Dữ liệu vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cho thấy, trong tổng số 612.300 thí sinh trúng tuyển đại học đợt 1 năm 2023 có gần 118 nghìn thí sinh bỏ xác nhận nhập học.

Năm ngoái, trong hơn 567.000 thí sinh trúng tuyển đợt 1, khoảng 103.000 bỏ nhập học.

Thực tế, trong mùa tuyển sinh Đại học-Cao đẳng những năm gần đây chứng kiến nhều trường hợp học sinh có kết quả thi tốt nghiệp THPT khá cao nhưng lại lựa chọn theo học Cao đẳng-Trung cấp nghề hoặc trúng tuyển đại học nhưng không xác nhận nhập học.

Cá biệt không ít sinh viên đang học đại học đã “quay xe” học lại trường nghề vì nhận thấy ngành nghề đã chọn không phù hợp. Mùa tuyển sinh năm nay, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội ghi nhận nhiều trường hợp như vậy.

Học xong năm 2 đại học phát hiện chọn sai ngành

Học hết năm thứ 2 ngành Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), Chu Văn An quyết định “quay xe” nộp hồ sơ theo học ngành Quản trị du lịch và lữ hành, trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội.

Quyết định làm lại từ đầu này của cậu sinh viên quê Ba Vì (Hà Nội) không phải là một sự bốc đồng mà được nhân nhắc kỹ.

An nói: "Khi học hết năm nhất đại học rồi em đã có ý định chuyển hướng nhưng liệu quyết định của mình như thế có vội vàng không? Nhưng học hết năm thứ hai em thực sự hiểu rằng mình đã lựa chọn sai ngành, sai nghề".

Trước đó, năm 2021 kết quả thi tốt nghiệp THPT An được trên 25 điểm khối B00. Giống như nhiều học sinh khác, An đăng ký nguyện vọng vào một số trường đại học và trúng tuyển vào một số ngành của Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội).

"Giống như nhiều học sinh cuối cấp, khi đó em khá mơ hồ về nghề nghiệp. Kinh nghiệm cuộc sống chưa có nên thấy bạn bè đăng ký xét đại học thì mình cũng đăng ký. Khi trúng tuyển đại học, bố mẹ rất vui vì cả gia đình có duy nhất em học đại học", Chu Văn An chia sẻ.

Việc bỏ đại học để theo học nghề, Chu Văn An khiến bố mẹ ngỡ ngàng, suy nghĩ. Tuy nhiên bạn trẻ này lý giải với một người thích hoạt động, giao tiếp, dịch chuyển và trải nghiệm văn hóa vùng miền sẽ không thực sự phù hợp với ngành Sinh học - một ngành thiên về nghiên cứu. Do vậy nếu tiếp tục theo học ngành này sẽ càng bế tắc.

"Em nói với bố mẹ rằng mình đã chọn sai nghề rồi. Bố mẹ có chút buồn nhưng tôn trọng lựa chọn của em".

Tân sinh viên ngành quản trị du lịch, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội cũng cho biết lý do chọn học Cao đẳng chứ không phải đăng ký xét tuyển vào Đại học vì thời gian đào tạo Cao đẳng ngắn hơn, tập trung trang bị kỹ năng nghề.

"Em đã lãng phí hai năm nên việc học Cao đẳng sẽ phù hợp mục tiêu nghề nghiệp của mình và cũng rút ngắn được thời gian đào đạo. Mục tiêu của em là ra trường làm hướng dẫn viên du lịch quốc tế hoặc hướng dẫn viên cho người nước ngoài du lịch ở Việt Nam", Chu Văn An nói về mục tiêu tương lai của mình.

“Quay xe” bỏ đại học đi học nghề, sinh viên quyết sửa sai

Khác với Chu Văn An, Trần Diễm Quỳnh, quê Bắc Ninh bỏ đại học theo học nghề không phải do chọn sai ngành học mà là chọn sai trình độ đào tạo.

Là người yêu thích các ngành nghề liên quan đến dịch vụ nên tốt nghiệp THPT, Trần Diễm Quỳnh chọn ngành Quản trị khách sạn và trúng tuyển vào trường Đại học Thủ đô. Tuy nhiên học được 1 năm, Quỳnh xin bảo lưu kết quả học tập dù nhận được học bổng.

"Em xin bảo lưu vì cảm nhận môi trường học tập không phù hợp với mình. Bởi thế mạnh của trường là đào tạo về sư phạm. Bên cạnh đó chương trình đào tạo thiên về lý thuyết hơn là đào tạo kỹ năng, thực hành", Trần Diễm Quỳnh cho biết.

Sau một năm bảo lưu kết quả học tập, Trần Diễm Quỳnh quyết định thay đổi môi trường học tập từ Đại học xuống Cao đẳng. Tân sinh viên Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội tiếp tục lựa chọn ngành Quản trị khách sạn làm con đường đi của mình nhưng ở một góc nhìn thực tế hơn.

Quỳnh đánh giá: "Bốn năm học đại học sinh viên được học nhiều về lý thuyết và nghiên trong khi cùng một ngành đào tạo nhưng khi học Cao đẳng sẽ lược bớt các môn học không cần thiết và được thực tập từ sớm".

“Quay xe” từ bỏ đại học để học Cao đẳng đúng với chuyên ngành đào tạo, Diễm Quỳnh không cho rằng đó là một sự thất bại của bản thân mà đơn giản đó là lựa chọn phù hợp với cá tính, năng lực bản thân.

"Điều em muốn không phải là hai chữ ĐẠI HỌC hay CAO ĐẲNG mà là kỹ năng, kiến thức ngành mà em yêu thích. Em không cho rằng mình bốc đồng, trong thời gian tới em sẽ chứng minh cái quyết định của mình là đúng đắn", Trần Diễm Quỳnh chia sẻ.

Bỏ ngang đại học để đi học nghề, câu chuyện của Chu Văn An và Trần Diễm Quỳnh không phải là những trường hợp cá biệt mà xuất hiện nhiều hơn trong mỗi mùa tuyển sinh.

Sự thay đổi giữa đường này cũng là một bài học trong lựa chọn ngành nghề, bậc học phù hợp cho mỗi học sinh sau khi tốt nghiệp THPT.

"Học sinh nhiều khi chỉ quan tâm ôn luyện làm sao để đạt điểm cao. Khi đỗ đạt rồi được sống trong cảm giác hạnh phúc, vui mừng. Nhưng khi niềm vui qua đi thì liệu ngành nghề mình chọn đã thực sự đúng chưa? Trong quá trình mình học tập, mình bớt chút thời gian để tìm hiểu ngành nghề gì thực sự phù hợp có lẽ sẽ giúp mình đi đúng hướng hơn, tránh lãng phí thời gian", Chu Văn An nói.

Bấm nghe bài: