Từ bé, Lê Hà Thu, sinh viên Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã được mẹ cho theo học đàn bầu. Tình yêu với nhạc cụ truyền thống cũng dần được hình thành từ đó. Lên cấp 3, trở thành học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam, Hà Thu mong muốn được biểu diễn đàn bầu trước nhiều người nhưng lại luôn tự ti bởi đàn bầu không còn là “mốt” của giới trẻ.

“Cho đến khi gặp được một số anh chị trong trường có thể chơi sáo, đàn tranh, em biết họ cũng gặp vấn đề giống mình. Từ đó em nảy ra ý tưởng thành lập CLB Cầm Ca để kết nối, chia sẻ với nhau niềm vui khi chơi nhạc cụ truyền thống”.

Trường Ams năng động là nơi có hàng chục CLB giúp học sinh hòa nhập với thế giới, làm thế nào để để thuyết phục thầy cô trao cơ hội thành lập CLB hướng về cội nguồn? Đó là câu hỏi khiến Hà Thu trăn trở vào thời điểm đó. Nhưng bài toán này cuối cùng cũng đã được giải quyết với sự nhiệt huyết “dám nghĩ, dám làm” của nhóm học sinh.

“Hè năm lớp 10 lên 11 mọi dự tính dành cho CLB còn non nớt, ban đầu các bạn e dè, chưa hiểu những gì bọn em theo đuổi nhưng sau khi nghe được âm thanh từ những cây đàn, những bài dân ca quen thuộc, nhạc trẻ đánh trên nhạc cụ truyền thống, nhiều bạn cảm thấy lạ, hiếu kỳ nên dần dành tình cảm cho CLB. Chúng em được được mời đến biểu diễn trong nhiều dự án của HSSV. Đó là cơ hội mang tiếng đàn đến nhiều bạn trẻ hơn nữa”, Hà Thu nhớ lại những ngày đầu thành lập CLB.

“Bình dân học nhạc” – lan tỏa âm nhạc truyền thống đến mọi người

Cầm Ca bắt đầu nổi tiếng với dự án “Bình dân học nhạc”, tổ chức các lớp dạy nhạc cụ truyền thống miễn phí cho tất cả mọi người. Đến nay, dự án chuẩn bị bước vào năm thứ 4.

“Ban đầu khi ấp ủ dự án em chỉ nghĩ đơn giản, có thể tổ chức các mini game để mọi người hiểu về nhạc cụ truyền thống nhưng sau này em hiểu cần có một kế hoạch dài hơi hơn, mang tính chất giáo dục hơn để mọi người có cơ hội trải nghiệm vì chỉ có trải nghiệm mới giúp mọi người yêu thích âm nhạc truyền thống hơn.

Đặc biệt, mỗi viên sau khóa “Bình dân học nhạc” có thể lan tỏa tình yêu nhạc cụ truyền thống cho nhiều người, tình yêu đó sẽ tăng lên theo cấp số nhân chứ không phải đi diễn đến đâu khán giả mới được thưởng thức âm thanh ấy”, Hà Thu chia sẻ tham vọng khi tổ chức các khóa “Bình dân học nhạc” miễn phí.

Ngay từ mùa đầu tiên dự án đã nhận được khoảng 200-300 lượt học từ lý thuyết cho đến các khóa đàn, gồm nhạc cụ truyền thống và phương Tây không giới hạn độ tuổi hay nghề nghiệp.

Sau 3 mùa, “Bình dân học nhạc thu hút hơn 1000 lượt học với khoảng 400 học viên từ các em học sinh cấp 2 cho đến các cụ già.

Trần Trúc Quân, sinh viên năm 2, chuyên ngành đàn Nhị, Khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết, với kinh nghiệm 8 năm theo đuổi đàn Nhị, em dạy các học viên đàn Nhị và “một chút” lý thuyết âm nhạc. “Em cảm thấy việc dạy đàn tại “Bình dân học nhạc” mang lại niềm vui và có giá trị nhất định với bản thân”.

Còn Phan Hiển - Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam cho biết, tại lớp “Bình dân học nhạc”, em – một học sinh lớp 12 trở thành thầy giáo của nhiều người, đứng trước các học viên có khi bằng tuổi bố mẹ, ông bà của mình.

“Lần đầu khi giảng cho học viên em cảm thấy run và lo lắng nhưng họ luôn động viên và tạo ra một lớp học vui vẻ, giúp em tự tin và truyền tải được nhiều thứ hơn”.

Chia sẻ lý do tình nguyện trở thành thầy giáo của lớp “Bình dân học nhạc”, Hiển cho biết, bản thân là người chơi đàn bầu được 7 năm nhưng khi giới thiệu cây đàn với các bạn trẻ, nhiều người trong số họ thậm chí không biết, có người còn cho rằng đó là đàn đám ma.

“Đôi khi em cảm thấy buồn vì một bộ phận giới trẻ dường như quên lãng âm nhạc truyền thống, tham gia vào dự án em muốn giới thiệu các loại nhạc cụ truyền thống đến với các bạn trẻ và những du khách nước ngoài biết về nhạc cụ truyền thống của Việt Nam, những nét đẹp cha ông để lại”, Hiển chia sẻ.

Đưa âm nhạc truyền thống đến gần với gen Z

Cũng là thế hệ Z nên Cầm ca hiểu rõ mong muốn của các bạn cùng trang lứa. Vì vậy, để âm nhạc truyền thống dễ dàng tiếp cận giới trẻ, nhóm còn sử dụng nhạc cụ truyền thống để cover những tác phẩm đang là “hot trend” hoặc làm mới những ca khúc dân ca khiến giai điệu nhẹ nhàng, đằm thắm phù hợp với các bạn trẻ”.

“Khi dạy đàn cho các bạn, em cảm nhận rằng, người nghệ sĩ không nhất thiết phải nổi bật trên sân khấu mà họ có thể lùi lại phía sau, nhường lại sân khấu cho những bạn mới, cũng không nhất thiết phải được biểu diễn ở những sân khấu “hoành tráng” mà đơn giản khi học xong các bạn có thể biểu diễn trên những sân khấu của trường lớp là đã cảm thấy vui rồi”.

Nhờ “Bình dân học nhạc”, nhóm Cầm ca không chỉ mang lan tỏa tình yêu âm nhạc truyền thống đến với mọi người mà còn giúp kết nối với nhiều bạn bè hoạt động ở những lĩnh vực khác nhau, chia sẻ những kinh nghiệm sống, giúp đỡ nhau tiến bộ hơn.

Đồng thời, nhóm cũng thường xuyên có những buổi biểu diễn ở bệnh viện, trại trẻ mồ côi để chữa lành tâm hồn cho những người thiệt thòi. Âm nhạc xòa nhòa mọi khoảng cách về tuổi tác, nghề nghiệp, hoàn cảnh. Đó chính là sức mạnh của âm nhạc./.

Nghe chương trình tại đây: