Những câu chuyện có thật - cái giá của sự chủ quan
Không thiếu những vụ việc đáng tiếc xảy ra từ việc bảo mật kém. Một người đàn ông ở Quảng Ngãi bị mất 57 triệu đồng vì kẻ gian trộm được thẻ ATM và dễ dàng dò ra mật khẩu là ngày tháng năm sinh của chủ thẻ.
Tại Hà Nội, chị Vân Chi, một người kinh doanh tự do thừa nhận ít khi nghĩ đến rủi ro bảo mật thông tin, vì “chỉ lên mạng xem tin và nhắn tin với bạn bè”. Tuy nhiên, sự chủ quan ấy đã khiến thiết bị của chị trở thành mục tiêu dễ dàng cho các phần mềm gián điệp từ những quảng cáo, bộ phim “lậu”, link độc hại tràn lan trên mạng.
Ngay cả giới trẻ, những người lớn lên cùng công nghệ cũng không tránh khỏi rủi ro. Tuấn Hùng, sinh viên trường Đại học Xây dựng bị chiếm quyền tài khoản Facebook chỉ sau một cú click vào đường link do bạn bè gửi. Tài khoản của Hùng sau đó bị lợi dụng để lừa đảo người quen, khiến bản thân rơi vào tình huống khó xử.
Khi dữ liệu trở thành “mồi ngon” cho kẻ xấu
“Thông tin cá nhân là vàng”, nhưng nhiều người vẫn chưa thực sự nhận thức được giá trị và rủi ro liên quan. Trong cuộc sống số hóa, mọi hoạt động từ công việc, học tập đến giải trí đều gắn chặt với mạng Internet và thiết bị thông minh. Thế nhưng, rất nhiều người vẫn vô tình để lộ thông tin cá nhân chỉ vì những thói quen sử dụng thiết bị số thiếu an toàn.
Chuyên gia an ninh mạng ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc HST Consulting chỉ ra hàng loạt sai lầm phổ biến mà người dùng thường mắc phải. Đầu tiên là sử dụng mật khẩu đơn giản, dễ đoán như ngày sinh hay chuỗi số quen thuộc. Nhiều người còn lưu mật khẩu trong các tệp tin trên máy tính. Đây là một việc làm hết sức nguy hiểm nếu thiết bị không may bị xâm nhập. Không ít người công khai chia sẻ thông tin như số căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng, địa chỉ nhà riêng lên mạng xã hội mà không lường trước hậu quả.
Một hành vi nguy hiểm khác là thói quen bấm vào các đường link lạ mà không kiểm tra tính an toàn, đặc biệt là khi đường link gắn với các nội dung “nóng” như bóng đá, giải trí hay khuyến mãi. “Chỉ cần một cú click, người dùng có thể vô tình cài phần mềm độc hại vào máy của mình,” ông Tùng cảnh báo.

Làm sao để tự bảo vệ mình?
Theo ông Lê Thanh Tùng, việc bảo vệ thông tin cá nhân không chỉ là trách nhiệm mà còn là kỹ năng bắt buộc phải có. Dưới đây là những lời khuyên đơn giản nhưng hiệu quả:
- Sử dụng mật khẩu mạnh, thay đổi định kỳ, không trùng với thông tin cá nhân.
- Kích hoạt xác thực hai lớp cho các tài khoản quan trọng.
- Cài đặt phần mềm diệt virus và kiểm tra định kỳ thiết bị cá nhân.
- Không click vào link lạ, không tải ứng dụng từ nguồn không rõ ràng.
- Hạn chế dùng mạng công cộng cho các giao dịch tài chính.
- Tăng cường nhận thức bằng cách cập nhật tin tức từ các cơ quan báo chí chính thống.