Ê Đê là 1 trong 54 dân tộc anh em cùng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam với tổng số khoảng 400.000 người. Người Ê đê cư trú chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên, bao gồm Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng. Ngoài ra, họ cũng có mặt ở một số tỉnh miền Trung như Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định… Trong vùng cư trú, người Ê đê thường sống thành từng buôn làng, với quy mô từ vài chục đến vài trăm hộ.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, người Ê đê đã có mặt ở Tây Nguyên từ hàng nghìn năm trước, cùng với các dân tộc khác như Ba Na, Gia Rai, Mường,… xây dựng nên nền văn hóa Tây Nguyên độc đáo. Từ những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán cho đến nghệ thuật và tâm linh, văn hóa người Ê đê đã góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hóa Việt Nam. Một trong những nghi lễ độc đáo của người Ê Đê là lễ cúng trưởng thành.

Hôm nay, chúng ta cùng tham dự lễ cúng trưởng thành của chàng trai Y Thiên Niê ở xã Krông Jing, huyện M’Drắk, tỉnh Đăk Lăk. Trước ngày diễn ra lễ cúng trưởng thành, người mẹ (gọi là Amí), người bố (gọi là Ama) đã đưa người con trai của mình là Y Thiên đến gặp thầy cúng Y Jung Ksor để nhờ giúp đỡ làm lễ. Sau khi bàn bạc, thầy cúng thống nhất với gia đình về thời gian, lễ vật cúng, gia đình mời đội chiêng của buôn làng và thông báo cho họ hàng buôn xa, buôn gần về chung vui với gia đình và cúng trưởng thành cho Y Thiên. Lễ vật phải chuẩn bị trong một thời gian dài như sửa chữa nhà cửa, ủ rượu ché, chọn heo đực thiến. Trên ghế K'pan trong nhà sàn chuẩn bị sẵn dàn chiêng 5, 1 cồng và 1 trống lớn. Lễ vật mà gia đình chuẩn bị cho Lễ cúng trưởng thành của Y Thiên hôm nay gồm có: 3 ché rượu, 3 chén cơm, 3 chén thịt heo luộc, 3 chén nước và 3 chiếc vòng đồng…

Đối với dân tộc Ê Đê ở Tây Nguyên, các nghi lễ vòng đời đóng vai trò hết sức quan trọng, không chỉ phản ánh rõ nét đặc điểm văn hóa tộc người mà còn có vai trò quan trọng trong đời sống cá nhân và cộng đồng. Theo văn hóa truyền thống trong cộng đồng người Ê Đê, mỗi chàng trai khi sinh ra đến khi về già đều được tổ chức cúng và đeo vòng 7 lần, từ thấp đến cao tương đương từng ché rượu. Trong đó lễ cúng ché bảy là lễ cúng lớn nhất và người đó được coi là trưởng thành, lớn khôn.
Anh Y Thoan Niê, Trung tâm văn hóa tỉnh Đăk Lăk cho biết: “Nói về vòng đời của người Ê đê có rất nhiều nghi lễ, khi mới sinh thì làm lễ “thổi tai” với ý nghĩa là để đứa trẻ biết nghe những điều hay lễ phải, rồi lễ đặt tên, đến 18 tuổi thì làm lễ trưởng thành. Khi lập gia đình thì người Ê đê theo chế độ mẫu hệ nên người chồng sẽ mang họ vợ, đến khi về già thì cúng lễ cầu sức khỏe”
Theo tục lệ của người Ê Đê, dù theo chế độ mẫu hệ nhưng lễ trưởng thành chỉ thực hiện đối với các chàng trai. Nếu chưa thực hiện nghi thức này các chàng trai Ê đê chưa được phép lấy vợ. Vì vậy lễ trưởng thành là một nghi lễ quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của người đàn ông và có ý nghĩa rất lớn trong đời sống văn hóa tâm linh của người Ê Đê. Nghi lễ khẳng định từ thời điểm này, người đàn ông Ê Đê được cộng đồng thừa nhận là người trưởng thành và được tham gia giải quyết các công việc quan trọng của gia đình, dòng họ và buôn làng.
Thầy cúng Y Jung Ksor ở xã Krông Jing, huyện M’Drắk, tỉnh Đăk Lăk chia sẻ: “Lễ cúng trưởng thành được bố mẹ hoặc anh chị tổ chức khi chàng trai đã biết tự đi làm rẫy, đi săn bắn, với sự tham gia của cả dòng họ, buôn làng. Qua đó, cầu mong nhận được sự truyền nối sức mạnh truyền thống của bộ tộc, đồng thời gửi gắm niềm tin và hy vọng sức mạnh của chàng trai giúp bảo vệ và xây dựng buôn làng phát triển. Đây là nghi lễ tâm linh, quan trọng nhất trong vòng đời của con người, có từ xa xưa, được truyền từ đời này qua đời khác và đã ăn sâu vào tâm trí, đời sống sinh hoạt của người Ê Đê”

