa Hà Nội và Tập đoàn Viettel.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - trân trọng cảm ơn Tập đoàn Viettel đã tài trợ PTN nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu, đồng thời nhấn mạnh quan điểm phát triển đào tạo của Bách khoa Hà Nội: Sinh viên phải được học tập trên những trang thiết bị phù hợp. Nhà trường chủ động đầu tư vào những PTN để đảm bảo sinh viên được tiếp cận các công nghệ mới, tránh tình trạng học chay. Nhà trường minh bạch trong quản trị các PTN, đảm bảo các nghiên cứu thực sự đúng sứ mệnh và trách nhiệm của mình.
Thượng tá Cao Anh Sơn - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel - bày tỏ niềm vinh dự khi Tập đoàn Viettel được cùng Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội khánh thành phòng nghiên cứu mới để có thể tạo ra những sản phẩm dựa trên hạ tầng nghiên cứu sẵn có từ Viettel. Hạ tầng viễn thông đang là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam.
Theo ông Cao Anh Sơn, đến nay, mới chỉ có 6 nước trên thế giới triển khai 5G. Viettel là một trong số ít doanh nghiệp đã tự sản xuất thiết bị 5G, không chỉ phục vụ trong nước mà còn xuất khẩu ra quốc tế. “Kết quả này có sự đóng góp to lớn từ Đại học Bách khoa Hà Nội - nơi đào tạo nhiều thế hệ kỹ sư, nhà nghiên cứu ưu tú."
Tại buổi lễ, PGS. Nguyễn Hữu Thanh - Hiệu trưởng Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội - trình bày tóm tắt những nội dung hợp tác Trường đã và đang triển khai với Tập đoàn Viettel, như: Hợp tác đào tạo, Học bổng Tài năng Viettel; Dự án NCPT: Phát triển thuật toán AI cho chip 5G; Công bố kết quả nghiên cứu chung.
Thời gian tới, Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội và Tập đoàn Viettel sẽ hợp tác nghiên cứu các công nghệ 6G có thể triển khai tại Viettel dựa trên PTN nghiên cứu vừa trang bị; Tiếp tục đẩy mạnh các đề tài dự án nghiên cứu chung; Tăng cường các khóa học đào tạo giữa hai bên; Tài trợ nghiên cứu thông qua học bổng hỗ trợ nghiên cứu cho thạc sĩ, kỹ sư chuyên sâu và nghiên cứu sinh. Những hợp tác này không chỉ mang lại lợi ích cho cả hai bên mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội.
Với sự đầu tư về công nghệ và sự hợp tác mạnh mẽ từ Viettel, PTN nghiên cứu 5G/6G Viettel - HUST sẽ trở thành nền tảng vững chắc, tạo điều kiện cho những thành tựu đáng tự hào trong lĩnh vực công nghệ, khoa học kỹ thuật và đặc biệt là trong ngành Điện - Điện tử.
Chương trình Học bổng Tài năng Viettel được ra đời trong lộ trình thực hiện cam kết của Viettel nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Thông qua chương trình, Tập đoàn kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho Nhà trường và phát huy tối đa năng lực nghiên cứu của các học viên trong quá trình tham gia vào các đề tài nghiên cứu, giải quyết các vấn đề thực tiễn. Năm 2024,Chương trình đã ghi nhận 9 học viên xuất sắc đủ điều kiện nhận học bổng Tài năng Viettel. Mỗi suất học bổng được trao trị giá 50 triệu đồng.
Hiện tại, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội đang làm việc tại Viettel chiếm khoảng 25%; cán bộ quản lý tập đoàn là cựu sinh viên Bách khoa khoảng 50%; riêng mảng nghiên cứu của Tổng Công ty Công nghệ cao, con số này là hơn 50%.