Có một lưu ý là khi chọn heo để làm lễ trưởng thành thì bắt buộc phải chọn heo đực, số ché rượu và vòng đồng tương đương nhau, tùy thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình nhưng phải là số lẻ.
Sau khi chuẩn bị mâm cúng với những lễ vật đầy đủ, thầy cúng sẽ ngồi vào vị trí và châm nước vào 3 ché rượu, người được cúng trưởng thành là anh Y Thiên mặc trang phục truyền thống, ngồi trước lễ vật, tiếng chiêng vang lên rộn rã báo hiệu lễ cúng bắt đầu.
Lễ trưởng thành của người Ê đê trải qua 2 lần cúng, gồm cúng mời thần linh, mời ông bà tổ tiên về dự lễ và cúng đeo vòng đồng, khấn cầu sức khỏe cho người được làm lễ.
Trong quá trình lễ cúng diễn ra, người Ê Đê cấm kỵ mọi người đi qua lại, nhằm giữ gìn sự thiêng liêng của buổi lễ.
Sau khi thầy cúng khấn xong sẽ tiếp tục châm nước vào ba ché rượu ngụ ý rằng thần linh đã về dự lễ cúng trưởng thành của Y Thiên, đã chứng giám cho Y Thiên. Sau đó, thầy cúng mời Y Thiên hưởng lộc từ thần linh, rồi mời bố mẹ của Y Thiên thụ lộc. Người Ê Đê theo chế độ mẫu hệ nên ở bất cứ nghi thức nào người phụ nữ cũng là người được mời trước rồi mới đến người đàn ông.

Sau khi thụ lộc, thầy cúng sẽ làm lễ tháo vòng đồng 7 khấc và đeo vòng đồng mới cho Y Thiên. Theo phong tục của người Ê Đê thì mỗi em bé trai khi sinh ra sẽ được đeo một chiếc vòng đồng vòng 7 khấc vào tay. Chiếc vòng này sẽ đeo trên tay người con trai cho đến khi làm lễ cúng trưởng thành mới được tháo ra đeo vòng đồng mới. Số lượng vòng đồng được đeo vào tay người được cúng trưởng thành tương ứng với số ché rượu là lễ vật mà gia đình đã chuẩn bị.
Sau khi thực hiện nghi thức đeo vòng đồng, người được cúng trưởng thành sẽ thực hiện nghi thức múa khiên để thể hiện khí phách của người đàn ông trưởng thành hoà cùng tiếng cồng chiêng ngân vang. Tiếng cồng chiêng được xem là ngôn ngữ thiêng liêng, cầu nối giữa con người và thần linh. Âm thanh trầm bổng của cồng chiêng như những lời mời gọi sự chứng giám của thần linh. Chính vì thế, không gian văn hóa cồng chiêng trở thành một phần không thể thiếu, thậm chí là linh hồn của các nghi lễ truyền thống.

Khi thực hiện xong nghi thức múa khiên chàng trai sẽ trở về vị trí ban đầu, lúc này tiếng cồng chiêng đã dứt, thầy cúng sẽ mời chàng trai đến uống rượu nhận lời chúc mừng từ gia đình, họ hàng và bà con trong buôn theo nghi thức “Mnăm ring” tức là uống rượu nối tay, những người uống rượu theo nghi thức này sẽ cầm cần rượu uống nối tiếp nhau liên tục.
Để chúc mừng nghi lễ đã hoàn thành, chúc mừng chàng trai Y Thiên đã trở thành người trưởng thành với trách nhiệm gánh vác trên vai dân làng cùng hòa trong những điều dân ca dân vũ.

Lễ cúng trưởng thành là một nghi lễ quan trọng trong vòng đời vì thế người Ê đê luôn trân trọng và luôn dạy con cháu phải lưu giữ, bảo tồn và phát huy các nghi lễ vòng đời. Bởi theo già làng Y Jung Ksor “một dân tộc nếu mất đi các nghi lễ truyền thống thì chẳng khác gì một người mất trí nhớ cả".